Sẽ chấm dứt tình trạng nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật!

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trước thực trạng nghệ sĩ quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe sai sự thật, Bộ Y tế đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tuyên truyền quy định của pháp luật về quảng cáo, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, đặc biệt các văn nghệ sĩ vi phạm.
Hoa hậu M.P.T và H.G trong một video quảng cáo thực phẩm chức năng với công dụng giảm cân. (Ảnh minh họa)
Hoa hậu M.P.T và H.G trong một video quảng cáo thực phẩm chức năng với công dụng giảm cân. (Ảnh minh họa)

“Treo đầu dê, bán thịt chó”

Tận dụng sự nổi tiếng của mình, những năm gần đây, không ít nghệ sĩ, “sao” Việt đã xuất hiện dày đặc trên Facebook, YouTube, Twitter, Instagram để quảng cáo các sản phẩm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng… mà không bị bất kỳ sự kiểm duyệt nào. Các sản phẩm đó cũng không được cơ quan chức năng kiểm chứng về chất lượng.

Những nghệ sĩ có tiếng như H.V, V.H, V.D, C.T, Q.K, Đ.T, Q.L, K.T.L… được nhiều doanh nghiệp “ưu ái” mời quảng cáo sản phẩm. Để tăng độ tin cậy, nhiều nghệ sĩ còn tương tác, sử dụng sản phẩm khi livestream. Điều đáng nói, không ít trường hợp nghệ sĩ đã thổi phồng công dụng dẫn đến vi phạm quy định của pháp luật.

Theo đó, tại kênh Youtube “Shioka - Dứt điểm U xơ - U nang” đăng tải video Diễn viên T.H chia sẻ về Shioka; diễn viên V.D cảm ơn Shioka đăng tải vào tháng 01/2021; kênh Youtube “Viên Sủi Tiêu U SHIOKA” đăng tải video nghệ sĩ H.V chia sẻ về viên sủi shioka đăng tải tháng 10/2020; tại fanpage Facebook "Shioka – đặc trị u nang, u xơ tử cung" có đăng tải một video với nội dung chia sẻ của nghệ sĩ H.V, kèm theo dòng chữ: “Sạch u xơ, u nang, u vú… công nghệ Nhật nhanh gấp 50 lần không mổ”. Nhiều khán giả yêu thích các nữ diễn viên này đã đi mua viên sủi và tá hỏa mình bị… lừa.

Về loại sản phẩm được quảng cáo này, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã có kết luận: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Shioka mà một số trang mạng và clip đang quảng cáo có nội dung vi phạm, nói không đúng công dụng của sản phẩm. Cục An toàn thực phẩm cảnh báo để người tiêu dùng không mua, không sử dụng sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Shioka với những công dụng quảng cáo không đúng sự thật và vi phạm trên các trang mạng nêu trên.

Hoa hậu M.P.T và H.G cũng quay video quảng cáo cho một thực phẩm chức năng với công dụng giảm cân. Trong video, M.P.T dành những lời có cánh cho sản phẩm như: “Chỉ sau 3 tuần, những vùng hay tích mỡ của T. như nọng cằm, bắp tay, bụng, sau đùi giảm rất rõ rệt. Hơn nữa khi sử dụng sản phẩm này, T. rất yên tâm vì các thành phần của nó đều là những chất rất tự nhiên”. Tuy nhiên, sản phẩm giảm cân trên đã bị cơ quan chức năng xử phạt và thu hồi giấy phép do quảng cáo sai sự thật. Bên cạnh đó, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cũng khuyến cáo người dân không mua, sử dụng sản phẩm vi phạm nêu trên, nên báo cáo với cơ quan chức năng gần nhất nếu phát hiện tổ chức, cá nhân có bán các sản phẩm này.

Nghệ sĩ T.D dựng lên câu chuyện “không có thật” là đi khám ở bệnh viện và được chẩn đoán bị viêm gan nặng. Sau đó ông này đã tìm thấy “Viên sủi hỗ trợ điều trị viêm gan, có tên là Glycofast, thành phần chính là cà gai leo”. Câu chuyện thu hút sự quan tâm của nhiều người vì cách điều trị bệnh viêm gan thật đơn giản, dễ mua và người quảng cáo uy tín. Nhưng sau đó, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đã chứng minh giấy xét nghiệm nghệ sĩ T.D sử dụng trong clip quảng cáo là giả và không có bệnh nhân nào tên N.T.D đến khám ở bệnh viện. Trước các bằng chứng không thể chối cãi, nghệ sĩ T.D đành thừa nhận mình quảng cáo không trung thực.

Xin lỗi suông là xong?

Mặc dù sai phạm đã rõ nhưng đến nay rất ít nghệ sĩ lên tiếng xin lỗi công chúng vì đã “lên sóng” “chém” sai sự thật. Một số người đã lên tiếng xin lỗi khán giả như: Q.L, N.T, H.V, M.P.T, P.M.C. Còn số khác thì xóa bài viết, điềm nhiên coi như không có chuyện gì xảy ra. Họ không quan tâm tới những khán giả, khách hàng là nạn nhân tin lời họ tiền mất, tật mang. Cái họ quan tâm có lẽ là thu về bao nhiêu tiền: vài chục triệu, vài trăm triệu đồng từ một “đơn” quảng cáo sai sự thật.

Quảng cáo là một trong những hoạt động ngoài chuyên môn của văn nghệ sĩ. Nhiều thương hiệu gắn liền với tên tuổi nghệ sĩ và tạo ra hiệu ứng đặc biệt. Tuy nhiên, từ khi có mạng xã hội, nhiều nghệ sĩ đã lạm dụng danh tiếng của mình, thậm chí quá coi trọng lợi ích mà bất chấp tất cả để quảng cáo những mặt hàng kém chất lượng, hàng gian, hàng giả. Hành động này đã tiếp tay cho thói làm ăn gian dối, cho tội ác, gây nhiễu loạn nền kinh tế và phá hoại trật tự xã hội. Việc nghệ sĩ dùng tên tuổi, sức hút truyền thông để quảng cáo cho sản phẩm là điều không sai nhưng việc quảng cáo sản phẩm kém chất lượng, không đúng với lời nói gây cho người tiêu dùng tiền mất, tật mang rất cần lên án.

Để chấn chỉnh hành vi trên, cuối tháng 3/2022, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã ký văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Công Thương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Công an; UBND các tỉnh/thành phố về việc tăng cường phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Trong đó, Bộ Y tế đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tuyên truyền quy định của pháp luật về quảng cáo, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, đặc biệt các văn nghệ sĩ tham gia quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tác dụng như thuốc chữa bệnh, thổi phồng công dụng, nêu các thông tin chưa được kiểm chứng, quảng cáo các thông tin chưa được cơ quan chuyên môn thẩm định gây ảnh hưởng tới sức khỏe và kinh tế cho người tiêu dùng.

Đọc thêm