Sẵn sàng nhập khẩu thịt lợn chuẩn bị Tết Nguyên đán

(PLVN) - Để bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn thị trường (BÔTT) mặt hàng thịt lợn trong những tháng cuối năm và Tết Nguyên đán, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) sẽ phối hợp hướng dẫn và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu (NK) thịt lợn...
Liên Bộ sẵn sàng lên phương án nhập khẩu thịt lợn chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán (Ảnh minh họa)
Liên Bộ sẵn sàng lên phương án nhập khẩu thịt lợn chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán (Ảnh minh họa)

Thiếu khoảng 200 nghìn tấn

Theo Tổng cục Thống kê, tháng 10/2019 đàn lợn cả nước giảm mạnh 20% so với cùng kỳ năm 2018 do chịu ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, nguồn cung giảm là yếu tố chủ yếu khiến giá thịt lợn hơi trên thị trường gia tăng.

Số liệu của Bộ NN&PTNT cho biết, tổng lượng thịt các loại trong năm 2019, ước đạt 5,14 triệu tấn, giảm 4,1%. Tuy nhiên, thịt lợn là mặt hàng thực phẩm thiết yếu và chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 70%) trong cơ cấu tiêu dùng thực phẩm, sản lượng thịt lợn giảm 380 nghìn tấn, cũng ảnh hưởng lớn đến thị trường thực phẩm trong nước.

Báo cáo sơ bộ của các địa phương và Bộ NN&PTNT cho thấy, nguồn cung các mặt hàng thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết đang được tích cực tập trung sản xuất, dự trữ bảo đảm bình ổn trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Riêng mặt hàng thịt lợn, nguồn cung giảm khoảng 10% so với năm trước mặc dù đã được bù đắp một phần từ các loại thực phẩm khác như thịt gà, thịt bò và nguồn NK tăng, nhưng theo tập quán tiêu dùng của người Việt, nhu cầu thịt lợn vào dịp Tết vẫn cao.

Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT dự báo nguồn cung thịt lợn các tháng cuối năm thiếu khoảng 200 nghìn tấn, tương đương mỗi tháng sẽ thiếu 70 nghìn tấn thịt hơi (tính cho 3 tháng gần Tết là tháng 11, 12 và tháng 1).

Trong khi đó, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng, số lượng lợn thiếu trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán có thể lớn hơn do không chỉ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không tái đàn hoặc đã tái đàn nhưng bị dịch bệnh trở lại mà ngay cả các cơ sở chăn nuôi lớn, khép kín cũng bị dịch bệnh (CP, Japfa) nên càng làm ảnh hưởng đến nguồn cung dịp cuối năm.

Để ứng phó với nguồn cung thiếu hụt này, Bộ Công Thương cho biết, Bộ sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT, hướng dẫn và tạo điều kiện cho các DN chế biến, DN phân phối thực phẩm, đặc biệt là các DN đã đăng ký tham gia Chương trình BÔTT tại các địa phương NK lượng thịt lợn thiếu hụt để BÔTT dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Theo Bộ NN&PTNT, hiện có thể NK thịt lợn chính ngạch từ 24 quốc gia như: Argentina, Úc, Bỉ, Áo, Brazil, Canada, Đan Mạch…

Triển khai hàng loạt biện pháp bình ổn

Để bảo đảm cân đối cung - cầu, BÔTT thực phẩm nói chung và mặt hàng thịt lợn nói riêng trong những tháng cuối năm và Tết Nguyên đán, Bộ Công Thương đã có văn bản chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị: Đánh giá chính thức về tình hình sản xuất, dự kiến nguồn cung, chủ động xây dựng phương án BÔTT, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường…

Bộ Công Thương đã và sẽ chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan làm việc với các địa phương về công tác chuẩn bị Tết, đến nay đã làm việc với TP HCM, Đồng Nai. Bên cạnh đó, Bộ cũng chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tại các địa phương đã triển khai tích cực công tác chống đầu cơ, tích trữ, ngăn chặn việc chuyên chở lợn bệnh, lợn lậu, ngăn chặn việc đưa lợn sang các nước láng giềng qua đường tiểu ngạch. 

Ngoài ra, Bộ Công Thương đề xuất tiếp tục triển khai một số giải pháp cụ thể như: tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, tránh tình trạng găm hàng, tăng giá dịp cuối năm; giám sát chặt chẽ và hạn chế tối đa việc buôn bán thịt lợn sang nước láng giềng nhằm vừa giữ được nguồn cung cho thị trường trong nước vừa tránh tình trạng lây lan dịch bệnh.

Bên cạnh đó, định hướng cho các DN chế biến thực phẩm trên địa bàn tăng cường việc đưa ra các sản phẩm thịt lợn chế biến sẵn từ nguồn nguyên liệu thịt lợn đông lạnh NK nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân và thay thế một phần nhu cầu sử dụng thịt nóng trên thị trường. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền đến người dân sử dụng các thực phẩm thay thế cho thịt lợn và sử dụng sản phẩm thịt lợn đông lạnh nhằm giảm áp lực cho nguồn cung thị trường trong nước.

Đọc thêm