“Vào cuộc” triển khai sớm
Hoạt động hệ thống hóa văn bản thống nhất trong cả nước lần đầu tiên được thực hiện cho kỳ 2009 - 2013 đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đáng chú ý, các bộ đã rà soát, hệ thống hóa 7.981 văn bản còn hiệu lực; 5.996 văn bản hết hiệu lực toàn bộ hoặc hết hiệu lực một phần; 1.313 văn bản cần sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới. UBND cấp tỉnh đã rà soát, hệ thống hóa 21.578 văn bản còn hiệu lực; 15.558 văn bản hết hiệu lực toàn bộ hoặc hết hiệu lực một phần; 4.575 văn bản cần sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới.
Phát huy những kết quả đã đạt được và khắc phục một số khó khăn, hạn chế của kỳ hệ thống hóa đầu tiên, trên cơ sở tham mưu của Bộ Tư pháp, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch số 126. Triển khai Kế hoạch này, Bộ Tư pháp và nhiều bộ, ngành, địa phương đã bước đầu thực hiện một số công việc chuẩn bị cho việc triển khai nhiệm vụ hệ thống hóa văn bản kỳ 2014-2018 như xây dựng tài liệu hướng dẫn triển khai, xây dựng kế hoạch triển khai nhiệm vụ hệ thống hóa văn bản kỳ 2014-2018 tại các cơ quan... Bộ Tư pháp cũng vừa tổ chức hội nghị quán triệt, nắm bắt đầy đủ các nội dung của Kế hoạch số 126, đồng thời tập huấn về kỹ năng thực hiện hệ thống hóa văn bản kỳ 2014-2018.
Nhiều băn khoăn từ các tổ chức pháp chế bộ, ngành, địa phương đã được phản ánh đến Bộ Tư pháp. Đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Y tế đề nghị làm rõ trách nhiệm hệ thống hóa văn bản do bộ, ngành liên tịch ban hành. Một ý kiến từ Hà Nội thì thắc mắc trong trường hợp giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính (cụ thể là Hà Nội “tách” huyện Từ Liêm, thành lập 2 quận Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm), cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm hệ thống hóa văn bản do UBND và HĐND cùng cấp ban hành...
Giải đáp những thắc mắc trên, lãnh đạo Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp) cho biết, các văn bản do bộ, ngành liên tịch ban hành thì việc hệ thống hóa do bộ, ngành chủ trì xây dựng văn bản chịu trách nhiệm. Trường hợp giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính thì UBND của đơn vị hành chính mới có trách nhiệm rà soát, hệ thống hóa văn bản do HĐND, UBND của đơn vị hành chính trước đó ban hành.
Ví dụ, với việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm thì 2 đơn vị hành chính mới được thành lập là quận Bắc Từ Liêm và quận Nam Từ Liêm có trách nhiệm hệ thống hóa văn bản do HĐND, UBND huyện Từ Liêm trước đó ban hành để áp dụng trên địa bàn cũng như để xem xét, ban hành văn bản mới (xử lý) cho phù hợp.
Rất cần sự quan tâm của các bộ, ngành, địa phương
Để đảm bảo thực hiện Kế hoạch 126, Bộ Tư pháp mong muốn đại diện tổ chức pháp chế bộ, ngành, địa phương, đại diện TANDTC, VKSNDTC, Kiểm toán Nhà nước, khẩn trương tham mưu cho Lãnh đạo bộ, ngành, địa phương tổ chức quán triệt, quan tâm chỉ đạo quyết liệt đối với việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ hệ thống hóa văn bản kỳ 2014-2018 tại cơ quan mình. Đồng thời, tham mưu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, chỉ đạo và bố trí các điều kiện bảo đảm cần thiết cho việc triển khai nhiệm vụ hệ thống hóa văn bản kỳ 2014-2018 đạt chất lượng, hiệu quả, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan mình trong năm 2018 và năm 2019.
Bộ Tư pháp cũng đề nghị tổ chức pháp chế bộ, ngành và Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường đôn đốc, hướng dẫn, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị chuyên môn trong thực hiện nhiệm vụ hệ thống hóa văn bản kỳ 2014-2018 bảo đảm tiến độ, chất lượng. Đơn vị đầu mối về thực hiện nhiệm vụ hệ thống hóa văn bản tại TANDTC, VKSNDTC, Kiểm toán Nhà nước cần quan tâm, tích cực trao đổi, tham mưu giúp Lãnh đạo cơ quan mình trong việc kết nối thông tin với Bộ Tư pháp về tình hình, kết quả triển khai nhiệm vụ hệ thống hóa văn bản QPPL kỳ 2014-2018 để tạo nên bức tranh tổng thể, toàn diện về hệ thống pháp luật Việt Nam.
Đối với tổ chức pháp chế bộ, ngành, đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ pháp điển hệ thống QPPL tại TANDTC, VKSNDTC, Kiểm toán Nhà nước, Bộ Tư pháp cho biết, thời gian qua đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan triển khai công tác pháp điển hệ thống QPPL đạt được những kết quả tích cực.
Để tạo sự kết nối hiệu quả giữa công tác pháp điển hệ thống QPPL và công tác hệ thống hóa văn bản QPPL, theo Bộ Tư pháp, tổ chức pháp chế bộ, ngành, đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ pháp điển hệ thống QPPL tại TANDTC, VKSNDTC, Kiểm toán Nhà nước cần tích cực sử dụng kết quả pháp điển hệ thống QPPL phục vụ triển khai nhiệm vụ hệ thống hóa văn bản QPPL kỳ 2014-2018 và ngược lại, sử dụng hiệu quả kết quả hệ thống hóa văn bản QPPL kỳ 2014-2018 sau khi được cơ quan có thẩm quyền công bố, phục vụ trực tiếp công tác pháp điển hệ thống QPPL, sớm hoàn thành Bộ Pháp điển điện tử theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.