Trong cuộc sống thường nhật, mỗi người có một quan niệm sống, cảm nhận sự hưởng thụ và đưa ra những nhận định khen, chê về nơi mình sống. Có những người chưa một lần đi nước ngoài công tác, du lịch hoặc nếu có một vài lần được đi đây đó, rất dễ choáng ngợp với những gì nhìn thấy bề ngoài ở nước sở tại, sau đó có ý khen "nức lời" xã hội phương Tây ở các diễn đàn, ì xèo, chê bai xã hội mình, đất nước mình, quê hương mình, cơ quan mình... Sự “hồn nhiên” này đôi khi lại trở thành những người truyền thông cho lối sống thực dụng, phủ nhận những thành tựu của xã hội tươi đẹp mà đất nước Việt Nam đã và đang xây dựng.
Loạt bài viết của nhóm tác giả Huy Hoàng, Xuân Ban, Minh Đức thể hiện những gì thấy được ở những quốc gia, nơi mà các tác giả được đến và trải nghiệm với khẳng định rằng: Việt Nam vẫn là quốc gia đáng sống!.
Đi ra khỏi đất nước, thấy chuyện ăn uống ở xứ người cũng khá đau đầu. Sang xứ người, có tiền chưa chắc đã mua được đồ ăn, nhất là ngoài giờ hành chính hoặc vào ngày nghỉ cuối tuần, dịp lễ tết. Nếu không đem theo sẵn “lương khô”, có khi lại bị đói ở xứ sở được coi là giàu có.
Những ngày chúng tôi đi công tác ở Pháp và Anh, được trải nghiệm sự đau đầu về chuyện ăn uống ở xứ người.
Hôm đầu tiên, bay từ Việt Nam sang Pháp. May mắn là chuyến bay dài hơn 10 tiếng, nên được ăn uống khá ổn trên tàu bay của Vietnam Airlines. Sang đến Paris vào buổi sáng. Tất cả cửa hàng ăn uống đều mở cửa là lúc 11.30. Vì vậy, chúng tôi đành ôm bụng nhịn ăn bữa sáng giữa thủ đô Paris hoa lệ.
Trước khi đi làm việc với đối tác, chúng tôi tìm mãi mới thấy một cửa hàng bán bánh mì. Giá bánh bán đắt cắt cổ. Mỗi người chỉ dám gọi một chiếc bugito nhỏ, kèm theo ít khoai tây chiên và chai nước suối, ăn cho qua bữa.
Ở Paris, Quận 13 do người phương Tây “kiêng” con số này, nên nhiều người coi đây như là “quận chết”, nên ít ở. Quận này phần lớn là người Hoa kiều, Việt kiều và người gốc châu Phi ở. Cũng vì vậy, phong cách ăn uống ở đây, dù các cửa hàng mở cửa theo "giờ Tây", nhưng đồ ăn lại phù hợp với du khách Trung Quốc và Việt Nam. Các siêu thị của người Hoa kiều bán đồ ăn châu Á, giá cả phải chăng, chế biến khá ngon. Trong các siêu thị, bán nhiều đồ thực phẩm nhập từ châu Á, trong đó có nhiều rau quả nhập từ Việt Nam. Vào sáng sớm, ở Quận 13 cũng có các chợ đầu mối bán rau củ quả, thực phẩm như ở châu Á. Phần lớn là người da đen đứng bán hàng thuê cho người Hoa.
Chúng tôi ở gần một nhà hàng ăn của người Việt gốc Hoa. Nhà hàng treo biển “Pho Bamboo” (Phở Tre). Tuy treo biển bán phở, nhưng nhà hàng còn bán cả cơm, các đồ nhậu lai rai phong cách miền Tây Nam bộ của Việt Nam. Ăn bữa cơm Việt giữa lòng Paris hoa lệ, chúng tôi “khiêm tốn” gọi những món rau. Kết thúc bữa tối, chỉ riêng đĩa rau cải xanh xào với lơ thơ thịt bò và đĩa salat, vậy mà cũng mất ngót nghét vài triệu đồng tiền Việt. Ở xứ lạnh, rau xanh đa phần phải nhập khẩu, nên "đắt xắt ra miếng". Ở ta, với số tiền này, một gia đình mua rau ăn cả tháng có khi không hết.
Bữa trưa trước khi rời Paris sang London, chúng tôi loanh quanh trong quận 13, tìm được một nhà hàng thuần Việt, hy vọng có được một bữa ăn... không có bơ, sữa. Cuối cùng cũng “phát hiện” ra một nhà hàng có biển hiệu “Phở Đầu Bò”, cách nhà hàng “Pho Bamboo” không mấy xa. Chủ quán là người gốc Quảng Ngãi, Việt Nam. Những người phục vụ ở đây đều quê các tỉnh Nam Trung bộ Việt Nam, như: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa... Có người sang đây làm phụ bếp đã hơn mười năm, nhưng thu nhập cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống hằng ngày ở xứ người, đã lâu chưa có điều kiện để về thăm quê hương.
Chúng tôi dùng một bữa tối đậm chất Việt ở nhà hàng “Phở Đầu Bò”… không phải bằng món phở. Ngồi giữa thủ đô Paris của xứ người, được ăn bữa cơm Việt vị vừa ngọt, vừa mặn, cảm giác cứ như đang ở miền Tây Nam bộ xứ nhà. Ngon nhất vẫn là món rượu vang Bordeaux. Hình như uống vang Pháp giữa lòng nước Pháp nó mới có cảm giác ngon như vậy. Trưa hôm sau, chúng tôi lại dùng bữa ở nhà hàng “Phở Đầu Bò” với ẩm thực đậm đà hương vị Nam bộ giữa lòng nước Pháp, trước khi sang London, Vương quốc Anh.
45 phút bay, chiếc Airbus của hàng không Anh quốc British Airways hạ cánh ở sân bay quốc tế Heathrow, thủ đô London. Chúng tôi đi tìm nhà hàng để ăn bữa tối. Nơi ở là vùng ngoại ô London. Vừa chập tối, đường sá đã vắng tanh. Tìm mãi, chúng tôi cũng tìm được một nhà hàng mang tên “Việt Chefs”. Tên là vậy, nhưng nhà hàng chỉ bán duy nhất... món phở bò chín kiểu Nam bộ. Chủ nhà hàng là cặp vợ chồng trẻ. Anh chồng tên Sơn, người gốc ở thành phố Hồ Chí Minh. Cô vợ tên Huế, người gốc ở Hải Phòng. Hai người sang du học tại London, gặp và lấy nhau. Cô vợ học tiến sĩ quản trị kinh doanh. Có bằng tiến sĩ, cùng chồng… kinh doanh nhà hàng ăn.
Chẳng còn cách lựa chọn nào khác, chúng tôi đành gọi mỗi người một tô phở. Sơn và Huế mang cho chúng tôi mỗi người một tô phở to đùng. Vị phở Nam ngọt lợ vị mì chính, đường. Thịt bò đông lạnh, luộc, thái lát to, mỏng, ăn không ngọt như thịt bò tươi ở xứ ta. Giá phở "cắt cổ", gần 400 ngàn đồng tiền Việt một tô.
Tô phở giá phở "cắt cổ", gần 400 ngàn đồng tiền Việt trong một nhà ở London (Anh). Ảnh: Huy Hoàng |
Sáng hôm sau, rất may là một người trong đoàn công tác mang theo mì tôm. Chủ nhà trọ cho mượn gian bếp để đun nước ăn mì. Chúng tôi xì xụp ăn mì tôm Miliket Việt mà cảm giác sao nó ngon đến thế (ở Anh các siêu thị tiện ích cũng có bán mì gói, nhưng là mì Nhật, Hàn, ăn không hợp khẩu vị).
Đi sang các nước phương Tây làm việc, đối tác hiếm khi tiếp đãi khách linh đình như ở xứ ta. Thậm chí, khách đến làm việc có khi còn không được mời uống nước. Nếu bạn khát, hãy tự tìm đến bình, vòi nước dùng chung ở sảnh hoặc trong ngăn bếp, thậm chí là trong khu vệ sinh. Ở nơi công cộng, thường có những cây nước. Bạn chỉ cần hứng miệng vào là nước tự chảy, để uống. Còn có tiền thì mua nước ở các cây bán hàng tự động. Giá một chai nước suối có khi hơn 100 ngàn đồng tiền Việt. Nhiều người Anh thường đem theo bình đựng nước nhỏ cài bên balo, để chủ động về nước uống.
Người Tây thường dùng bữa trưa nhẹ nhàng. Ẩm thực Tây, nếu du khách không quen, không thể ăn được một cách dễ dàng. Sau buổi làm việc, do là đối tác lâu năm nên chúng tôi may mắn được mời dự bữa tiệc nhỏ tại một nhà hàng Trung Quốc ở London. Tưởng là cơ quan đối tác có khoản kinh phí tiếp khách, ai dè, khi tính tiền, mấy đồng nghiệp phía đối tác “se” (share) cho nhau qua tài khoản để trả tiền bữa tiệc. Văn hóa xứ người là vậy, công tư rất rõ ràng. Khác ở xứ ta, bạn bè rủ nhau đi ăn nhậu, thường tranh nhau trả tiền.
Mì tôm vẫn là thức ăn cơ động của khách đi nước ngoài. Ảnh: Huy Hoàng |
Lại nói về chuyện ăn uống ở xứ người. Các cửa hàng ở Anh thường đóng cửa ngoài giờ hành chính và ngày nghỉ cuối tuần (weekend). Ngày nghỉ ở xứ Tây, người dân thường dã ngoại thành đó đây. Nếu không có giải pháp “đi chợ” sớm để tích trữ lương thực, là bạn dễ bị nhịn đói vào những ngày nghỉ. Vì vậy, vào ngày cuối tuần, chúng tôi tranh thủ mua tạm thực phẩm tự nấu ăn hợp khẩu vị và cũng là để tiết kiệm chi phí.
Rau xanh ở xứ sở hàn đới giá đắt khủng khiếp. Rau phần lớn được nhập khẩu từ xứ ôn đới, nhiệt đới. Chỉ có táo, lê là rẻ tí chút, vì ở xứ bạn trồng được. Mà rau ở xứ bạn ăn cứ cứng nhắc, nhạt thếch. Bữa ăn mà thiếu rau, nhớ quê hương da diết. Ở xứ ta, rau trái quanh năm, tứ mùa. Khách tây sang ta mà lên vùng Đà Lạt, Sa Pa hay xứ Lạng hoặc về các huyện ngoại thành Hà Nội, tha hồ mà ăn rau củ quả đủ loại với giá rẻ như bèo. Có đận còn phải kêu gọi cộng đồng "giải cứu" rau, củ hoặc phải đem đổ bỏ do tiêu thụ kém.
Quả thực, “xểnh nhà ra thất nghiệp”. Tiếng là đi tây sướng, chứ mục sở thị mới thấy chỉ riêng chuyện ăn uống cũng đã thấy đau đầu. Lời khuyên cho những người đến xứ bạn, đó là hãy áp dụng chiêu “quân tử phòng thân”. Dù bạn giàu có hay là bình thường, thì khi đi nước ngoài hãy mang theo đồ ăn, thức uống có thể mang được để ứng phó với những tình huống ăn uống trong hoàn cảnh bất khả kháng. Nghĩ lại, thấy ở Việt Nam vẫn sướng nhất, bước ra khỏi cửa là có nhà hàng, quán ăn phục vụ 24/24 giờ, giá rẻ và có nhiều cơ hội để thực khách chọn lựa món ăn theo nhu cầu.
Đón đọc: Bài 2 - Nằm ở bên Tây mơ... được ngủ nghỉ ở nhà mình