Sẻ chia câu chuyện thoát nghèo

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -“Chương trình giảm nghèo của Việt Nam thực sự là cuộc cách mạng, đã được cả Nhà nước, người dân và cả quốc tế ghi nhận” - Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã nhấn mạnh tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 mới đây.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thăm và tặng quà hộ nghèo dân tộc Dao ở xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát, Lào Cai. Nguồn Bộ LĐTBXH
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thăm và tặng quà hộ nghèo dân tộc Dao ở xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát, Lào Cai. Nguồn Bộ LĐTBXH

Đưa công cuộc giảm nghèo lên một tầm cao mới

Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn. Đời sống kinh tế, trình độ nhận thức của một bộ phận dân cư còn hạn chế. Thế nên việc hộ nghèo chủ động xin thoát nghèo được coi là kỳ lạ. Thế nhưng, những năm gần đây, những lá đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo xuất hiện ở nhiều địa phương như Nậm Pồ, Điện Biên, Mường Lay, Mường Chà, Tủa Chùa... cho thấy ý thức của nhiều người nghèo đã được nâng lên vì xin thoát nghèo không hẳn vì cuộc sống khá hơn nhưng họ đã xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, để nỗ lực phấn đấu, tự mình vươn lên chiến thắng cái nghèo.

Câu chuyện xin thoát nghèo của gia đình chị Lò Thị Cợi, thôn Huổi Lực, thị trấn Tủa Chùa, huyện Tủa Chùa là một minh chứng. Năm 2018, khi bình xét hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chị Cợi được xét thuộc diện ranh giới giữa hộ nghèo và cận nghèo và sau đó chính quyền quyết định thuộc diện hộ nghèo. Song gia đình chị Cợi đã đề xuất thôi không thuộc diện hộ nghèo để nhường suất hộ nghèo cho gia đình khác, với mong muốn để con cháu noi gương, vươn lên phát triển kinh tế. Ngay sau khi xin thoát nghèo, gia đình chị đã mạnh dạn vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để phát triển mô hình chăn nuôi trâu vỗ béo, đào ao thả cá, chăn nuôi gia cầm. Đến nay gia đình chị luôn duy trì hơn 10 con trâu; 1ha ao cá và hơn 20 con lợn. Gia đình chị Cợi đã “chính danh” thoát nghèo bền vững.

Tại tỉnh Điện Biên, tính đến hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 30,5% (giảm 4.185 hộ so với năm 2021); trong đó tại các huyện nghèo giảm còn 44,6% (giảm 6,01% so với năm 2021). Nhiều người nghèo đã không còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, mà đã thay đổi nhận thức, tự lực vươn lên.

Câu chuyện giảm nghèo ở tỉnh Tây Ninh là việc phát huy hiệu quả đồng vốn tín dụng chính sách trong xóa đói, giảm nghèo. Anh Đặng Minh Dũng ở ấp Tân Tiến, xã Tân Phú, huyện Tân Châu, Tây Ninh mưu sinh với rất nhiều công việc nặng nhọc, vất vả nhưng đời sống kinh tế gia đình vẫn không khá lên được. Anh quyết định chuyển sang chăn nuôi dê, vừa không nặng nhọc, vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với công việc phụ hồ. Từ hai con dê ban đầu, với số tiền 40 triệu đồng Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay thông qua nguồn vốn giải quyết việc, anh Đặng Minh Dũng đầu tư mở rộng đàn dê. Đến nay, anh đã có tổng đàn gần 50 con dê, tổng giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng.

Anh Đặng Minh Dũng (trái) trong khu vực chuồng trại nuôi dê của gia đình. Nguồn Báo Tây Ninh.

Anh Đặng Minh Dũng (trái) trong khu vực chuồng trại nuôi dê của gia đình. Nguồn Báo Tây Ninh.

Tại Tây Ninh, hàng trăm nghìn hộ dân đã được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo hiệu quả. Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đi vào cuộc sống, giúp nhiều người nghèo và các đối tượng chính sách vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Chính sách giảm nghèo là một chính sách quan trọng, xuyên suốt trong việc phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước ta. Trong giai đoạn 2021 - 2025, Nghị quyết số 24/2021/QH15 của Quốc hội đã phê duyệt chủ trương đầu tư “Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025”. Có thể nói, với Nghị quyết số 24/2021/QH15, Quốc hội đã đưa công cuộc giảm nghèo lên một tầm mới, cao hơn, bao trùm hướng tới bền vững hạn chế tái nghèo, phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều mới nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống.

Sau đó, Quyết định số 90/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt thực hiện “Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025” với tổng nguồn vốn thực hiện chương trình giai đoạn 2021 - 2025 tối thiểu là 75.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương là 48.000 tỷ đồng; ngân sách địa phương là 12.690 tỷ đồng; huy động hợp pháp khác: 14.310 tỷ đồng. Quốc hội cũng đã đề ra nguyên tắc, giải pháp triển khai, thực hiện Chương trình là đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, trọng tâm là các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và trẻ em, phụ nữ thuộc hộ nghèo.

Chương trình giảm nghèo của Việt Nam thực sự là cuộc cách mạng

Mô hình nuôi trâu vỗ béo đã giúp gia đình chị Lò Thị Cợi, thôn Huổi Lực, thị trấn Tủa Chùa huyện Tủa Chùa thoát nghèo. (Ảnh: Báo Điện Biên)

Mô hình nuôi trâu vỗ béo đã giúp gia đình chị Lò Thị Cợi, thôn Huổi Lực, thị trấn Tủa Chùa huyện Tủa Chùa thoát nghèo. (Ảnh: Báo Điện Biên)

Tính đến năm 2023, nửa chặng đường giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2025 đã qua và qua 3 năm triển khai thực hiện có thể khẳng định công tác giảm nghèo là thực sự là một “điểm sáng”. Chủ trì Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 tại Lào Cai, từ hoạt động thực tế trên địa bàn Bát Xát, một huyện nghèo của tỉnh, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã so sánh thực tại với thời điểm 10 - 15 năm trước. Giai đoạn 2007 - 2008, khi ông Đào Ngọc Dung làm Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc, đi Lào Cai, đến Bát Xát nhìn cảnh tượng xơ xác, đến 80 - 90% dân số thuộc diện nghèo. Nay trở lại xã Phìn Ngan, một địa bàn rất khó khăn thì thu nhập trung bình của người dân đã đạt trên 20 triệu đồng/năm. “Chương trình giảm nghèo của Việt Nam thực sự là cuộc cách mạng, đã được cả nhà nước, người dân và cả quốc tế ghi nhận” - ông Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Báo cáo tại Hội nghị cho thấy trong 3 năm thực hiện phân bổ, giải ngân vốn thực hiện “Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025”, tổng nguồn vốn đã phân bổ 3 năm là 23.529,867 tỷ đồng, đến hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều là 4,03%, giảm 1,17%, đạt mục tiêu quy định. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số năm 2022 là 21,02%, giảm 4,89% so với năm 2021 là 25,91%. Tỷ lệ hộ nghèo trên 74 huyện nghèo là 38,62% (giảm 6,35%) đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao (4%). Có 1 xã thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo và phần đạt tiêu chí để được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Dự kiến cuối năm 2023, có thêm 9 xã thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo sẽ góp phần đạt tiêu chí để được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, tổng cộng 10/54 xã, đạt khoảng 18,5% so với mục tiêu 30% vào cuối năm 2025 theo chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã thực hiện đầu tư trên 1.684 công trình giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục,... tại 74 huyện nghèo, 54 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo góp phần phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa, tạo liên kết vùng phục vụ dân sinh.

Hỗ trợ trên 1.600 dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, với trên 14.496 hộ tham gia. Hỗ trợ hơn 1.000 dự án nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp cho khoảng 37.520 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo; khoảng 3.587 người được tập huấn, tư vấn quản lý tiêu thụ nông sản, thí điểm, nhân rộng các giải pháp sáng kiến phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị hiệu quả.

Hỗ trợ đào tạo nghề cho hơn 88.218 người nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo; hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho khoảng 146 cơ sở giáo dục nghề nghiệp; gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm, sinh kế bền vững, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân...

Cùng với đó, để giúp các hộ nghèo an cư, đã hỗ trợ sửa chữa nhà ở cho 12.877 hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo, trong đó xây mới là 9.598 căn, sửa chữa là 3.279 căn. Các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo sử dụng dịch vụ viễn thông, tiếp cận thông tin...

Tuy rằng, vẫn còn đó những khó khăn, thách thức trong công tác giảm nghèo như việc ban hành một số văn bản hướng dẫn cũng như việc phân bổ vốn thực hiện chương trình còn chậm; việc huy động nguồn lực xã hội hóa cho công tác giảm nghèo còn hạn chế; một số dự án triển khai còn chậm, manh mún, dàn trải; một bộ phận nhỏ người dân vẫn còn tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa có ý thức và hỗ trợ người khác vươn lên thoát nghèo bền vững... nhưng tin rằng Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền thực sự là cuộc cách mạng của toàn xã hội, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Bằng chứng là ở cơ sở đã xuất hiện nhiều cán bộ, người dân hết mình, lăn lộn với công việc, với công cuộc xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo...

Đọc thêm