Lời kêu gọi của Bác là lời “hịch” của núi sông, non nước về ý chí quật cường của dân tộc ta “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Theo lời kêu gọi của Bác, Bộ Tư pháp cùng nhiều cơ quan khác của Trung ương và Chính phủ đã rời Thủ đô Hà Nội lên Việt Bắc để tiến hành cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Trong những tháng năm kháng chiến gian khổ ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn ân cần sẻ chia, động viên và quan tâm đến những vất vả, khó khăn của cán bộ ngành Tư pháp.
Tháng 2 năm 1948, Hội nghị Tư pháp toàn quốc lần thứ tư được tổ chức. Do hoàn cảnh đất nước đang kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh không thể đến dự nhưng Người vẫn hết sức quan tâm, gửi Thư động viên, thúc giục toàn ngành Tư pháp phải tiếp tục có những đóng góp to lớn trước yêu cầu mới của cuộc kháng chiến.
Trước ân tình và sự quan tâm vô bờ của Bác, ngày 27 tháng 2 năm 1948, Hội nghị Tư pháp toàn quốc đã thông qua một bức Điện văn gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh với nội dung “kính chúc Hồ Chủ tịch và các nhân viên trong Chính phủ được mạnh khỏe để có sức lực bền bỉ mà điều khiển cuộc toàn dân kháng chiến cho chóng đến thắng lợi cuối cùng”. Hội nghị cũng “trân trọng cảm tạ Hồ Chủ tịch đã gửi thư ân cần khuyến khích và đặc biệt lưu ý đến nhiệm vụ của giới Tư pháp trong giai đoạn khó khăn này của lịch sử nước nhà”. Đặc biệt, bức Điện văn đã thể hiện “ý nguyện”, “lời thề” của cán bộ toàn ngành Tư pháp trước những nhiệm vụ to lớn của cuộc kháng chiến, trước vận mệnh của quốc gia, dân tộc:
“Nguyện:
1) Triệt để ủng hộ Chính phủ Kháng chiến Hồ Chí Minh;
2) Đả đảo mọi chính quyền bù nhìn;
3) Tuyệt đối trung thành với chính thể dân chủ cộng hòa;
4) Đem hết tâm lực phụng sự Tổ quốc và chức vụ để cho pháp luật được tôn trọng và để giành lấy độc lập và thống nhất cho nước nhà”.
Thực hiện lời thề “Đem hết tâm lực phụng sự Tổ quốc” ấy, ngay trong năm 1948, ngành Tư pháp đã khẩn trương xây dựng một nền “tư pháp kháng chiến”, cán bộ tư pháp đã “xông pha nguy hiểm, chịu đựng cực khổ, có khi phải hy sinh tính mệnh” để “mở mặt trận tư pháp, đánh giặc bằng khí giới tư pháp” và hòa mình vào cuộc kháng chiến gian khổ của cả dân tộc.
Năm 1950, trước yêu cầu mới của cuộc kháng chiến, ngành Tư pháp đã thực hiện cuộc cải cách tư pháp lần thứ nhất để xây dựng nền “tư pháp nhân dân”, một nền tư pháp phản ánh đầy đủ, toàn diện và sâu sắc những giá trị nhân văn của chế độ mới, thể hiện đường lối, chính sách an dân, thân dân, quy tụ, nuôi dưỡng, đoàn kết và tập trung mọi nguồn lực cho cuộc kháng chiến đang ở giai đoạn tổng phản công giành độc lập cho đất nước.
Từ năm 1986, trước yêu cầu của sự nghiệp Đổi mới, ngành Tư pháp đã tích cực đổi mới tư duy pháp lý, tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật, góp phần đặt nền móng pháp lý vững chắc cho công cuộc đổi mới thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khẳng định pháp luật là một “phương tiện hùng mạnh” để nhân dân thực hiện quyền làm chủ, đấu tranh chống tiêu cực và bảo vệ nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, từ đó góp phần tạo động lực mạnh mẽ cho quá trình xây dựng và phát triển toàn diện đất nước.
Tự hào về truyền thống 70 năm xây dựng và trưởng thành, tiếp tục phát huy bản lĩnh cách mạng của các thế hệ cán bộ tư pháp đi trước, những cán bộ tư pháp hôm nay luôn thấm thía và tâm nguyện sắt son thực hiện lời thề của cả Ngành trước Bác trong thời khắc gian nan nhất của đất nước “Đem hết tâm lực phụng sự Tổ quốc”, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, cải cách hành chính, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.