'Săn' giáo viên mầm non ở Hà Nội

Thiếu giáo viên mầm non do các cô đã chuyển nghề, nhiều chủ trường đăng tin tuyển dụng, tăng lương, thậm chí hạ yêu cầu chỉ mong có nhân sự.

Tại hội nghị trực tuyến hôm 5/4, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, ông Trần Thế Cương, cho hay, sau khi cấp một đi học ổn định, Sở sẽ tiến hành khảo sát ý kiến phụ huynh mầm non để cho nhóm trẻ dưới 6 tuổi trở lại trường.

Biết tin sắp được hoạt động lại, chị Nguyễn Thị Ngọc Bích đăng tin tuyển giáo viên trong các hội nhóm trên Facebook với mức lương 6-8 triệu đồng một tháng. Người sáng lập và điều hành hệ thống Mầm non Việt Anh - Ngôi nhà Montessori Linh Đàm cho biết, phải chuẩn bị kẻo "không kịp trở tay".

Cơ sở mầm non ở phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, của chị Nga. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Năm 2010, chị Bích mở nhóm lớp đầu tiên, sau đó phát triển thêm thành năm cơ sở rải rác ở các quận Hoàng Mai, Đống Đa, Hà Đông và Nam Từ Liêm, với tổng cộng 500 học sinh và 70 giáo viên. Chị mở thêm hai nhóm lớp nữa nhưng chưa kịp hoạt động thì phải đóng vì dịch. Từ đó, bảy cơ sở để không, còn chị Bích mỗi tháng phải trả khoảng 300 triệu tiền thuê nhà. Chị được chủ nhà giảm tiền hoặc trả muộn vào năm đầu, còn năm sau phải đóng đầy đủ. Không muốn sang nhượng hay giải thể trường, chị bán xe, thậm chí vay nặng lãi để duy trì.

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, thành phố hiện có 1.145 cơ sở giáo dục mầm non với hơn 525.000 trẻ theo học. Trong đó, số trẻ theo học tại các cơ sở tư thục là hơn 158.000, chiếm 30%.

Chị Bích cho hay những ngày qua, các trường đồng loạt đăng tin tìm người khiến nhu cầu tăng cao, giáo viên lại khan hiếm vì sau thời gian dài nghỉ dịch, các cô đã tìm công việc khác kiếm sống. Ba phần tư nhân viên của chị Bích chuyển sang bán hàng, làm thu ngân, công nhân hoặc về quê lấy chồng, hiện chỉ hơn chục người nhưng cũng ngập ngừng, chưa sẵn sàng.

Theo chị, để có nhân sự, chị chấp nhận hạ tiêu chí tuyển dụng. Thay vì yêu cầu bằng cấp đúng chuyên ngành mầm non và có kinh nghiệm ít nhất hai năm, giờ chị nhận cả trái ngành.

"Vẫn cần yêu cầu bằng cấp nhưng không nhất thiết phải có kinh nghiệm vì các cô sẽ được đào tạo sau khi nhận. Nhiều cô không học mầm non nhưng kỹ năng giao tiếp tốt, chịu khó tiếp thu nên tôi tuyển vào vị trí phụ giúp giáo viên chính và chăm sóc các con. Những cô có chuyên môn sư phạm sẽ chịu trách nhiệm giảng dạy", bà chủ trường, cũng là một thạc sĩ Tâm lý Giáo dục, cho biết.

Vài ngày qua, chị mới tuyển được hai cô và còn thiếu hàng chục giáo viên cho các nhóm lớp. Trước mắt, chị Bích sắp xếp cho giáo viên mới công việc dọn dẹp để tính lương và giữ chân họ.

Theo chị Chu Quỳnh Nga, Chủ tịch Hội Mầm non Tư thục Hà Nội, nhân sự là vấn đề lớn nhất hiện nay với các chủ trường. Chị Nga có hai cơ sở ở quận Thanh Xuân nhưng hiện tại, số giáo viên không còn một nửa. Cơ sở mầm non truyền thống của chị ban đầu có 15 cô, giờ chỉ bốn người có thể đi làm, trong khi đó nhóm dạy theo phương pháp Montessori vẫn giữ được năm giáo viên nhờ duy trì chi trả.

"5-6 nhân viên của tôi đã bỏ nghề. Tôi buồn và trăn trở nhưng không biết làm cách nào. Các bạn nhắn tin tâm sự rằng thời gian đầu không muốn làm công việc mới vì không đúng ngành nhưng giờ đã quen và thu nhập cũng ổn định", chị Nga nói.

Để chuẩn bị đón học sinh trở lại, chị đăng tin ở các hội nhóm và có một số người vào hỏi nhưng chưa thấy mang hồ sơ tới nộp. Năm giáo viên ở cơ sở Montessori tạm thời vẫn đáp ứng được hoạt động. Trong quá trình trở lại làm việc, chị hy vọng các giáo viên sẽ tự giới thiệu cho nhau.

"Đó là kênh tuyển nhân sự tốt và bền vững. Tôi sẽ vẫn duy trì việc mở cửa trường song song với tuyển giáo viên và học sinh", chủ nhóm lớp nói, cho biết sẽ tăng 10% lương hiện tại, tùy vị trí công việc, để thu hút lao động.

Ngoài nhân sự, các chủ trường còn đau đầu với bài toán kinh tế khi sửa sang, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị, đồ dùng dạy học và đồ chơi. Chị Nga kể, đợt thời tiết nồm vừa qua, nhiều giáo cụ Montessori làm từ gỗ ép bị hư hỏng cần thay mới. Các loại bếp gas, bếp từ, tivi, máy chiếu hay tủ sấy bát bỏ không cả năm giờ không rõ còn hoạt động được hay không.

Một khảo sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo - nhằm đánh giá thực trạng và nghiên cứu chính sách hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập - cho thấy, 95,2% cơ sở mầm non tư thục không có doanh thu trong nhiều tháng (đa phần từ 6 tháng trở lên); 81,6% cơ sở không trả được lương cho giáo viên.

Tại phiên giải trình với quốc hội về tổ chức dạy học trong bối cảnh Covid-19 vào cuối tháng 2, bà Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Giáo dục, cho biết trên 500 trường mầm non tư thục phải giải thể do tác động của đại dịch. Nếu tính cả các nhóm lớp mầm non tư thục nhỏ lẻ, con số có thể lên tới hàng nghìn.

Một giờ học tại nhóm lớp Hạt mưa nhỏ của chị Hằng trước dịch. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chị Trần Lệ Hằng, chủ nhóm lớp Hạt mưa nhỏ ở phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, bắt đầu sửa sang lại phòng học từ tháng trước vì đoán tầm tháng 5, trẻ mầm non sẽ đi học trực tiếp. Trước dịch, nhóm của chị có 70 học sinh từ 12 tháng đến 5 tuổi và 8 giáo viên cùng hai tạp vụ. Nghỉ dịch nhưng chị vẫn liên hệ với các cô và kết nối với phụ huynh.

Chị cho hay, giáo viên và phụ huynh gần đây liên tục nhắn tin hỏi thăm tình hình. Biết sắp được đi làm, ai nấy đều phấn khởi. "Tôi xác định số học sinh đi học lại sẽ chỉ đạt 20-30% ban đầu và cũng chưa đủ ngay giáo viên. Nhưng được đi học là mừng rồi", chị Hằng nói.

Đọc thêm