Sang 'trời Tây' thấy Việt Nam vẫn là nơi đáng sống!: Bài 4 - Ngại nhất chuyện 'đầu ra'

(PLVN) - Trong "tứ khoái" mà người xưa tổng kết có chuyện "đầu ra" (bài tiết) của mỗi người hằng ngày. Chuyện tưởng đơn giản theo quy luật tự nhiên lại rất... đáng ngại ở "trời Tây".
Cảnh chờ đi toilet công cộng ở Paris (Pháp). Ảnh: Huy Hoàng
Cảnh chờ đi toilet công cộng ở Paris (Pháp). Ảnh: Huy Hoàng

> Sang 'trời Tây' thấy Việt Nam vẫn là nơi đáng sống!: Bài 1 - Ở 'trời Tây' dễ 'ngất ngây'… vì đói

> Sang 'trời Tây' thấy Việt Nam vẫn là nơi đáng sống!: Bài 2 - Nằm ở bên Tây mơ... được ngủ nghỉ ở nhà mình

>> Sang 'trời Tây' thấy Việt Nam vẫn là nơi đáng sống!: Bài 3 - Đi lại ở Tây sướng nhưng... sợ

Có giai thoại vui, rằng "người tây" đến xứ ta du lịch, thấy chỗ nào cũng kẻ chữ "quảng cáo" một cái "vịnh", đó là "Cam dai bay". Sau mới hiểu ra, đó là "biển" cảnh báo cấm tiểu tiện bậy bạ. Hóa ra, cái việc ấy ở xứ ta lại thoải mái đến mức... phải cảnh báo.

Còn ở xứ người không phải chuyện đơn giản, nhất là ở nơi công cộng. Bởi, muốn "giải quyết nhu cầu cấp thiết" là bạn phải trả tiền. Do vậy, nếu đi lại nhiều, với thời gian dài trên các phương tiện giao thông công cộng, mỗi người nên "thủ" sẵn những đồng xu lẻ để chi tiêu cho việc này. Không thì sẽ rất phiền, vì rất ít các WC công cộng miễn phí, ngoại trừ ở sân bay. Việc trả phí để "giải quyết nhu cầu" cũng là một cách thể hiện công bằng, tạo "lương" trả cho các nhân viên phục vụ dịch vụ đặc biệt ấy.

Để tránh phiền toái đối với chuyện "khó nói", nhất là đối với những người bị đại tràng, phì đại tiền liệt tuyến, thận hư, ngoài chuyện nghĩ đến "đóng bỉm" khi đi thăm thú xứ người thì nên giảm tuyệt đối "đầu vào", không nên ăn đồ lạ, uống nhiều nước. Du khách châu Á thường ít hợp với đồ ăn, thức uống ở "trời tây". Nếu chẳng may xơi phải "đồ lạ", bụng dạ không yên thì đúng là "cực hình" tại những tụ điểm công cộng. WC công cộng lúc nào cũng trong tình trạng quá tải.

Văn hóa "đầu ra" ở xứ người cũng đa dạng. Có lần, đi công tác ở Malaysia, vào WC công cộng, không thấy có giấy vệ sinh. Hóa ra, văn hóa của bạn là không "lau chùi" bằng giấy ở những "khu vực nhạy cảm", mà chỉ dùng vòi xịt để làm sạch. Người lần đầu sử dụng dịch vụ "đầu ra" ở xứ này thường lúng túng, thấy khó chịu.

Cái khoản WC ngoài trời ở xứ người cũng dễ... cười ra nước mắt. Chẳng là các WC này được lắp đặt tương đối cơ động và kỹ thuật đóng, mở, xả cũng... rất cơ động. Riêng chuyện cái khoản mở, chốt cũng dễ phiền toái. Hình như nó được thiết kế "hẹn giờ", không cho phép "khách hàng" ngồi trong đó quá lâu. Nếu ngồi lâu quá là cửa sẽ tự mở toang hoác, khách ê mặt luôn với cả dãy người đang xếp hàng chờ... "xả".

Trong các khách sạn ở xứ người, nơi dành cho chuyện "đầu ra" và tắm rửa cũng dễ làm cho nhiều người cảm thấy "mất tự do". Ví như cạnh bể tắm hoặc bồn cầu trong khách sạn thường có biển cảnh báo "Xả nước ra sàn, phạt...", "Vứt rác vào bồn cầu, phạt...". Một anh bạn kể, có lần ở bị khách sạn phạt mất cả trăm đô la vì lỡ tay xả nước tràn ra sàn nhà vệ sinh bằng gỗ. Anh bạn bảo, sau sự cố ngoài ý muốn đó, giờ cứ đi nước ngoài, mỗi khi vệ sinh cá nhân ở xứ người phải rất... "nắn nót".

Nhìn chung, chuyện "tứ khoái"- chuyện giải quyết những nhu cầu "tối thiểu, cấp thiết" ở xứ người rất tế nhị và dễ đau đầu. "Sểnh nhà ra thất nghiệp", do đó, khi đi công tác, du lịch nước ngoài cần chuẩn bị thật tốt về sức khỏe, tâm thế, đồ dùng cá nhân, tiền bạc, để không thấy phiền toái, khó xử.

Ở xứ người vốn nghe ai đó ngợi ca bởi sự hào nhoáng bề ngoài và sự tự do, nhưng không có nghĩa là tốt đẹp, tự do một cách tuyệt đối như lâu nay nhiều người bị cám dỗ trước những lời tuyên truyền của các thế lực thù địch. Bạn hãy thử trải nghiệm khi đi nước ngoài để thấy rằng, nếu biết trân trọng các giá trị văn hóa quê hương, yêu quý đất nước mình thì đất nước mình mới là nơi đáng sống nhất.

Đọc thêm