Không để “mất bò mới lo làm chuồng”
Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT Nguyễn Huy Bằng cho biết, để hạn chế tiêu cực xảy ra trong kỳ thi THPT quốc gia, Bộ yêu cầu các giám thị đầu tư hơn trong việc thông tin quy chế đến thí sinh hơn là việc để đến khi thí sinh mang tài liệu vào và sử dụng trong phòng thi. Do đó, các giám thị cần thông tin cụ thể đến các thí sinh về quy chế thi và để các em nhận thấy những hậu quả đáng tiếc nếu vi phạm và tránh.
Cán bộ giám thị phải nhắc nhở, động viên thí sinh chứ không phải chỉ làm việc kiểm tra xem có sai sót gì không, rồi không phổ biến quy chế cho các em. Trong khi việc đó lại quyết định tính nghiêm túc trong phòng thi chứ không phải nhăm nhăm để bắt khi vi phạm. Bởi để đến lúc các em mang tài liệu vào phòng thi rồi mình bắt thì đúng là tuân thủ quy chế song chỉ là biện pháp ngọn, ông Bằng nói.
Khi gọi thí sinh vào phòng thi sẽ bố trí hai giám thị: một giám thị gọi tên một giám thị xem mặt đối chiếu ảnh. Theo ông Bằng, để kỳ thi diễn ra nghiêm túc thì cần nhiều lực lượng, yếu tố, đặc biệt phải trách nhiệm nhưng cũng cần tính nhân văn, thái độ mềm dẻo không tạo sự căng thẳng.
Bởi nếu không nhắc nhở các thí sinh, kỹ nhất trong hôm đầu tiên tập trung thì có trường hợp các em không biết, nên lơ là từ đó tạo thái độ không nghiêm túc. Mà thay vào đó có thể nhắc nhở nhẹ nhàng để các em hiểu chuyện có ý định tiêu cực như quay cóp,… là rất khó và rất thiệt thòi cho các em khi bị đình chỉ thi. Hơn nữa, theo ông Bằng việc ra đề thi mở cũng sẽ là một trong những cách để giảm thiểu tiêu cực.
Đối với việc phòng ngừa gian lận các thiết bị công nghệ thông tin tinh vi hiện nay, ông Bằng cho biết, thanh tra bộ đã làm việc với A83 về hình thức gian lận này. Đồng thời cũng đã nhắc nhở tập huấn kỹ giám thị về thực hiện đúng quy chế, cần làm tốt trách nhiệm của mình nhưng không tạo ra không khí căng thẳng trong phòng thi, tôi tin sẽ không có tiêu cực trong phòng thi.
Sẽ thanh tra không báo trước
Chánh Thanh tra Nguyễn Huy Bằng cho biết, mục đích của các đoàn thanh tra là tạo ra môi trường nghiêm túc, không căng thẳng để giúp cho Hội đồng thi, những người làm thi làm đúng quy chế.14 đoàn thanh tra của Bộ GD-ĐT là do Bộ trưởng quyết định. Nhiệm vụ của các đoàn thanh tra của Bộ là thanh tra chuẩn bị thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo bài thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT tại tất cả các Hội đồng thi và các sở GD-ĐT trên cả nước.
Còn lại đoàn thanh tra của Sở GD-ĐT do giám đốc Sở GD-ĐT chủ trì cụm thi quyết định thành lập đoàn thanh tra công tác chuẩn bị thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo bài thi tại cụm thi do mình chủ trì và việc xét công nhận tốt nghiệp THPT trên địa bàn. Giám đốc Sở GD-ĐT không chủ trì cụm thi quyết định thành lập Đoàn thanh tra công tác chuẩn bị trước kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT trên địa bàn.
Theo Chánh thanh tra Bộ, 07 phòng thi sẽ có một cán bộ giám sát. Cán bộ giám sát sẽ thực hiện giám sát chức trách, nhiệm vụ của cán bộ coi thi cho phép ra ngoài phòng thi. Đồng thời, kịp thời nhắc nhở cán bộ coi thi, trật tự viên, công an, nhân viên y tế và lập biên bản nếu các đối tượng trên vi phạm quy chế. Cán bộ giám sát này có thể yêu cầu cán bộ coi thi lập biên bản thí sinh vi phạm quy chế (nếu có)…
Ông Bằng cho rằng, việc thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra với mục đích tác động vào quản lý chứ không tác động vào chuyên môn. Đoàn thanh tra của Bộ GD-ĐT sẽ đến những điểm thi trong trường hợp cần thiết mặc dù mỗi cụm thi đều có đoàn thanh tra của Sở GD-ĐT cắm chốt. Để đảm bảo an toàn nghiêm túc trong kỳ thi, Chánh Thanh tra Bộ Nguyễn Huy Bằng cho hay, các đoàn thanh tra của Bộ sẽ thực hiện thanh tra đột xuất tại các điểm thi và không báo trước nhằm đảm bảo khách quan, trung thực.
Fax: 04.3869 3145 * Email: thanhtradiaphuong@moet.edu.vn