Sáng mai bão vào đất liền Đà Nẵng - Bình Định, nguy cơ gây ngập lụt ở miền Trung

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong 6 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ khoảng 5km, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và vào đất liền Đà Nẵng - Bình Định. Bão kéo theo lượng mây rất lớn nên nguy cơ gây mưa, ngập lụt ở miền Trung, nơi đang có hàng ngàn ca F0...
Sáng mai bão vào đất liền Đà Nẵng - Bình Định, nguy cơ gây ngập lụt ở miền Trung

22h hôm nay, 11/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,4 độ Vĩ Bắc; 109,0 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển từ Đà Nẵng đến Bình Định. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 100km tính từ tâm bão.

Do ảnh hưởng của bão, tại trạm đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10; tại trạm đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) có gió giật cấp 8; Dung Quất (Quảng Ngãi) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; Trà Câu (Quảng Ngãi) gió có giật cấp 7. Khu vực từ Quảng Trị đến Bình Định đã có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 150-300mm, có nơi trên 350mm.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia dự báo, trong 6 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 5km, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và đi vào đất liền khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Định. Đến 4h ngày 12/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 15,3 độ Vĩ Bắc; 108,2 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Dự báo trong 6-12 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 5-10km và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).

Vùng nguy hiểm trên biển trong 12 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 14,0 đến 17,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 110,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ các hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cảnh báo, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi (bao gồm các huyện đảo Lý Sơn, Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm) có gió mạnh cấp 7, cấp 8, giật cấp 10; sóng biển cao từ 2,0-4,0m; biển động rất mạnh.

Đêm nay và sáng mai, 12/9, vùng ven biển khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Nam gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; khu vực sâu trong đất liền các tỉnh trên có gió giật cấp 7.

Cũng trong đêm nay và ngày mai, các tỉnh Quảng Trị đến Quảng Ngãi và Kon Tum có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm, có nơi trên 250mm; các tỉnh Bình Định và Gia Lai có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-100mm, có nơi trên 150mm.

Ngày 12-14/9, các tỉnh từ Quảng Bình đến Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-150mm/đợt, có nơi trên 200mm/đợt. Rủi ro thiên tai do bão cấp độ 3.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên khu vực Nam Biển Đông (bao gồm quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió Tây Nam mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8, sóng biển cao từ 2,0-4,0m, biển động.

Chiều nay, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai họp trực tuyến khẩn với 5 tỉnh miền Trung để triển khai nhiệm vụ ứng phó với bão.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, cơn bão này có lượng mây rất lớn nên có nguy cơ gây mưa, ngập lụt ở miền Trung, khu vực đang có hàng ngàn ca F0.

Nhận định đây là thách thức lớn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT yêu cầu các tỉnh theo dõi sát dự báo, hạn chế tối đa di dân khi chưa cần thiết. Nếu bắt buộc phải di dân thì di dân tại chỗ là chủ yếu, xã nào ở xã đó, thôn nào ở thôn đó. Thông suốt chỉ đạo điều hành, đảm bảo luồng xanh ưu tiên xe phòng chống thiên tai. Đưa hết các thuyền viên phải lên bờ, đảm bảo an toàn chỗ ăn ở, và test nhanh COVID-19 theo yêu cầu phòng chống dịch bệnh. Không để người dân ở lại lồng bè nuôi trồng thủy hải sản. Sơ tán người dân tại vùng thấp trũng, nguy cơ lũ quét sạt lở đất.

Đọc thêm