Quá trình xét xử, HĐXX và VKS đã thẩm vấn, xét hỏi bị cáo Phạm Văn Lượng (SN 1992, chủ tàu), người làm chứng Đỗ Văn Chiến (SN 1984, cùng ngụ xã Liên Vị, Quảng Yên, Quảng Ninh); các Điều tra viên, Giám định viên và đại diện gia đình bị hại.
Các luật sư bảo vệ cho phía gia đình bị hại chưa tranh tụng gì, mới đưa ra quan điểm: Tòa xử án mà không đưa ra các vật chứng trong vụ án như các hung khí con dao, cây lái thuyền (thanh gỗ dài 1,93m, bản rộng nhất 06cm), tấm bìa carton… Chưa kể việc con tàu của nạn nhân bị đánh đắm ngoài biển khơi nghi vấn nhằm phi tang, xóa dấu vết hiện trường. Con tàu này chưa được trục vớt lên để xem các vết bị đâm thủng vào mạn cabin và các vết máu ở sàn tàu mà hồ sơ vụ án đã thể hiện.
Sau quá trình xét hỏi và từ các nghi vấn đó, TAND tỉnh Quảng Ninh đánh giá xử theo tội danh “Cố ý gây thương tích” là không đúng người đúng tội, không đúng với bản chất vụ án. Tòa đã dừng ngay việc xét xử và quyết định trả hồ sơ để điều tra, xem xét lại về tội “ Giết người”.
Trước đó, PLVN số 270 ngày 26/9/2020 có bài “Vụ mất mạng trên biển Quảng Ninh: Tội giết người “hô biến” thành “cố ý gây thương tích”.
Theo Cáo trạng và Kết luận điều tra, sáng 7/1/2020, tàu đánh bắt hải sản của anh Đỗ Văn Chiến (SN 1984) và tàu của anh Đỗ Văn Dũng (SN 1985, cùng HKTT xã Liên Vị) neo đậu sát nhau tại khu vực biển Vũng Sậy thuộc xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn.
Khoảng 10h cùng ngày, Chiến, Dũng và Phạm Văn Lượng (SN 1992, người làm thuê cho Chiến) cùng ăn cơm uống rượu trên tàu Chiến. Ăn xong, hai chủ tàu uống nước trà, Lượng đi rửa bát. Thấy điện thoại di động của Chiến, Dũng bảo Chiến bán lại 300 nghìn đồng. Chiến tháo sim đưa điện thoại. Dũng không nói năng gì mà ném xuống biển.
Chủ tàu Đỗ Văn Chiến, “nhân chứng” trong vụ án. |
Chiến yêu cầu phải đền. Lượng cũng nói Dũng phải mua đền trả Chiến. Dũng không chấp nhận và có lời lẽ thách thức cãi chửi nhau. Dũng chạy về cuối tàu Chiến lấy hai con dao vung lên chém nhưng Lượng tránh được, nhảy lên cabin cầm một chiếc ấm pha trà bằng sứ ném trúng, gây chảy máu trên ngực Dũng. Dũng quay về tàu mình, thấy Lượng đuổi theo liền dùng một con dao ném Lượng nhưng không trúng.
Theo hồ sơ, Lượng đứng bên tàu Chiến cầm “cây lái thuyền” (tức là thanh gỗ) chọc về phía Dũng. Dũng lấy 3 con dao khác chạy ra ném 1 con dao về phía Lượng không trúng. Dũng đến gần đuôi tàu điều khiển tàu bỏ chạy thì Lượng chọc đầu thanh gỗ trúng ngực. Rồi Dũng trượt chân ngã xuống biển. Lượng lấy một chén uống nước ném trúng trán Dũng. Chiến ôm Lượng kéo vào cabin, quay ra thì không thấy Dũng đâu nữa…
Người thân của bị hại cho rằng những lời khai của Chiến và Lượng có nhiều điểm vô lý. “Khó mà xảy ra chuyện người được mời cơm rượu lại xem, hỏi mua điện thoại rồi ném điện thoại xuống biển, gây gổ chửi bới, cà khịa, xô xát ẩu đả dẫn đến trượt chân tự ngã xuống biển”, một người thân anh Dũng cho biết.
Những lời khai của Lượng và Chiến còn mâu thuẫn với những dấu vết trên thi thể bị hại, ở chỗ cả hai khai rằng cuộc ẩu đả diễn ra ngay sau buổi ăn nhậu, nhưng Biên bản khám nghiệm tử thi cho thấy: “Dạ dày không hề có thức ăn và nước”.
Lời khai của Lượng và Chiến còn mâu thuẫn với thực tế nơi tìm thấy xác của nạn nhân cách hiện trường vụ án rất xa. “Phải chăng các đối tượng đã giấu xác, khiến gia đình phải thuê thợ lặn, nhiều người lên đảo, xuống biển tìm kiếm thi thể suốt 8 ngày trời”, người thân bị hại đặt vấn đề.
Con tàu nơi xảy ra vụ án bị đánh đắm và Công an Quảng Ninh… mượn con tàu khác để thực nghiệm hiện trường. |
Theo Kết luận điều tra và Cáo trạng, hiện trường xác định được cả hai tàu đều có dấu vết máu của nạn nhân. Những dấu vết này cho thấy đây là hiện trường của một cuộc ẩu đả vật lộn, truy sát giữa hai bên mà Lượng và Chiến cùng một phe dẫn đến cái chết của nạn nhân, chứ không như những lời khai?
Thế nhưng con tàu của anh Dũng sau khi CQĐT dùng làm nơi khám nghiệm tử thi đã bị đánh chìm, đồng nghĩa với việc vật chứng, hiện trường của vụ án cũng không còn nữa. Sau này, khi dựng lại hiện trường, CQĐT Công an Quảng Ninh lại mượn con tàu khác.
Ông Đỗ Văn Nhẹ (SN 1953, chú nạn nhân) và chị Đỗ Thị Dịu (SN 1976, chị gái nạn nhân) cho rằng: “Công an Quảng Ninh khi điều tra không lập biên bản bàn giao vật chứng, xử lý vật chứng, bắt gia đình phải trông coi con tàu này giữa biển cả mênh mông, hoang vắng. Và tàu bị đánh đắm lúc nào không biết. Phải chăng tàu có các vết máu trên sàn, thành cabin bị vật sắc nhọn đâm nên mới bị phi tang?”.
Trong vụ án này, hồ sơ cho thấy diễn biến sự việc phần lớn dựa vào lời khai của bị cáo và Đỗ Văn Chiến.