Gần 40 năm bị bạo hành
Năm 22 tuổi, bà Đoàn Thị Lộc (SN 1952, ngụ thôn Tân Vinh, xã Canh Vinh, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định). lấy chồng theo kiểu “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”. Sau khi làm lễ hỏi, bà mới biết mặt người chồng SN 1951. Khi về làm vợ ông Quế, bà nhận ra ông là một người cộc cằn, khó tính, thô bạo đến đáng sợ.
Chung sống được 2 năm, bà Lộc liên tiếp bị chồng bạo hành, bắt phải cung phụng, phục vụ đủ thứ yêu cầu oái oăm, bệnh hoạn. Hễ bà Lộc làm trái ý điều gì là y như rằng cảnh “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” lại trút xuống người.
Bà Lộc cho biết: “Mới về sống với nhau được 2 năm thôi mà ổng đánh đập tôi như một con vật vậy. Vui ổng cũng đánh, buồn cũng đánh, cứ thích là đánh chứ không cần biết lí do.
Hồi đó, một tháng 30 ngày thì ổng đánh tôi hơn 15 ngày rồi. Nhiều người nhìn cảnh sống của tôi, họ khuyên tôi bỏ nhà đi đi nhưng mà nhìn đứa con tôi không đành. Mình đi thì bỏ con cho ai lo, mà đưa con đi thì lấy chỗ đâu mà ở”.
Vì những trận đòn như cơm bữa nên sau vài năm chung sống, bà Lộc trở nên gầy guộc, tiều tụy. Dẫu vậy, ban ngày bà vẫn làm quần quật ngoài đồng, đêm về lại phải gồng mình để hầu hạ chồng.
Bà sợ hãi mỗi khi đêm đến, sợ chính người mình gọi là chồng, bởi mỗi khi thấy không vừa ý chuyện gì là ông lại mắng mỏ, đay nghiến vì bà “không biết làm vợ”.
Hơn thế nữa, người chồng còn gán cho bà cái tội “ngoại tình” rồi mắng nhiếc, bêu riếu khiến bà không còn mặt mũi ra khỏi nhà. “Ổng vu cho tội tội ngoại tình rồi lấy cớ đánh đập chứ ở đây ai cũng biết hồi giờ tôi ít tiếp xúc với người ngoài. Tôi là gì đâu mà ngoại tình, tối ngày chỉ biết cắm đầu vào làm lụng nuôi con, nuôi cả ổng nữa”, bà Lộc nghẹn ngào.
Đã có lúc bà nghĩ đến cái chết để giải thoát cho mình nhưng nhìn đàn con nheo nhóc nên không đành. Nghe lời người thân, bà ráng vì con mà chịu đựng và cứ thế càng bị bạo hành nhiều hơn.
Sau này khi đã sinh đến đứa con thứ 8, bà Lộc vẫn phải chịu cảnh bị chồng giày vò. Bà đau đớn kể lại: “Mỗi lần ông ta đưa ra những yêu cầu oái oăm mà tôi gắng làm được thì còn đỡ, chứ hễ ca thán hay mặt mày nhăn nhó một chút là ông ta chửi bới, đánh đập tàn tệ.
Có lần tôi bị ông ta đánh đến ngất xỉu. Tôi sợ các con biết chuyện nên cũng âm thầm chịu đựng. Tôi càng nhịn thì ông ta càng lấn tới”.
Bà Đoàn Thị Lộc. |
Quãng thời gian bà Lộc gọi là “sống không bằng chết” là 3 năm trước khi ly hôn. Sau gần 40 năm, ông đã không yêu thương vợ mà còn hắt hủi cả 8 người con của mình. Điều đau lòng nhất với 9 mẹ con bà, đó là nghe ông mắng nhiếc bà bồ bịch trai gái, 8 đứa con không phải là con của ông.
Lấy lý do mình bị vợ “cắm sừng”, ông suốt ngày chìm đắm trong rượu chè, ăn chơi sa đọa. Chẳng mấy chốc tài sản mà hai vợ chồng tạo lập suốt mấy chục năm tan thành mây khói, mọi đồ vật trong ngôi nhà cứ lần lượt “không cánh mà bay”.
Bi kịch đeo đẳng
Đến lúc không chịu đựng được nữa, bà Lộc nước mắt ngắn dài đi nhờ người viết đơn xin ly hôn. Chính quyền địa phương ban đầu chưa hiểu chuyện nên đến động viên, hòa giải. Trước thái độ bất cần đời của người chồng vũ phu, họ mới thấu hiểu nỗi khổ của người đàn bà này bao năm qua, rồi hướng dẫn bà làm thủ tục. Mãi đến tháng 8/2013, nguyện vọng của bà Lộc mới được thực hiện.
Sau khi ly hôn, hai vợ chồng bà không còn tài sản gì để phân chia. Căn nhà cũ thì được ngăn hai nhưng ông lại ngang ngược chửi bới, xua đuổi nên sau vài hôm sinh sống, mấy mẹ con bà đành phải ra đi.
Sau đó, 4 mẹ con bà Lộc dựng lều sống tạm trên mảnh đất chiếm dụng bất hợp pháp ở giữa đồng.
“Mùa lũ năm ngoái nước về lớn quá, mấy mẹ con phải chạy vào nhà dân ở phía bên trong đường lớn để nhờ lánh nạn. Đến khi nước rút, chúng tôi về lại thì mọi thứ trong nhà bị nước lũ cuốn trôi gần hết. Gạo mắm chẳng còn mà đến cái nồi nấu cơm cũng bị lũ cuốn trôi mất, mấy mẹ con phải sống nhờ bà con hàng xóm nơi đây. ”, bà Lộc nghẹn ngào. Chẳng biết rồi mùa lũ năm nay, túp lều tạm bợ của bà có còn trụ vững được nữa hay cuốn trôi theo con nước.
Trong 8 người con thì 5 người đã có gia đình và cuộc sống ổn định. Trong 3 người con sống cùng mẹ thì người con thứ 7 là Trần Văn Hương (SN 1988) đã đi làm thuê làm mướn xa xứ. Người con gái áp út là Trần Thị Kiều (SN 1994) cũng vào Sài Gòn làm công nhân.
Vì cảnh nhà tồi tàn rách nát nên họ đi làm xa lâu ngày cũng chẳng về. Đáng thương nhất là cô con gái út Nguyễn Thị Loan, nay chuẩn bị lên lớp 12. Cô gái đến trường trong sự mặc cảm nhưng vẫn chăm chỉ học hành và chịu khó phụ giúp mẹ làm lụng.
Ông Hồ Văn Sung, Trưởng thôn Tân Vinh cho biết: “Bà Lộc trước đây từng bị chồng bạo hành nhưng vì cam chịu nên chính quyền không biết để can thiệp. Cũng vì sống trong cam chịu và mặc cảm nên nên bà không dám đấu tranh cho bản thân mình.. Cuối năm 2013, chính quyền địa phương đưa trường hợp của bà Lộc vào diện hộ cận nghèo nhưng cũng chẳng giúp đỡ được nhiều”.