Sai số 20 tỷ USD trong XNK: Tổng cục Thống kê nói gì?

(PLO) - Những ngày qua, không chỉ trong nghị trường mà cả ngoài xã hội cũng “nóng” lên vì câu chuyện sai số 20 tỷ USD giữa thống kê thương mại hai chiều Việt Nam và Trung Quốc trong năm 2014, được đại biểu Quốc hội Mai Hữu Tín (Bình Dương) nêu ra tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội ngày 8/6. 
Mặc dù Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh và Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã đăng đàn trả lời chất vấn nhưng dư luận vẫn cho rằng “con số đó bắt nguồn từ các hoạt động buôn lậu”…
Để làm rõ hơn về vấn đề này, đại diện Tổng cục Thống kê, bà Lê Thị Minh Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ đã có cuộc trao đổi cùng báo chí và chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Thưa bà, gần đây nhiều ý kiến quan ngại con số 20 tỷ USD xuất siêu từ Trung Quốc mà “ta không biết” có phải bắt nguồn từ buôn lậu nên không kiểm soát được?
- Không phủ nhận về tình trạng gian lận thương mại đang diễn ra rất phức tạp, tuy nhiên con số 20 tỷ USD chênh lệch trên, tôi khẳng định không hoàn toàn là do buôn lậu.
Bà Lê Thị Minh Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ
 Bà Lê Thị Minh Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ 
Có rất nhiều nguyên nhân, như năm 2014, Việt Nam thống kê xuất khẩu sang Trung Quốc thấp hơn 5 tỷ USD, cơ quan thống kê sử dụng theo danh mục mã số HS (mã phân loại hàng hóa, dùng để xác định thuế suất xuất nhập khẩu-PV), với danh mục này, các loại hàng hóa có cách mô tả rõ ràng thì các nước có thể thống nhất, song với những hàng hóa mô tả phức tạp thì mỗi nước lại dùng một mã HS khác nhau. 
Cụ thể, con số chênh lệch 5 tỷ USD này chủ yếu là máy móc thiết bị (mã 85), tổng kim ngạch chênh lệch tập trung vào điện thoại, điện tử, linh kiện. Bởi, hàng hóa lắp ráp tại Việt Nam quay về nước đặt gia công, sau đó xuất sang Trung Quốc nhưng lại tính khối lượng xuất đó cho Việt Nam theo xuất xứ hàng hóa.
Như vậy, nguyên nhân chênh do xuất khẩu tính theo nước cuối cùng, còn nhập khẩu tính theo nước có xuất xứ. Ví dụ, số liệu nhập khẩu Việt Nam từ Hong Kong là 1 tỷ USD, nhưng phía Hong Kong lại ghi nhận xuất 8,8 tỷ USD, do lợi thế về khoảng cách luồng hàng giữa Hong Kong tới Trung Quốc thì có thể quá cảnh qua Việt Nam.
Thêm vào đó phải tính đến nguyên nhân khác là cách tính giá trị hàng hóa giữa Hải quan Trung Quốc và Việt Nam trong một số trường hợp là khác nhau.
Vì vậy, toàn bộ con số chênh lệch đó không phải do nhập lậu, nhưng nhập lậu cũng đóng góp đáng kể. Ví dụ, mặt hàng quần áo, giày dép nhập khẩu qua đường tiểu ngạch, trong trường hợp Trung Quốc kiểm soát được mà Việt Nam không kiểm soát được thì cũng sinh ra chênh lệch.
Chưa kể đến các trường hợp gian lận thương mại, với những hàng có thuế suất cao bị nhà nhập khẩu kê sai giá trị thực tế dẫn đến số liệu của hai nước không khớp nhau. 
Thêm vào đó là sự lẫn lộn trong thống kê xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ, như hàng hóa ở nước này thì nước khác lại ghi nhận là dịch vụ. Sự lẫn lộn hàng hóa và dịch vụ là nguy cơ mà tương lai sẽ xảy ra rất nhiều, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa. 
Phương pháp thống kê của Việt Nam có theo chuẩn quốc tế và với các nước khác có xảy ra các tình trạng thống kê chênh lệch như vậy không? 
- Thống kê xuất-nhập khẩu của Việt Nam được áp dụng và cập nhật theo cẩm nang khuyến nghị của Liên Hợp quốc, phiên bản năm 2010. Ghi nhận các con số thống kê xuất-nhập khẩu chênh lệch giữa các quốc gia đương nhiên là có. Bởi nhiều lý do, như sự khác nhau về phương pháp thống kê, thời điểm thống kê, tỷ giá... thậm chí trong bối cảnh toàn cầu hóa, với việc gia công để kiếm chênh lệch đang diễn ra phổ biến thì kể cả với các nước cùng thống nhất phương pháp tính thống kê song vẫn xảy ra tình trạng chênh lệch về các con số. 
Tuy nhiên với các đối tác khác, gần như sự chênh lệch của Việt Nam với họ là không nhiều và hợp lý, như xảy ra trường hợp Việt Nam xuất khẩu thì đối tác tính giá nhiều hơn, tương tự khi nhập khẩu thì giá của Việt Nam cũng lớn hơn.
Bên cạnh Việt Nam, số liệu thống kê của Trung Quốc cũng có sự chênh lệch lớn với các đối tác trong khối ASEAN (không có chung đường biên giới với Việt Nam) như Malaysia, Indonesia, Philippines..., với các nước phát triển, Trung Quốc cũng có sự chênh lệch này.  Điều đó chứng tỏ hàng hóa Trung Quốc khi vào các nước đều thông qua nước thứ ba và các nước nhập khẩu vẫn ghi nhận đây là hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc. 
Công tác rà soát số liệu thống kê hiện ra sao và bức tranh thực về xuất-nhập khẩu được nhìn nhận như thế nào, thưa bà?
- Công tác rà soát số liệu thống kê về xuất-nhập khẩu cũng đã được thực hiện song phương giữa Việt Nam - Indonesia, Việt Nam - Malaysia…, song các con số chênh lệch giữa các bên là không lớn.
Đối với đối tác Trung Quốc, do tuyến biên giới đường bộ kéo dài rất phức tạp và hiện tại cũng chưa có những sự rà soát bài bản nên tới đây sẽ cần phải thiết lập cơ chế phối hợp giữa cơ quan hải quan hai nước, như quy tắc tính toán, quy trình tính toán số liệu hàng hóa… 
Về bức tranh xuất-nhập khẩu của Việt Nam có những điểm khác so với thống kê, mặc dù chúng tôi luôn lưu ý đến việc xuất-nhập khẩu hàng lậu, nhưng cụ thể khối lượng hóa là bao nhiêu thì chưa có con số, dù nhãn tiền ai cũng đều thấy. Đây là một dạng của “kinh tế ngầm”, để có số liệu công bố công khai, rõ ràng lượng hóa chênh lệch bao nhiêu do phương pháp tính, bao nhiêu là nhập lậu thì phải có các nguồn dữ liệu.
Tuy nhiên, có làm được việc truy xuất số liệu hay không, dù cơ quan hải quan có tờ khai chi tiết, ngay các nước phát triển công nghệ tiên tiến cũng chưa có khả năng đi tới từng giao dịch.  Song, không nên hình dung 20 tỷ USD đó hoàn toàn là hàng Trung Quốc vào Việt Nam mà có nhiều hàng là xuất xứ Trung Quốc nhưng lại là nhập từ nước khác. 
Con số thương mại hai chiều có mức chênh lớn trong thời gian gần đây phải kể đến tác động của các hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc, như Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc. Thêm vào đó, quan hệ thương mại hai nước còn liên quan rất nhiều đến khối lượng hàng gia công, thiết bị lắp ráp của Việt Nam với Trung Quốc.  Năm 2015, con số xuất-nhập khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục bị tác động nhiều hơn từ các hiệp định đó, bởi xét về tương lai hàng hóa quốc tế vào Trung Quốc sẽ còn lớn hơn nhiều.
Trân trọng cảm ơn bà!

Đọc thêm