Trên cả kỳ vọng
Có 3 nhà đầu tư (NĐT) đã đăng ký mua trọn lô CP với mức giá lần lượt là 21.300 đồng/CP; 22.300 đồng/CP và 28.900 đồng/CP. Kết quả, NĐT đặt mua trọn lô CP với giá cao nhất 28.900 đồng/CP đã đấu giá thành công, cao hơn 10.400 đồng/CP so với mức giá đóng cửa cổ phiếu VCG trong phiên 22/11 (18.500 đồng/CP). Tại mức giá này, NĐT đã phải bỏ ra 7.367 tỷ đồng, cao hơn gần 2.000 tỷ đồng so với giá khởi điểm SCIC công bố.
Có thể nói, phiên đấu giá CP SCIC lần này đã diễn ra hết sức thành công với mức giá vượt trội so với giá khởi điểm. Vào thời điểm này năm ngoái, SCIC từng chào bán 96,2 triệu CP Vinaconex, tương đương 22% vốn của Tổng Công ty này nhưng kết quả không được như mong muốn. Đợt đấu giá đó, SCIC chỉ bán được 5,3 triệu CP, tương đương 1,2% vốn điều lệ.
Liền ngay sau phiên đấu giá của SCIC, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) cũng đấu giá trọn lô 94 triệu CP tại Vinaconex tương đương 21,28% với mức giá khởi điểm là 21.300 đồng/CP. Lô CP đã được bán trọn với số tiền là hơn 2.002 đồng - chỉ nhỉnh hơn một chút so với mức tiền dự tính bán được theo giá khởi điểm.
Kinh nghiệm và thời điểm
Trao đổi với báo chí ngay sau buổi bán đấu giá thành công, ông Nguyễn Chí Thành – Tổng Giám đốc SCIC cho biết, SCIC rút kinh nghiệm cuộc đấu giá tháng 11/2017. Tại lần bán đấu giá đó, mức giá SCIC đưa ra là 25.600 đồng/CP nhưng tại lần này mức giá SCIC đưa ra chỉ là 21.300 đồng/CP, theo ông Thành mức giá đó là để thăm dò khả năng hấp thụ thị trường. “Mức giá này đặt ra trên cơ sở tính mức giá giao dịch bình quân VCG trong 30 ngày, có ý kiến của 2 tổ chức tư vấn và cơ quan quản lý…”- ông Thành cho hay
Tổng Giám đốc SCIC cũng cho biết, mục tiêu của SCIC là tối đa hóa giá trị đồng vốn nhà nước. “Rút kinh nghiệm lần trước bán nhỏ lẻ không thành, lần này SCIC quyết định bán cả lô và số CP đưa ra đủ nhiều để NĐT thấy mua hết được số CP này sẽ có đủ số CP lớn có tiếng nói quan trọng trong DN. Như thế số CP đem bán sẽ hấp dẫn thị trường hơn…” – ông Thành nói.
Cũng theo ông Nguyễn Chí Thành, thời điểm đem bán cũng là yếu tố quan trọng làm nên thành công. Cùng với đó là công tác chuẩn bị gồm road show, maketing, cung cấp thông tin đến NĐT nước ngoài và NĐT trong nước, thông tin đưa ra với thị trường đầy đủ, công khai đáp ứng kỳ vọng của NĐT.
“Không có công thức bán vốn chung cho các DN. SCIC linh hoạt và khôn khéo đưa ra phương thức bán, thời điểm bán, cách bán khác nhau tùy theo “thể trạng” từng DN” - Tổng Giám đốc SCIC bật mí. Theo đó, SCIC phân DN theo các loại A-B-C, để tối đa hóa giá trị vốn nhà nước tại DN, sau khi tiếp nhận DN, tùy theo từng DN, SCIC áp dụng các biện pháp hoặc là tái cơ cấu, hoặc là thay đổi quản trị DN, hoặc là thay đổi sản xuất kinh doanh, tổ chức trong DN… rồi bán vốn.