Sắp trình Quốc hội Quy chế bỏ phiếu tín nhiệm

Sáng qua (19/8) diễn ra Phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án quy trình, thủ tục, cách thức lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Phiên họp có mặt Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Sáng qua (19/8), diễn ra Phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án quy trình, thủ tục, cách thức lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Phiên họp có mặt Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, việc xây dựng Đề án quy trình, thủ tục, cách thức lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn là hết sức cần thiết, nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay.”

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, Đề án được xây dựng nhằm tham mưu, giúp Quốc hội, HĐND tìm ra các giải pháp khắc phục những điểm hạn chế, bất cập trong quy trình bỏ phiếu tín nhiệm, góp phần thực hiện quy định của Hiến pháp và luật về bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Chủ tịch Quốc hội cho biết việc xây dựng Đề án cũng phù hợp với yêu cầu đã nêu trong Nghị quyết số 27/2012/QH13 về một số cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, trong đó, giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng Quy chế về việc bỏ phiếu tín nhiệm, lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 vào cuối năm 2012.

Đề án hướng đến mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi để các đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND thay mặt cử tri đánh giá, thể hiện sự tín nhiệm của mình đối với người do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, qua đó, tăng cường trách nhiệm của những người này trước Quốc hội, HĐND nói riêng và cử tri cả nước nói chung.

Theo Dự thảo, Đề án quy trình, thủ tục, cách thức lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn được thực hiện trên nguyên tắc đảm bảo tính dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, chặt chẽ, thận trọng, có cơ sở pháp lý; đồng thời, ngăn ngừa việc lợi dụng lấy phiếu tín nhiệm để gây khó khăn cho việc thực hiện công tác cán bộ.

Đặc biệt, Đề án cũng nêu các phương án trình Ban Chỉ đạo quyết định về các nội dung như đối tượng được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm; thẩm quyền lấy phiếu tín nhiệm; tiêu chí đánh giá, thể hiện sự tín nhiệm; thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm; quy trình, thủ tục lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm và công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm.

Dự thảo sơ bộ Hiến pháp (sửa đổi): 11 Chương, 140 điều

Trước đó, sáng 18/8, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã họp toàn thể phiên thứ 4 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Đây là phiên họp đầu tiên, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp cho ý kiến về Dự thảo sơ bộ Hiến pháp (sửa đổi) do Ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 chuẩn bị và trình. Dự thảo sơ bộ do Ban biên tập chuẩn bị gồm 11 Chương, 140 điều, giảm 1 chương và giảm 7 điều so với Hiến pháp năm 1992.

Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã tập trung cho ý kiến, thể hiện quan điểm, chính kiến về những nội dung lớn, quan trọng của Hiến pháp được thể hiện trong các chương, điều cụ thể của Dự thảo sơ bộ Hiến pháp (sửa đổi); trong đó tập trung vào các nội dung về chủ quyền nhân dân; chế độ chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; bảo vệ tổ quốc; xây dựng và hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước...

Trên cơ sở các ý kiến phát biểu tại phiên họp, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã chỉ đạo Ban biên tập tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo; thể hiện vào văn bản những vấn đề đã được Ủy ban thống nhất cao.

Dự thảo sơ bộ Hiến pháp (sửa đổi) sẽ tiếp tục được chỉnh lý, hoàn thiện để trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 10/2012.

Quang Vũ

Đọc thêm