Với hàng loạt các giải pháp mang tính cấp bách, khẩn trương mà Việt Nam đang triển khai nhằm cải thiện quản lý nghề cá theo hướng có trách nhiệm hy vọng chúng ta sớm thoát ra khỏi tình trạng “thẻ vàng” mà Ủy ban Châu Âu (EC) đang áp dụng.
Cuộc đàm phán quan trọng tại Bỉ
Thông tin từ Bộ NN&PTNT cho hay, cơ quan này vừa phát văn bản mời Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) tham gia đoàn đàm phán giải quyết vấn đề “thẻ vàng” mà EC đang áp dụng đối với Việt nam.
Được biết, cuối tháng 3/2018, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường dự kiến sẽ có buổi làm việc rất quan trọng với tổng các vấn đề về thủy sản của EC tại Bỉ. Đây là hoạt động mang tính ngoại giao ở cấp cao để khẳng định nỗ lực của Việt Nam đối với EC về vấn đề chống khai thác hải sản bất hợp pháp mà Việt Nam đang bị cảnh báo thẻ vàng.
Trong đoàn đàm phán của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường sắp tới ở Bỉ, Tổng cục Thủy sản (TCTS) đã gửi văn bản tới VASEP đề nghị tham gia làm thành viên chính thức của đoàn.
Đại diện TCTS cho hay, trong thời gian vừa qua cơ quan này đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức xã hội nghề nghiệp như VASEP, Hội nghề cá… để làm sao truyền thông được vấn đề IUU đến cộng đồng ngư dân. Với VASEP, bà Dung nói, ngoài phối hợp về vấn đề sách trắng thì tất cả các cuộc đàm phán quan trọng TCTS đều mời VASEP tham gia cùng. Và các kiến nghị của VASEP như phối hợp cùng để tổ chức hội nghị liên quan đến vấn đề thẻ vàng thì TCTS đều đồng ý tham gia tích cực.
“TCTS xác định việc phối hợp với các tổ chức xã hội nghề nghiệp sẽ làm tăng sức mạnh trong việc phòng chống IUU. Bởi để giải quyết nó mỗi Bộ NN&PTNT sẽ không làm được mà cần sức mạnh tổng hợp từ các bộ, ngành, từ Trung ương tới các địa phương, và từ cộng đồng ngư dân cho đến các tổ chức xã hội nghề nghiệp”, đại diện TCTS nhấn mạnh.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Liên quan đến những giải pháp mà Bộ NN&PTNT đã và đang triển khai để xóa “thẻ vàng” mà EC áp dụng đối với hoạt động khai thác thủy sản của Việt Nam, bà Nguyễn Thị Phương Dung, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Thủy sản cho biết: Với nhóm giải pháp hoàn thiện thể chế, Luật Thủy sản (sửa đổi) vừa được ban hành đã tiếp thu tối đa các khuyến nghị của EC về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
Cùng với thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành Nông nghiệp cũng đã ban hành hàng loạt văn bản đề nghị các bộ, ngành liên quan phối hợp với các địa phương ven biển về việc xử lý tàu cá đánh bắt cá trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Theo bà Dung, Bộ NN&PTNT cũng đã chỉ đạo lực lượng kiểm ngư tăng cường công tác tuần tra, giám sát chống khai thác IUU và chỉ đạo Tổng cục Thủy sản công bố danh sách tàu cá khai thác bất hợp pháp trên trang website Tổng cục Thủy sản. Từ đó nâng cao trách nhiệm quản lý của các địa phương có tàu cá vi phạm khai thác IUU.
“Bộ NN&PTNT chỉ đạo lực lượng Kiểm ngư tăng cường tuần tra, giám sát ở các vùng biển. Ngoài ra, cập nhật và công bố hàng tháng danh sách những tàu cá đánh bắt bất hợp pháp trên trang thông tin điện tử của TCTS qua đó nâng cao trách nhiệm của các địa phương về quản lý tàu cá vi phạm. Ngoài ra, một trong những giải pháp đang được thực hiện quyết liệt là tăng cường hợp tác với các quốc gia – vùng biển mà các tàu cá hay vi phạm” - bà Dung khẳng định.
Tìm hiểu của Báo PLVN được biết, theo Luật Thủy sản năm 2017, quy định tàu cá có chiều dài toàn bộ trên 15m bắt buộc phải lắp thiết bị giám sát hành trình. Để tăng cường hiệu quả quản lý tàu cá khai thác trên biển, Bộ NN&PTNT đã quyết định nâng cấp Hệ thống VX 1700 và chuyển đổi thiết bị Movimar.
Đại diện Tổng cục Thủy sản cho biết: nhằm đảm bảo thông tin giám sát theo yêu cầu của EC, Bộ NN&PTNT cũng cho nâng cấp trạm bờ tại Tổng cục Thủy sản, 29 trạm bờ tại 28 tỉnh, thành phố ven biển (đã lắp đặt); lắp mới bổ sung 21 trạm bờ tại các tỉnh ven biển có số lượng tàu lớn; nâng cấp 10.000 thiết bị trên tàu cá lắp thiết bị VX 1700, máy thông tin liên lạc sau khi nâng cấp chức năng giám sát hành trình cần đảm bảo tự động báo vị trí hàng ngày (2 giờ/vị trí) về trạm bờ; lưu trữ thông tin thời gian tắt – mở máy để kiểm tra chéo khi cần; lưu được vết hành trình của tàu để có thể truy xuất kiểm tra chéo khi cần.
Theo bà Dung, để chỉ đạo có hiệu quả, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã kiện toàn Tổ công tác kỹ thuật khắc phục cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu về khai thác IUU; gồm có các đơn vị liên quan thuộc Bộ (Tổng cục Thủy sản, Vụ Hợp tác quốc tế, Cục Thú y, Cục Quản lý chất lượng nông lâm, thủy sản); Hội Nghề cá và Hiệp hội VASEP. Hiện, Bộ đang xem xét báo cáo thủ tướng Chính phủ kiện toàn Tổ công tác về chống khai thác IUU ở cấp Chính phủ.