Có “van mềm” ngăn khách hàng di chuyển ào ạt liên tục
Theo thông tin tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Đề án Chuyển mạng di động giữ nguyên số vừa diễn ra mới đây tại Hà Nội, đại diện mạng di động Viettel và VinaPhone đều khẳng định hệ thống kỹ thuật cơ bản đã sẵn sàng để có thể đáp ứng được tiến độ mà Cục Viễn thông đề ra là thí điểm chuyển mạng di động giữ số vào tháng 12/2015 tới.
Riêng đại diện MobiFone, dù đề xuất thời điểm thử nghiệm là 30/4/2016 nhưng cũng cho biết có thể triển khai thử nghiệm “cơ bản” từ tháng 12/2015.
Trong khi đó, đại diện của Hanoi Telecom (mạng di động Vietnamobile) lại bày tỏ mong muốn dời thời điểm chạy thử xuống tháng 12/2017 vì đang vướng chuyển đổi mô hình công ty. Tuy nhiên, ông Phạm Hồng Hải - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông – cho rằng, đây là dịch vụ các nước trên thế giới làm từ lâu, giờ Việt Nam mới triển khai cũng đã là muộn so với dự kiến trước đó. Các nhà mạng nên quyết tâm làm, không nên chần chừ, do dự nữa để đáp ứng nhu cầu và quyền lợi chính đáng của người dùng, thúc đẩy cạnh tranh, tăng cường đảm bảo chất lượng dịch vụ giữa các nhà mạng.
Một trong những lo lắng chính của nhà mạng là sau khi triển khai chuyển mạng giữ số sẽ xảy ra hiện tượng người dùng di chuyển ào ạt từ mạng này sang mạng khác mỗi khi có khuyến mại, rồi lại đua nhau chuyển về mạng cũ khi hết khuyến mại, gây xáo trộn thị trường, lãng phí tài nguyên kho số.
“Vấn đề này hoàn toàn có thể điều tiết được bằng các quy định cứng lẫn “van mềm”, chẳng hạn như quy định những khách hàng đã chuyển mạng thì phải đợi 90 ngày sau mới được chuyển lần nữa – Thứ trưởng Phạm Hồng Hải nói – Bên cạnh đó, còn 2 “van mềm” mà Bộ Thông tin và Truyền thông còn có thể sử dụng để điều chỉnh lượng thuê bao chuyển mạng.
Một là giá cước, hay còn gọi là phí chuyển mạng, nếu phí thì số lượng người dùng chuyển đổi sẽ ít. Hai là thời gian chuyển, nếu xác định phải mất 3 tháng mới chuyển xong thì sẽ rất ít người đồng ý chuyển mạng, nhưng nếu chỉ mất 1-2 tiếng để chuyển thì nhu cầu sẽ tăng mạnh”.
Thứ trưởng Hải cũng cho biết, mục tiêu của đề án này là một mặt phải đảm bảo đáp ứng quyền lợi của những người thực sự có nhu cầu chuyển mạng, nhưng mặt khác phải đảm bảo để thị trường không có sự chuyển dịch ồ ạt. “Theo kinh nghiệm thế giới, khi dịch vụ đi vào ổn định thì tỷ lệ thuê bao chuyển mạng chỉ khoảng 2-5%, là những người có nhu cầu thực sự” – ông Hải nói.
Thuê bao trả sau được chuyển trước, thuê bao trả trước sẽ chuyển sau
Khi dịch vụ này đi vào triển khai, thuê bao trong giai đoạn thực hiện dịch vụ chuyển mạng sẽ là khách hàng chung của các nhà mạng liên quan. Chính vì thế, quy trình thực hiện thế nào để tránh mỗi nhà mạng một kiểu gây khó cho khách hàng cũng là điều mà các nhà mạng quan tâm.
Đại diện Viettel kiến nghị Cục Viễn thông sớm hướng dẫn chi tiết quy trình tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu về năng lực hệ thống để doanh nghiệp đầu tư cho đồng bộ cũng như sớm ban hành hành lang pháp lý để doanh nghiệp sẵn sàng phương án kinh doanh.
Đại diện VNPT cũng mong muốn nhận được các hướng dẫn về giao diện, điểm kết nối, kho số..., còn MobiFone quan tâm quy trình kinh doanh như bán hàng, đăng ký chuyển mạng ra sao, quy trình tính cước, giải quyết khiếu nại cho người dùng như thế nào. “Phải xác định khách hàng giờ là khách hàng chung. Nhà mạng nào gây khó dễ cho thuê bao muốn chuyển mạng thì cần phải xử phạt” – đại diện HanoiTelecom bày tỏ.
Về phía cơ quan quản lý, ông Nguyễn Phong Nhã - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông - cho biết, sau khi Cục lựa chọn nhà thầu xong thì đơn vị này sẽ đến làm việc cụ thể với các doanh nghiệp về giao diện, tiêu chuẩn kỹ thuật.
Trên cơ sở thử nghiệm kỹ thuật, Cục Viễn thông sẽ xem xét, xây dựng dự thảo một số quy định liên quan đến việc khai thác sau này, đặc biệt là trách nhiệm của từng doanh nghiệp ra sao. Dựa vào đó, doanh nghiệp sẽ xây dựng quy trình của riêng mình: tiếp nhận yêu cầu chuyển mạng như thế nào, thuê bao chuyển mạng đăng ký với ai?
Về đối tượng được chuyển mạng di động giữ số, theo Thứ trưởng Hải, trước mắt thuê bao trả sau được chuyển, còn việc chuyển mạng cho thuê bao trả trước sẽ triển khai ở giai đoạn sau.