Sắp ra quân phạt xe không gắn thiết bị giám sát hành trình

Từ 1/7/2013, Thanh tra Giao thông và CSGT trên toàn quốc bắt đầu ra quân xử phạt người điểu khiển xe tham gia kinh doanh vận tải không gắn thiết bị giám sát hành trình (GSHT) hoặc gắn nhưng thiết bị không hoạt động, không hợp chuẩn. Ông Nguyễn Văn Huyện, Chánh Thanh tra Bộ GTVT, trao đổi về quy trình xử phạt và chế tài đối với hành vi vi phạm này.

Từ 1/7/2013, Thanh tra Giao thông và CSGT trên toàn quốc bắt đầu ra quân xử phạt người điểu khiển xe tham gia kinh doanh vận tải không gắn thiết bị giám sát hành trình (GSHT) hoặc gắn nhưng thiết bị không hoạt động, không hợp chuẩn. Ông Nguyễn Văn Huyện, Chánh Thanh tra Bộ GTVT, trao đổi về quy trình xử phạt và chế tài đối với hành vi vi phạm này.

Cả nước hiện có 4,8 vạn xe thuộc diện phải gắn hộp đen
Cả nước hiện có 4,8 vạn xe thuộc diện phải gắn hộp đen.

- Thiết bị GSHT được xác định là công cụ kiểm soát và góp phần đẩy lùi tai nạn giao thông (TNGT), nhưng thực tế vẫn có nhiều đơn vị lắp thiết bị một cách chiếu lệ để né phạt, thậm chí còn sử dụng thiết bị “điếc”, thưa ông?

- Trước khi ra quân xử phạt, chúng tôi đã cho kiểm tra việc chấp hành các điều kiện kinh doanh vận tải khách theo tuyến cố định qua thiết bị GSHT tại 7 đơn vị vận tải ở Quảng Ninh, thì thấy các phương tiện đều có gắn thiết bị này. Tuy nhiên, đa phần các đơn vị vận tải chưa thực hiện việc khai thác, quản lý thông tin từ thiết bị GSHT và quả thực thì cũng có một số đơn vị sử dụng thiết bị nhưng không đảm bảo các tính năng theo quy định; thậm chí có đơn vị không có người nào hiểu biết về hoạt động của loại thiết bị này.

Tình trạng trên nếu không phát hiện, chấn chỉnh kịp thời thì việc lắp đặt hộp đen chẳng có ý nghĩa gì, và mục tiêu kiềm chế TNGT qua hộp đen cũng khó mà đạt được.

- Vậy, những đơn vị lắp đặt thiết bị đúng quy định, qua kiểm tra, trích xuất đã thu được thông tin gì?

- Những thông tin này rất quan trọng để lực lượng chức năng nhắc nhở hoặc xử phạt đối với người điều khiển phương tiện và đơn vị vận tải. Xin dẫn chứng, trong đợt kiểm tra vừa rồi, chúng tôi đã phát hiện được nhiều vi phạm về tốc độ, thời gian lái xe liên tục, số lần đón trả khách…

Cụ thể, qua kiểm tra khoảng 50 xe từ thiết bị này trong vòng 10 ngày đã phát hiện được hơn 1.000 vi phạm về tốc độ, trong đó có xe chạy tới hơn 120 km/h. Chiểu theo quy định hiện hành, thì những xe vi phạm kiểu này coi như hết đường làm ăn.

- Việc xử phạt những lỗi liên quan đến thiết bị GSHT từ 1/7/2013 cụ thể sẽ như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Huyện - Chánh Thanh tra Bộ GTVT
Ông Nguyễn Văn Huyện - Chánh Thanh tra Bộ GTVT.

- Chúng tôi sẽ yêu cầu trích xuất các thông tin từ các thiết bị GSHT gắn trên xe, như: tốc độ; thông tin về lái xe, xe; hành trình; số lần dừng đỗ, đóng - mở cửa xe; thời gian làm việc liên tục của lái xe…

Theo quy định nếu đơn vị kinh doanh vận tải nào vi phạm một trong các lỗi sau đây thì sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh vận tải: có 5% số lượng lượt xe hoạt động trên tuyến người lái xe vi phạm hành trình hoặc có 20% số lượng lượt xe hoạt động trên tuyến người lái xe vi phạm đón, trả khách không đúng nơi quy định hoặc 10% số lượng lượt xe hoạt động trên tuyến, người lái xe vi phạm quy định về thời gian điều khiển phương tiện như lái xe quá 4 giờ liên tục và quá 10 giờ trong một ngày…

Đối với những xe gắn thiết bị GSHT nhưng không lưu trữ được thông tin, không có tín hiệu trạng thái báo đang hoạt động…, nói chung là thiết bị không hoạt được cũng sẽ bị xử lý tước phù hiệu chạy tuyến cố định, dừng hoạt động.

- Công tác chuẩn bị cho việc ra quân xử phạt và quy trình xử phạt lỗi này như thế nào, thưa ông?

- Trước thời điểm này, Bộ GTVT đã có văn bản gửi các Sở GTVT các tỉnh, thành trong cả nước yêu cầu tổ chức tuyên truyền đến các đơn vị kinh doanh vận tải, lái xe về quy định xử phạt người điều khiển xe tham gia kinh doanh vận tải nhưng không gắn thiết bị GSHT đối với xe bắt buộc phải gắn (xe buýt, xe vận tải hành khách tuyến cố định, các loại xe chở khách theo hợp đồng và xe container).

Đồng thời, tiến hành trang cấp máy tính, máy in xách tay để kiểm tra, trích xuất thông tin. Theo đó, lực lượng Thanh tra Giao thông sẽ phối với CSGT sử dụng những thiết bị nêu trên kết nối với cổng kết nối của thiết bị GSHT gắn trên các xe để trích xuất kiểm tra thông tin về lái xe, tốc độ…, làm căn cứ xử phạt hành vi vi phạm.

- Nếu Thanh tra giao thông cố tình bỏ qua không xử lý nghiêm những lỗi này, thì bị xử lý như thế nào, thưa ông?

- Các tỉnh đều đã có đường dây nóng để tiếp nhận những phản ánh về tiêu cực. Bất kỳ ai nếu cung cấp được căn cứ (thông tin, hình ảnh, video…) chứng minh được Thanh tra Giao thông đã có hành vi tiêu cực, bỏ qua sai phạm để cho xe vượt chốt, trạm kiểm tra…, thì chúng tôi sẽ xử lý ngay. Vừa rồi, ở Hải Dương, chúng tôi cũng đã rút thẻ và cho ra khỏi ngành của một loạt Thanh tra viên “dính” tiêu cực trên QL37.

- Xin cảm ơn ông.

Phát động chiến dịch “Kiểm soát tốc độ”

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Ủy ban ATGT Quốc gia từ 7/7 đến 30/9/2013, tổ chức phát động chiến dịch kiểm soát tốc độ, và chiến dịch phòng chống uống rượu, bia đối với người điều khiển phương tiện giao thông từ tháng 10 đến hết năm 2013.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo Công an các địa phương tăng cường kiểm tra, phát hiện vi phạm, tập trung xử lý các lỗi vi phạm về tốc độ, lấn đường, vi phạm nồng độ cồn, chở quá tải, quá số người quy định. Trọng điểm trên các tuyến QL1, 5, 14, 18…, đặc biệt là địa bàn một số tỉnh miền Trung.

Tuấn Anh (thực hiện)

Đọc thêm