Một vụ lừa đảo đầu tư tiền mã hóa quy mô toàn cầu vừa bị cảnh sát quốc gia Tây Ban Nha phanh phui, gây rúng động cộng đồng công nghệ và tài chính. Nhóm tội phạm đã sử dụng công nghệ AI để tạo ra các video deepfake với sự “góp mặt” của các nhân vật nổi tiếng, từ đó khiến hàng trăm nạn nhân trên khắp thế giới tin tưởng và rót tiền đầu tư vào các nền tảng giả mạo.
Chiến dịch mang tên “COINBLACK – WENDMINE” được khởi động từ hai năm trước sau khi một nạn nhân trình báo vụ việc. Đến nay, cảnh sát đã bắt giữ 6 đối tượng có độ tuổi từ 34 đến 57, tại các khu vực Granada và Alicante, thu giữ hơn 100.000 euro tiền mặt, nhiều điện thoại di động, máy tính, ổ cứng, vũ khí và tài liệu liên quan.
Chiêu trò của nhóm lừa đảo được tổ chức bài bản và diễn ra theo nhiều giai đoạn. Ban đầu, các nạn nhân được tiếp cận thông qua các quảng cáo sử dụng deepfake do AI tạo ra, trong đó các nhân vật nổi tiếng quốc gia xuất hiện và “khuyên” người xem nên đầu tư vào sản phẩm này. Việc lợi dụng danh tiếng của người nổi tiếng bằng công nghệ deepfake đã khiến nhiều người sập bẫy mà không chút nghi ngờ.
Theo thông báo từ cảnh sát Tây Ban Nha, các nạn nhân được chọn lọc bởi thuật toán, dựa trên hồ sơ cá nhân phù hợp với các tiêu chí lừa đảo – từ độ tuổi, thói quen tiêu dùng cho đến hoạt động trên mạng xã hội.
Sau khi tạo dựng được lòng tin, các đối tượng đóng vai chuyên gia tài chính hoặc thậm chí giả làm người tình qua mạng, lừa nạn nhân đầu tư vào các nền tảng giả mạo, hiển thị lợi nhuận ảo để tiếp tục rót thêm tiền.
Ở giai đoạn tiếp theo, nhóm lừa đảo thông báo rằng tài khoản đầu tư bị “đóng băng”, và nạn nhân chỉ có thể rút tiền nếu thanh toán một khoản phí lớn. Đỉnh điểm là khi chúng giả mạo làm nhân viên Europol hoặc luật sư từ Anh, thông báo rằng tài sản đã được thu hồi nhưng cần trả thêm “thuế địa phương” để nhận lại tiền.
Cảnh sát cho biết nhóm này sử dụng hơn 50 danh tính giả và lập ra nhiều công ty vỏ bọc để rửa tiền, khiến công tác điều tra kéo dài và phức tạp.
Cảnh sát quốc gia Tây Ban Nha nhấn mạnh: Bất kỳ lời hứa nào về lợi nhuận chắc chắn từ đầu tư đều là dấu hiệu đáng nghi ngờ. Người dân được khuyến cáo luôn kiểm tra tính hợp pháp và minh bạch của nền tảng đầu tư trước khi gửi bất kỳ khoản tiền nào.
Ngoài ra, những dấu hiệu như bị thúc ép đầu tư, không thể rút tiền, số dư bị “đóng băng” bất ngờ hoặc yêu cầu thanh toán phí bổ sung đều là những “cờ đỏ” cần cảnh giác.
Trong thời đại mà AI có thể dễ dàng tạo ra các video deepfake chân thật đến mức khó phân biệt thật – giả, người dùng không nên tin tưởng chỉ vì thấy gương mặt của người nổi tiếng “quảng bá” cho một nền tảng đầu tư.