Sáng nay (18/10), mưa lớn khiến hàng nghìn m3 đất đá sạt lở tràn xuống mặt đường tại Km 392 +100 trên tuyến đường Hồ Chí Minh qua thôn Mu Rú Ta Rá xã Hương Nguyên, huyện A Lưới (cách Đồn Biên phòng Hương Nguyên 700m về phía Quảng Nam), gây ách tắc giao thông.
Công an huyện A Lưới đã chỉ đạo Đội CSGT và Công an xã Hương Nguyên chốt chặn, đặt cảnh báo, đồng thời liên hệ Công an huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) thông báo người dân tạm thời không lưu thông tuyến đường Hồ Chí Minh từ Quảng Nam ra.
Hiện Văn phòng Quản lý đường bộ II.5 (Bộ GTVT) đã chỉ đạo hạt quản lý đường bộ và các lực lượng liên quan tiến hành điều phương tiện, nhân lực khẩn trương khắc phục sạt lở trong sáng cùng ngày. Đồng thời, yêu cầu Công ty CP Quản lý và xây dựng Đường bộ Thừa Thiên Huế bố trí lực lượng khắc phục, phân luồng tại km346+700 điều tiết, đảm bảo an toàn giao thông.
Lực lượng chức năng kiểm tra vị trí sạt lở. |
Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, sáng cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có Công điện về việc chủ động phòng, ngừa, ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh. Công điện yêu cầu: Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế triển khai ứng phó với áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, phân công lãnh đạo xuống các địa bàn trọng điểm để trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác ứng phó tại cơ sở.
Các địa phương kiên quyết tổ chức sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm, nhất là khu vực ven biển, cửa sông, ven phá, trên lồng bè, chòi canh nuôi thủy sản, khu dân cư có nguy cơ bị ảnh hưởng của gió mạnh, sóng lớn, khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt (chú ý ưu tiên sơ tán trước các đối tượng dễ bị tổn thương, phụ nữ mang thai, người già yếu…); Triển khai phương án ứng phó mưa lũ tại cấp xã theo phương châm 4 tại chỗ "Chỉ huy tại chỗ; Lực lượng tại chỗ; Phương tiện, vật tư tại chỗ; Hậu cần tại chỗ".
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế đồng thời chỉ đạo, kiểm tra các chủ đầu tư xây dựng công trình bảo đảm an toàn trong thiên tai, khắc phục tình trạng ngập úng đô thị khi mưa lớn; Chỉ đạo lực lượng cảnh giới tại các điểm có nguy cơ xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở, ngập lụt; cảnh giới, hướng dẫn phương tiện giao thông tại các ngầm, tràn khi xảy ra lũ lụt; quản lý chặt chẽ các ghe, thuyền bãi ngang ven biển, đầm phá và trên các sông; nghiêm cấm người dân đi vào rừng khi có mưa lũ…
Nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh ngập do mưa lớn |
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu Sở GD&ĐT, Đại học Huế rà soát, cập nhật phương án phòng, chống thiên tai ngành giáo dục và đào tạo; chỉ đạo các trường và các cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế mưa lũ tại địa phương để cho học sinh nghỉ học đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên và giáo viên khi có thiên tai xảy ra...
Để đảm bảo an toàn đập và hạ du, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành các lệnh điều chỉnh vận hành các hồ chứa thủy điện Hương Điền, Bình Điền và Tả Trạch. Cụ thể: Tại hồ chứa thủy điện Hương Điền, thực hiện điều chỉnh tăng lưu lượng qua tràn và tua bin với lưu lượng tăng dần, tránh đột biến để duy trì lưu lượng khoảng từ 1.100-2.000 m3/s từ 6h; Tại hồ chứa thủy điện Bình Điền, thực hiện tăng lưu lượng vận hành điều tiết qua tràn và tuabin với lưu lượng tăng dần, tránh đột biến khoảng từ 250 - 600m3/s từ 8h; Tại hồ chứa Tả Trạch, điều chỉnh tăng lưu lượng vận hành điều tiết qua tràn và tuabin với lưu lượng tăng dần, tránh đột biến khoảng từ 400 - 900m3/s; thời bắt đầu từ 10h sáng nay.