Sẽ có nhiều đổi mới trong thi ĐH

Tại hội nghị trực tuyến sơ kết 1,5 năm thực hiện Chỉ thị số 296/CT-TTG của Thủ tướng, Bộ GD-ĐT khẳng định sẽ có nhiều đổi mới trong tuyển sinh và siết chặt quy chế  thi…

Tại hội nghị trực tuyến sơ kết 1,5 năm thực hiện Chỉ thị số 296/CT-TTG của Thủ tướng, Bộ GD-ĐT khẳng định sẽ có nhiều đổi mới trong tuyển sinh và siết chặt quy chế  thi…

Giảm chỉ tiêu

Kỳ tuyển sinh 2011, theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, một số trường không nghiêm túc thực hiện quy chế tuyển sinh dẫn đến sai sót khi coi thi; một số trường thông tin, quảng bá các biện pháp thu hút thí sinh trong xét tuyển thiếu lành mạnh, gây phản cảm và bức xúc dư luận...

Cá biệt, một số trường tự ý chuyển thí sinh không trúng tuyển NV1 xuống các hệ đào tạo khác của trường, không cấp kết quả thi để thí sinh tham gia xét tuyển vào các trường khác; vẫn gửi giấy báo trúng tuyển cho thí sinh không có nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào trường. Các sai phạm đã được xử lý kịp thời theo quy chế tuyển sinh và Nghị định xử phạt hành chính trong hoạt động GD&ĐT.

Thí sinh sẽ “ chê” các trường kém chất lượng.

Tới đây, Bộ sẽ tiếp tục giảm chỉ tiêu tuyển sinh không chính quy, giảm dần chỉ tiêu tuyển sinh cung cấp chuyên nghiệp trong các trường ĐH, CĐ; đồng thời tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng để từng bước nâng cao chất lượng đào tạo chính quy. Quản lý chặt chẽ quá trình đào tạo, đặc biệt tăng cường công tác quản lý giảng dạy, quản lý học tập, siết chặt quy chế thi, kiểm tra và đánh giá; xây dựng ngân hàng câu hỏi thi để tách khâu dạy và khâu thi.

Sẽ đình chỉ và giải thể một số trường

Triển khai Nghị quyết số 50 của Quốc hội khóa XII thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT đã tăng cường kiểm tra các điều kiện đảm bảo chất lượng theo cam kết trong đề án thành lập các trường.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Ga cho biết, trong năm 2011, Bộ đã kiểm tra một số trường, kết quả cho thấy việc thực hiện các điều kiện đảm bảo chất lượng chưa đúng với cam kết. Số lượng giáo viên cơ hữu quá mỏng, cơ sở vật chất tạm bợ, không đảm bảo các tiêu chí tối thiểu…

“Trên cơ sở kết quả kiểm tra, căn cứ Nghị quyết 50, Bộ sẽ xử lý kiên quyết đối với những trường không thực hiện đúng cam kết theo các mức như Thu hồi quyết định mở ngành không còn bảo đảm các điều kiện quy định; giảm chỉ tiêu tuyển sinh kể từ năm 2012; đình chỉ hoạt động đào tạo và trình cấp thẩm quyền xem xét đình chỉ hoạt động và giải thể trường” - Thứ trưởng Ga khẳng định.

Đối với đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ, bất cập lớn nhất hiện nay là chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo tiến sĩ với nghiên cứu khoa học; việc đánh giá luận án ở một số hội đồng vẫn còn tình trạng nể nang, chưa thực sự nghiêm túc và khách quan. Một số nghiên cứu sinh thiếu cố gắng, còn hiện tượng sao chép luận án... dẫn đến đơn thư tố giác, khiếu kiện.

Năm học này, Bộ GD&ĐT tổ chức rà soát các cơ sở đào tạo trình độ thạc sỹ theo các tiêu chí đã ban hành. Kết quả của việc rà soát làm căn cứu để xem xét xác định chỉ tiêu hoặc đình chỉ tuyển sinh đối với các cơ sở đào tạo trình độ thạc sỹ hoặc các chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sỹ nếu không đủ điều kiện tối thiểu theo quy định.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận
Các trường dân lập cần xem lại mình khi bị địa phương chê

Qua thanh tra, kiểm tra chất lượng, một số trường chỉ có 50 giáo viên với hàng chục ngành đào tạo, số lượng chưa bằng trường THPT.

Thậm chí, có bộ môn chỉ có 2 - 3 giáo viên cơ hữu. Có trường diện tích chỉ có 0,9m2/sinh viên. Các trường này nếu thực hiện 3 công khai đảm bảo chất lượng thì phụ huynh, học sinh chắc chắn sẽ không chọn.

Về vấn đề một số địa phương "chê" sinh viên dân lập, Bộ trưởng Luận cho rằng: “Chúng ta nói làm như vậy là không công bằng nhưng cũng cần xem lại chất lượng đào tạo của các trường ngoài công lập. Các trường ngoài công lập cần củng cố lại để nâng cao chất lượng”.

Uyên Na

Đọc thêm