Sắm xe ôtô, “trang bị” thêm văn hóa

(PLO) - Theo thống kê, tốc độ tăng trưởng lượng xe ôtô tại Việt Nam hiện nay là 16%. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính từ đầu năm đến giữa tháng 3/2017, hơn 14.400 ôtô con nguyên chiếc dưới 9 chỗ được nhập về Việt Nam, cao hơn 8.640 chiếc so với cùng kỳ 2016. 
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Số xe nhập dự kiến sẽ còn tăng mạnh bởi từ ngày 1/1/2018, thuế nhập khẩu cho các dòng xe dưới 9 chỗ từ các nước ASEAN về Việt Nam giảm xuống còn 0%. Đề án quản lý phương tiện giao thông cho đường phố Hà Nội năm 2015 tính toán, nếu xếp toàn bộ xe ôtô con và xe gắn máy trên mặt đường, số xe này chiếm khoảng 80% diện tích đường phố. Với số lượng tăng trưởng ô tô như trên thì con số này sẽ là 100%.

Tăng trưởng nhanh là vậy thế nhưng văn hóa đi xe ôtô tại Việt Nam là câu chuyện nói mãi không hết. Thi thoảng, truyền thông lại rộ lên một vụ việc chủ nhà bị ôtô án ngữ trước cửa xịt sơn lên xe, đâm thủng lốp xe để cảnh cáo.

Thậm chí gần đây nhất có cô gái ở Hà Nội đã tốn vài gói băng vệ sinh để dán kín chiếc xe đỗ trước cửa hàng nhà mình từ sáng đến chiều, triệt tiêu mọi đường buôn bán, đi lại của chủ nhà. Tất nhiên hành vi làm nguy hại đến tài sản của người khác là không nên, thậm chí vi phạm pháp luật. Nhưng về gốc rễ, chính kiểu đỗ xe thiếu văn hóa của một số người là nguyên nhân dẫn đến hành động này. 

Nhằm tìm hiểu về văn hóa giao thông của người sử dụng xe ôtô, mới đây, trong khuôn khổ triển lãm mô tô 2017, hội thảo “Văn hoá đi xe ôtô tại Việt Nam”  đã được tổ chức với sự tham gia của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia.

Tại hội thảo, ba vấn đề chính đã được nêu ra: Văn hoá đi xe ôtô của những người có địa vị xã hội và cách ứng xử khi tham gia giao thông ảnh hưởng thế nào đến danh tiếng của họ; Văn hóa đi xe ôtô không chỉ thể hiện qua sự tuân thủ các quy định pháp luật mà còn qua cách ứng xử trong các tình huống hàng ngày; Văn hoá đi xe ôtô đối với người tự lái xe và những người có tài xế riêng, kèm theo đó là sự cần thiết của việc đào tạo cho tài xế riêng về văn hoá đi xe ôtô.

Các đại biểu đều nhất trí rằng trong bối cảnh số lượng các phương tiện tham gia giao thông đang gia tăng với tốc độ chóng mặt tại các đô thị lớn thì tình hình giao thông đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn  một phần là do hành vi ứng xử và văn hoá tham gia giao thông của người dân vẫn còn nhiều hạn chế.

Sự yếu kém về văn hóa giao thông của người sử dụng xe ôtô không chỉ thể hiện qua việc tuân thủ các quy định của pháp luật mà còn qua cách ứng xử trong các tình huống hàng ngày như việc đỗ xe, bấm còi… Việc đỗ xe này không hề vi phạm các luật định đề ra nhưng lại được nhiều người đánh giá là thiếu văn hóa. Đã có nhiều trường hợp phản ứng khá tiêu cực trước hành động đỗ xe thiếu ý thức này như: đổ sơn, cào xước xe, đâm thủng lốp…

Để đưa ra giải pháp nhằm cải thiện và nâng cao ý thức của người tham gia giao thông nói chung và người sử dụng xe ôtô để tham gia giao thông nói riêng, nhiều đại biểu cho rằng không chỉ là tuân thủ pháp luật giao thông mà còn cần thay đổi hành vi, thái độ và nhận thức về văn hóa giao thông. Để làm được điều này cơ quan có trách nhiệm cần cung cấp kiến thức và kỹ năng về văn hóa giao thông; đưa ra các thông tin về sự nguy hiểm tiềm ẩn của việc thiếu văn hóa giao thông.

Về phần mình, các nhà phân phối, buôn bán xe hơi cũng cần có trách nhiệm hơn đối xã hội hay chính là với những chiếc xe mình bán ra. Không đơn thuần chỉ là thương mại chiếc xe đó mà có thể là việc tuyên truyền các văn hóa về chiếc xe, vận hành xe sao cho phù hợp và có ý thức hơn khi di chuyển... 

Hy vọng rằng đây sẽ là những thông tin hữu ích, tạo nền móng cho các cơ quan có thẩm quyền cũng như các doanh nghiệp nghiên cứu, đưa ra các giải pháp và hợp tác để cải thiện văn hóa giao thông tại Việt Nam.