Sau vụ khai thác trái phép đất hiếm tại Yên Bái: Bộ Công an đề nghị tăng cường công tác giám sát, thanh tra

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Như PLVN phản ánh, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an vừa ban hành Kết luận điều tra (KLĐT) đề nghị truy tố 27 bị can trong vụ án Cty CP Tập đoàn Thái Dương và các đơn vị liên quan. Trong đó, Bộ Công an kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường công tác quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với lĩnh vực cấp phép thăm dò, khai thác và chế biến tài nguyên.
Mỏ đất hiếm tại Yên Bái của Cty Thái Dương. (Ảnh: Hải Phong - Duy Đại)
Mỏ đất hiếm tại Yên Bái của Cty Thái Dương. (Ảnh: Hải Phong - Duy Đại)

Theo KLĐT, từ 2019 - 2023, Đoàn Văn Huấn (Chủ tịch HĐQT Cty Thái Dương) đã tổ chức khai thác trái phép quặng đất hiếm và quặng sắt tại mỏ đất hiếm Yên Phú (Yên Bái) với tổng giá trị hơn 864 tỷ đồng, thu lợi bất chính hơn 736 tỷ đồng.

Liên quan việc Đoàn Văn Huấn tổ chức khai thác trái phép quặng đất hiếm, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho Nhà nước; còn có hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước của một số cán bộ có thẩm quyền tại Bộ TN&MT, Sở TN&MT tỉnh Yên Bái.

Qua công tác điều tra vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an thấy có một số sơ hở, thiếu sót từ đó các đối tượng lợi dụng hoạt động phạm tội. Trong đó, có sự buông lỏng trong việc quản lý cấp phép thăm dò, khai thác và chế biến sâu đất hiếm; thiếu kiểm tra trong việc thẩm định hồ sơ đề nghị cấp phép thăm dò, khai thác tài nguyên của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đặc biệt là việc kiểm tra, giám sát quá trình khai thác và chế biến sâu đất hiếm.

Theo CQĐT, các đối tượng đã lợi dụng giấy phép thăm dò, khai thác tài nguyên để khai thác số lượng đặc biệt lớn và không báo cáo các cơ quan chức năng, tiêu thụ trái quy định nguồn tài nguyên khai thác được để hưởng lợi bất chính. Mặt khác, việc kiểm soát quá trình sử dụng nguyên liệu nhập khẩu dùng để sản xuất còn sơ hở, chủ yếu theo sự báo cáo của doanh nghiệp. Lợi dụng điều này, các đối tượng đã mua nguyên liệu đất hiếm không có hóa đơn, chứng từ được khai thác trái phép trong nước để sản xuất, chế biến thành “tổng ô xít đất hiếm” và khai báo với cơ quan hải quan khi thực hiện xuất khẩu là hàng hóa được sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu sản xuất để xuất khẩu, trái với các quy định của Nhà nước về xuất khẩu đất hiếm, với thuế suất 0%, qua đó xuất khẩu trái pháp luật đất hiếm với số lượng lớn.

Bên cạnh đó, đất hiếm là sản phẩm đặc thù, lực lượng cán bộ hải quan giám sát ít, làm việc thủ công, khối lượng công việc nhiều, không được kiểm tra thực tế hàng hóa đối với các tờ khai “luồng xanh, luồng vàng” hoặc nếu có kiểm tra thực tế thì cũng khó phân biệt được sản phẩm xuất khẩu có đúng với nội dung kê khai của doanh nghiệp hay không, sản phẩm đó được sản xuất từ nguồn nguyên liệu trong nước hay nguyên liệu nhập khẩu.

Theo CQĐT, tính khả thi của quy định về chế biến đất hiếm còn chưa cao. Theo quy định hiện hành, đất hiếm được chế biến thành “tổng ô xít đất hiếm” có hàm lượng từ 95% trở lên mới được xuất khẩu. Để chế biến, DN phải có tiềm lực kinh tế đủ mạnh, hợp tác với các nước phát triển để chuyển giao công nghệ đạt chuẩn.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc chuyển giao công nghệ chế biến đất hiếm với các nước phát triển là hết sức khó khăn. Công nghệ trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu. DN được cấp phép tự lắp đặt dây chuyền theo hình thức chắp vá, không đảm bảo chế biến được sản phẩm đạt chuẩn để xuất khẩu dẫn đến khai thác, bán trái phép đất hiếm gây thất thoát tài nguyên khoáng sản.

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, chế biến đất hiếm, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách và các quy định cụ thể, chặt chẽ để quản lý việc cấp phép thăm dò, khai thác và đặc biệt là việc sử dụng nguồn đất hiếm khai thác được để chế biến sâu đất hiếm.

Bên cạnh đó, cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường công tác quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với lĩnh vực cấp phép thăm dò, khai thác và chế biến tài nguyên. Bổ sung quy định về việc kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ sản lượng khai thác và quản lý chặt chẽ việc chấp hành các quy định theo giấy phép được cấp của DN trong quá trình triển khai thực hiện (cả trước, trong và sau khi khai thác). Cần có quy định cụ thể về việc kiểm tra, giám sát việc doanh nghiệp khai báo hàng hóa xuất khẩu có đúng quy định hay không.

Đọc thêm