Sao 'nhí' - Quả còn xanh sao vội hái?

(PLVN) - Các cô bé, cậu bé đang tuổi ăn tuổi lớn bỗng chốc trở thành ngôi sao, đóng cảnh “nóng”, tham gia game show, chạy show… cho thấy “tài không đợi tuổi” nhưng mặt trái của nó là những đứa trẻ bị “chín ép”, mất đi tuổi thơ, trở thành “cỗ máy kiếm tiền” cho người lớn.
Cảnh quay gây tranh cãi trong phim “Người vợ ba”.
Cảnh quay gây tranh cãi trong phim “Người vợ ba”.

Tranh cãi sao nhí đóng cảnh “nóng”

Gần đây, bộ phim “Người vợ ba” đang làm dấy lên tranh cãi xung quanh việc nữ diễn viên trong phim có những cảnh quá nóng bỏng khi cô vào vai năm 13 tuổi. “Người vợ ba” xoay quanh cuộc sống của những người vợ lẽ cho một địa chủ thời phong kiến. Trong đó, nổi bật là nhân vật chính tên Mây, về làm vợ ba người chồng điền chủ từ năm 14 tuổi.

Trong phim, Mây do diễn viên nhí 13 tuổi Nguyễn Phương Trà My thủ vai có khá nhiều cảnh nhạy cảm, không phù hợp lứa tuổi của cô bé. Từ đây, nhiều tranh cãi đã nổ ra xoay quanh câu hỏi: Liệu có nên để một cô bé vị thành niên tham gia vào những cảnh quay “nóng” như thế?

Mặc dù những ý nghĩa mà phim hướng đến là khá sâu sắc, phản ánh hiện thực xã hội, đồng thời nhà sản xuất và đạo diễn đúng đã đưa ra lời giải thích về việc thực hiện cảnh quay trên phim trường khác với cảnh lên phim, đồng thời diễn viên nhí và gia đình đã cân nhắc, quyết định tham gia bộ phim, nhưng không xoa dịu nỗi lo lắng của dư luận.

Không chỉ tại Việt Nam, việc các diễn viên “nhí” tham gia vào các cảnh nhạy cảm và trở nên nổi tiếng từ bé đã có ở nền điện ảnh các nước như Hollywood (Mỹ), Hàn Quốc. Trong đó, có những cảnh “nóng” hở da thịt, cảnh quay táo bạo và cả kinh dị, phản cảm.

Hầu hết những bộ phim này, có phim gặt hái thành công hay không, cũng vấp phải phản ứng của một bộ phận dư luận trong nước. Một số sao nhí từng đóng những cảnh quay như thế cũng thừa nhận từng bị ám ảnh hoặc di chứng tâm lý vì cảnh quay trong phim gây ra.

Quay lại bộ phim “Người vợ ba”, khó có thể nói diễn viên nhí Nguyễn Phương Trà My không bị ảnh hưởng tâm lý hay xáo trộn đời sống sau khi thực hiện các cảnh quay và bộ phim phát sóng. Chỉ tính riêng hiện tại, phim chưa được phát sóng nhưng những bức ảnh đầy nhạy cảm về cảnh quay trong phim đã lan tràn mạng xã hội, bị dùng chế ảnh hoặc đem ra chỉ trích…

Nhiều người lo lắng, từ trước đến nay điện ảnh Việt hầu hết chưa có chuyện diễn viên nhí vào các vai diễn hở hang hay có yếu tố nhạy cảm. Sự thành công của “Người vợ ba” rất có thể là sự “mở đường” cho một trào lưu mới không mấy hay ho. Trong khi đó, nạn ấu dâm đang là vấn nạn gây nhiều nỗi đau trong xã hội và những bộ phim như thế làm dấy lên lo ngại sẽ khiến vấn nạn này càng thêm phức tạp.

Trẻ có được quyền lựa chọn?

Cũng gần đây, bộ ảnh về nạn ấu dâm “Những đứa trẻ mang bầu” ngay khi xuất hiện đã làm dấy lên những cuộc tranh cãi dữ dội. Nhiều người cho rằng bộ ảnh nói đến một vấn đề hết sức bức xúc trong xã hội hiện nay đi kèm với lời cảnh tỉnh mạnh mẽ từ hình ảnh gây ám ảnh. Bộ ảnh này cũng nằm trong một dự án hữu ích chống nạn ấu dâm trẻ em.

Tuy nhiên, một luồng ý kiến không nhỏ khác lại cho rằng, mục đích hay ho, nhưng cách làm của bộ ảnh không ổn. Theo nhiều nhận xét của giới chuyên môn, không chỉ cách sắp xếp, bố cục, màu sắc của các bức ảnh hướng về sự hù dọa, gây hoảng sợ hơn là cảnh tỉnh người xem, thì bộ ảnh còn phạm vào một lỗi rất không đáng có của những người thực hiện ảnh thời sự - xã hội: không che mặt nhân vật. 

Dẫu rằng chỉ là đóng vai, dẫu rằng các nhân vật nhí trong ảnh đã được thuyết phục, hiểu được mục đích của bộ ảnh và tự nguyện, nhưng việc các em lộ mặt trên một bộ ảnh hết sức nhạy cảm có thể đem đến hệ lụy không nhỏ mà chính các em không thể hình dung hết: Đó là sự ám ảnh tâm lý khi xem những bức ảnh của chính mình, đó là sự đối mặt với bạn bè, dư luận… những tác động tâm lý tiêu cực không đáng có có thể sẽ đẩy các em vào nguy cơ… già trước tuổi.

Showbiz Việt cũng chứng kiến không ít cô bé, cậu bé trở thành sao từ các sản phẩm ghi băng đĩa, phim ảnh, chương trình truyền hình, đặc biệt là với sự bùng nổ của gameshow 5 năm qua. Không ít trẻ đã đánh mất đi tuổi thơ hồn nhiên, trở thành những “công cụ” để mua vui cho người lớn trên sân khấu, chạy show kiếm tiền, sau đó sa vào yêu sớm, hoang mang, lạc lối trong chính cuộc sống của mình.

Có không ít em là những tài năng nhí, nhưng đến lớn lại không thể phát huy tài năng của mình, bị lụi tàn khả năng hoặc trầm cảm… Đó là cái giá mà các em phải gánh, trong khi những người lớn nhờ các em mà giàu có, mà có danh vọng. 

Sự lựa chọn của các em, thực tế chỉ là lựa chọn dưới sự hướng dẫn, dụ dỗ của người lớn và các em hoàn toàn không thể biết điều gì đang chờ mình phía trước khi dấn thân vào cuộc sống trước công chúng. Đáng trách là những người lớn, biết chuyện nhưng lại hái đi những “quả còn xanh”, cho mục đích không trong sáng của mình.