Sau 10 năm gia nhập WTO: Kinh tế Việt Nam thay đổi ra sao?

(PLO) - Sau một thập kỷ tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới với những con số ấn tượng cũng như những hạn chế cần khắc phục.
Kinh tế Việt Nam phát triển vượt bậc sau khi hội nhập kinh tế quốc tế, nhưng vẫn còn đó nhiều nỗi lo
Kinh tế Việt Nam phát triển vượt bậc sau khi hội nhập kinh tế quốc tế, nhưng vẫn còn đó nhiều nỗi lo

Kết quả ấn tượng

Sau 10 năm, Việt Nam đã đàm phán, ký kết 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương với 58 đối tác là thành viên của WTO. Theo Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, dưới tác động của quá trình thực thi cam kết WTO cũng như các FTA mới, thể chế kinh tế Việt Nam ngày càng hoàn thiện; môi trường kinh doanh cạnh tranh hơn, được quốc tế công nhận. Việt Nam tăng 9 bậc trong năm 2016 và tăng 14 bậc trong năm 2017 (lên thứ 68/190) theo xếp hạng môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới. 

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, giai đoạn 2007-2017, tốc độ tăng xuất khẩu bình quân ước đạt 16,6%/năm. Theo đánh giá của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, cùng với xu hướng mở rộng thương mại hàng hóa, nền kinh tế Việt Nam cũng đạt độ mở ngày càng lớn. 

Việc tham gia WTO và thực hiện hàng loạt FTA với các đối tác cũng khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài vào nước ta tăng mạnh kể từ năm 2007. Giai đoạn từ đầu năm 2007 đến tháng 11/2017 có hơn 18.000 dự án được cấp phép mới, tương đương 2,2 lần số dự án trong cả giai đoạn 1988-2006. Tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm từ năm 2007 đến nay đạt 296,4 tỷ USD, bằng 3,8 lần so với giai đoạn trước WTO. 

Tính đến tháng 11/2017, có 126 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Những đối tác đầu tư quan trọng hàng đầu đều từ những đối tác thương mại chủ chốt trong các FTA, trong đó có Hàn Quốc (chiếm 18,1% tổng vốn đầu tư), Nhật Bản (15,5%), và Singapore (13,2%).

Theo đánh giá của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, dù mức tăng trưởng kinh tế trung bình chỉ đạt 6,04%/năm trong giai đoạn 2007-2017 (thấp hơn so với 7,51%/năm trong 2000-2006), song chất lượng và đà phục hồi tăng trưởng kinh tế vững chắc hơn. Dự báo mức tăng trưởng kinh tế năm 2017 đạt 6,7% là một bước phục hồi ấn tượng trong nhiều năm qua. “Chúng ta đã gia nhập nhóm các nền kinh tế có mức thu nhập trung bình ngay từ năm 2008, và có mức GDP bình quân đầu người khoảng 2.215 USD vào năm 2016 – cao hơn 2,8 lần so với năm 2006”, ông Trần Tuấn Anh cho biết.

Vẫn nhiều lo lắng

Dù đạt được những thành quả ấn tượng sau 10 năm tham gia WTO nhưng lãnh đạo Bộ Công Thương thừa nhận, những điểm yếu cố hữu của nền kinh tế như mất cân đối đầu tư, thâm hụt thương mại, khả năng cạnh tranh chậm cải thiện đã bộc lộ rõ nét dưới tác động của hội nhập kinh tế quốc tế.

Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, hiện có một bộ phận DN Việt Nam không có chiến lược phát triển dài hạn nên không chú ý xây dựng thương hiệu uy tín mà có thiên hướng “lách luật”, gây hại đến môi trường kinh doanh và làm mất uy tín với đối tác, nhất là đối tác nước ngoài.

Việc hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới đi đôi với việc Việt Nam thu hút được nhiều vốn FDI. Tuy nhiên, theo TS Cung: “Không có đầu tư nước ngoài thì rất tệ nhưng có như hiện nay thì vẫn đang có vấn đề”. Ông lấy ví dụ, Samsung đầu tư lớn ở Việt Nam, nhưng các đối tác phụ trợ chủ yếu vẫn từ các DN Nhật Bản, Hàn Quốc do DN Việt Nam không đáp ứng được các điều kiện của họ.

Ông Cung phân tích thêm, chúng ta muốn lấy từ các lợi thế thương mại thì DN cần chủ động đáp ứng được các điều kiện. Muốn đáp ứng đủ các điều kiện thì phải đầu tư không nhỏ, có thể phải thay đổi quy trình sản xuất, quy trình quản trị. “Điều này rất khó đối với nhiều DN Việt vốn mang tính bảo thủ, khép kín, manh mún”, ông Cung nói. Trong khi đó, ông cho rằng, các DN FDI lại rất biết tận dụng các lợi thế từ các FTA.

Đồng quan điểm này, Tiến sỹ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbrigh tại TP HCM cho biết, ngoại lực là quan trọng nhưng nội lực mới là then chốt. Do đó, DN Việt Nam cần thay đổi, tự lực để phát triển, trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ phát triển như ngày nay, nhất là ở một số nước phát triển. Ông Tự Anh cũng cho rằng, Nhà nước nên có những chính sách bảo vệ DN và thị trường trong nước: “Chúng ta cứ lo đi xuất khẩu nhưng lại không quan tâm đúng mức và “nhường” thị trường trong nước cho DN ngoại là điều đáng tiếc”. 

Đọc thêm