Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) năm nay tập trung tái cơ cấu nhằm hình thành ít nhất 3 - 4 doanh nghiệp (DN) có năng lực cạnh tranh cao. Theo lãnh đạo Bộ TT-TT, “cuộc sàng lọc” của thị trường khắc nghiệt sẽ không có “ngoại lệ”.
Thị trường viễn thông sẽ có 3-4 DN đủ mạnh để cạnh tranh. Ảnh minh họa |
Không phân biệt công - tư
Năm 2012, thị trường viễn thông Việt Nam chứng kiến nhiều biến động như sự kiện EVN Telecom chuyển về Viettel, Công ty VimpelCom của Nga rút vốn khỏi Công ty Cổ phần viễn thông di động toàn cầu GTel, một số giấy phép viễn thông bị thu hồi, xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh thông qua khuyến mại trái phép...
Đầu Xuân Quý Tỵ, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son nhận định, "nguyên nhân chủ yếu là thị trường viễn thông đã rất cạnh tranh, kinh tế lại đang gặp khó khăn nên một số doanh nghiệp không thể duy trì được hoạt động kinh doanh. Mặt khác, quản lý nhà nước về viễn thông nói riêng và quản lý đầu tư công của nhà nước nói chung được tăng cường nên không có chỗ đứng cho các doanh nghiệp yếu kém, cho dù đó là doanh nghiệp nhà nước".
Trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ mạng di động ảo, sau khi thu hồi giấy phép mạng di động ảo của Đông Dương Telecom vì không triển khai cung cấp dịch vụ theo quy định, Bộ TT-TT cũng yêu cầu VTC báo cáo việc triển khai giấy phép mạng di động ảo sau khi được cấp phép.
Lãnh đạo Cục Viễn thông (Bộ TT-TT) khẳng định, nếu VTC không triển khai cung cấp dịch vụ mạng riêng ảo thì Bộ TT-TT sẽ thu hồi giấy phép này. Được biết, VTC dự định sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ TT-TT về việc triển khai giấy phép này ngay trong quý 1/2013, nhưng lúc này doanh nghiệp đang cân nhắc có đầu tư tiếp hay không do độ hấp dẫn trong đầu tư làm viễn thông rất thấp, thị trường viễn thông đang cạnh tranh quá mức.
Sẽ tập trung tái cơ cấu VNPT
Mới đây, tại buổi gặp mặt cán bộ của Bộ TT-TT đầu Xuân Quý Tỵ 2013, Thứ trưởng Bộ TT-TT Lê Nam Thắng cho biết, sau khi đề án tái cơ cấu VTC được phê duyệt, trong năm 2013, Bộ sẽ tập trung vào việc tái cơ cấu, tổ chức lại Tập đoàn VNPT. “Trên cơ sở tái cấu trúc VNPT, Bộ TT-TT sẽ tiến hành tái cơ cấu với các doanh nghiệp viễn thông khác không phân biệt cấp chủ quản hay sở hữu” – Thứ trưởng Lê Nam Thắng nói.
Trước đó, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 201 của ngành TTTT, ông Phạm Long Trận, Chủ tịch Hội đồng thành viên của VNPT cho biết, mô hình tái cơ cấu tập đoàn VNPT đã gửi lên Bộ TT-TT, Chính phủ nhưng chưa có phản hồi. Vì thế, VNPT chưa thể bắt tay vào việc cải tiến mô hình sản xuất kinh doanh vốn đã ra đời lâu và hiện không còn phù hợp.
Trước kiến nghị này của VNPT, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son cho biết, sau khi Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra VNPT, Bộ TT-TT sẽ có ý kiến chính thức về phương án tái cơ cấu tập đoàn này.
Trước những biến động này của thị trường và với định hướng phát triển bền vững thị trường viễn thông theo Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến 2020 đã được Thủ tướng ban hành, trong năm 2013, Bộ TT-TT sẽ đẩy mạnh thực hiện quy hoạch, trong đó có tái cơ cấu các doanh nghiệp nhằm hình thành ít nhất 3 - 4 doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh cao trên mỗi thị trường quan trọng như di động, Internet băng rộng, cố định đường dài trong nước và quốc tế.
Trên thực tế, các doanh nghiệp có hạ tầng mạng - nhóm doanh nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu dịch vụ và doanh thu trên thị trường - là doanh nghiệp nhà nước, nên tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực viễn thông đồng nghĩa với cơ cấu lại phần lớn thị trường viễn thông.
Theo Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son, việc tái cơ cấu sẽ bám sát mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh bằng nhiều biện pháp trong đó có tạo điều kiện cho việc mua bán, sáp nhập, thu hồi giấy phép, tổ chức lại các doanh nghiệp nhà nước kinh doanh kém hiệu quả. Bộ TT-TT sẽ tăng cường công tác thực thi trong cấp giấy phép, quản lý kết nối, giá cước, kho số, khuyến mại, đồng thời đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử phạt những hành vi cạnh tranh không lành mạnh...
“Các biện pháp quản lý sẽ duy trì và thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh song song với hỗ trợ đầu tư phát triển viễn thông công ích phục vụ vùng sâu, vùng xa và các đối tượng mà cơ chế thị trường hoạt động không hiệu quả”, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khẳng định.
Lê Vân