Sàn học phí vùng dân tộc thiểu số và miền núi có thể giảm 70%

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bộ GD&ĐT đang trình Chính phủ Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 81 về học phí. Theo đó, học phí bậc phổ thông giữ nguyên mức trần nhưng mức sàn giảm mạnh, học phí thấp nhất ở khu vực thành thị giảm đến 2/3, khu vực miền núi giảm đến 70% so với mức sàn tại quy định cũ.
Sàn học phí ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi có thể giảm 70%. (Ảnh minh họa - Nguồn: TTXVN)
Sàn học phí ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi có thể giảm 70%. (Ảnh minh họa - Nguồn: TTXVN)

Theo tờ trình, Bộ GD&ĐT đề nghị điều chỉnh lộ trình tăng học phí chậm lại một năm so với lộ trình quy định tại Nghị định 81. Cụ thể, mức trần học phí năm học 2023 - 2024 sẽ bằng mức trần học phí năm học 2022 - 2023. Bộ cũng đề nghị giảm mức sàn (mức học phí thấp nhất). Như vậy, biên độ học phí được nới rộng hơn.

Cụ thể, theo Nghị định 81, đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên, ở khu vực thành thị, mức sàn giảm 2/3, từ 300.000 đồng xuống còn 100.000 đồng cho tất cả các bậc học.

Ở khu vực nông thôn, mức sàn giảm 50%, từ 100.000 đồng xuống còn 50.000 đồng với các bậc học từ mầm non đến trung học cơ sở; giảm 65% với bậc trung học phổ thông, từ 200.000 đồng xuống còn 70.000 đồng.

Ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, mức sàn học phí bậc mầm non, tiểu học, trung học cơ sở giảm 40%, từ 50.000 đồng xuống còn 30.000 đồng; bậc trung học phổ thông giảm 70%, từ 100.000 đồng xuống còn 30.000 đồng.

Nghị định 81 được Chính phủ ban hành và có hiệu lực từ năm 2021. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, liên tiếp trong các năm 2021, 2022, Chính phủ đã yêu cầu các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập không tăng học phí để chia sẻ khó khăn với người dân. Một số địa phương quyết định miễn học phí cho học sinh như Đà Nẵng, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu…

Năm học 2023 - 2024, do chưa có chỉ đạo nào của Chính phủ về vấn đề học phí nên Ủy ban nhân dân các địa phương trên cả nước đã thông qua mức học phí mới, thực hiện theo Nghị định 81. Công bố của các địa phương cho thấy hầu hết áp dụng mức sàn, mức thấp nhất trong Nghị định 81 là 300.000 đồng/học sinh/tháng với khu vực thành thị, 100.000 đồng/học sinh/tháng với khu vực nông thôn và 50.000 đồng với khu vực miền núi.

Tuy nhiên, dù áp mức sàn, học phí năm học mới vẫn tăng mạnh so với năm học trước. Tại Hà Nội, học sinh THCS đóng học phí tăng gần gấp đôi, từ 155.000 đồng/tháng lên 300.000 đồng/tháng. Ở khu vực miền núi, học sinh THCS tăng học phí gấp 2,5 lần, từ 19.000 đồng/tháng lên 50.000 đồng/tháng, học sinh THPT đóng học phí tăng gấp hơn 4 lần, từ 24.000 đồng/tháng lên 100.000 đồng/tháng.

Theo các chuyên gia giáo dục, nếu Chính phủ thông qua Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung với mức sàn học phí giảm từ 40 đến 70% so với mức sàn học phí quy định tại Nghị quyết 81 như Bộ GD&ĐT đề xuất, các địa phương sẽ có cơ sở để giảm mức học phí năm học 2023 - 2024.

Do Dự thảo Nghị định 81 sửa đổi đang được Chính phủ xem xét, quyết định nên bên cạnh nhiều tỉnh, thành đã triển khai thu học phí theo Nghị định 81, một số địa phương đã chỉ đạo các trường tạm thời chưa thu học phí như Bắc Giang, Cần Thơ… Một số địa phương vẫn tiếp tục miễn học phí cả năm học như Hải Phòng, Đà Nẵng, hoặc không thu học phí học kỳ I như Quảng Bình. Trong khi đó, một số địa phương công bố sẽ hỗ trợ cho học sinh một phần học phí như Hà Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Đọc thêm