Giá dầu biến động trái chiều khi các nỗ lực ngoại giao từ phía châu Âu và Mỹ được đẩy mạnh nhằm kiềm chế xung đột tại khu vực Trung Đông.
Bên cạnh đó, nhằm làm giảm sức ép nguồn cung dầu vốn đã bị thắt chặt sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các nước đồng minh (OPEC+) cắt giảm sản lượng, Mỹ đã quyết định dừng các biện pháp trừng phạt Venezuela (thành viên của OPEC).
Reuters đưa tin, các nhà phân tích tại ANZ Research nhận định xung đột sẽ không lan rộng và làm gián đoạn nguồn cung. Tạm thời, việc Israel trì hoãn cuộc xâm lược trên bộ vào Gaza để đàm phán thả con tin, mở ra cơ hội ngoại giao, có thể khiến giá dầu tiếp tục suy yếu.
Tuy nhiên, rủi ro vẫn đang tiềm ẩn. Theo giới phân tích, giá dầu có thể tăng trở lại nếu xung đột địa chính trị leo thang.
Hội nghị thượng đỉnh hòa bình Israel - Hamas về Gaza do Ai Cập tổ chức đã kết thúc mà không đưa ra được giải pháp để giải quyết tình hình căng thẳng hiện nay.
Bên cạnh yếu tố địa chính trị, giá dầu có thể sẽ biến động giằng co trước hàng loạt thông tin quan trọng trong tuần này. Tâm điểm chú ý là dữ liệu tăng trưởng GDP quý III của Mỹ và các phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vào ngày 26/10.
Trong tuần trước, giá dầu thế giới tăng hơn 1% do lo ngại về nguy cơ gián đoạn nguồn cung nếu xung đột giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas sẽ lan rộng tại Trung Đông. Đây là khu vực cung cấp dầu mỏ lớn nhất của thế giới.
Tại thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 23/10 của liên Bộ Tài chính - Công Thương.
Cụ thể, xăng E5RON92 không cao hơn 22.365 đồng/lít, tăng 458 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành, xăng RON95-III: không cao hơn 23.513 đồng/lít, tăng 469 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành.
Dầu điêzen 0.05S không cao hơn 22.489 đồng/lít, tăng 79 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành; dầu hỏa không cao hơn 22.753 đồng/lít, tăng 289 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành; dầu madút 180CST 3.5S không cao hơn 16.613 đồng/kg, tăng 375 đồng/kg so với giá bán lẻ hiện hành.
Trong kỳ điều hành lần này, cơ quan điều hành đã quyết định không trích lập Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu. Không chi sử dụng Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.
Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 30 lần điều chỉnh, trong đó có 17 lần tăng, 9 lần giảm và 4 lần giữ nguyên.