Sẽ có thêm Tòa án và Viện kiểm sát nhân dân cấp cao

(PLO) - Thay vì chỉ có Tòa án nhân dân (TAND) tối cao, TAND cấp tỉnh, cấp huyện, Tòa án quân sự như hiện tại, từ tháng 06/2015, hệ thống TAND sẽ có thêm TAND cấp cao. Bộ máy của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) cũng tương tự.
Sẽ có thêm Tòa án và Viện kiểm sát nhân dân cấp cao
Tòa có quyền tự kiểm tra, bổ sung chứng cứ trong vụ án hình sự
Đây là nội dung mới của Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua vào cuối tháng 11/2014. Theo quy định mới, TAND cấp cao được quy định nhiệm vụ phúc thẩm vụ việc mà bản án, quyết định sơ thẩm của TAND cấp tỉnh thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị.
Ngoài ra, TAND cấp cao còn giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ bị kháng nghị theo quy định của luật tố tụng.
Cơ cấu tổ chức của TAND cấp cao gồm: Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao; Tòa hình sự, Tòa dân sự, Tòa hành chính, Tòa kinh tế, Tòa lao động, Tòa gia đình và người chưa thành niên, bộ máy giúp việc.
Tòa cũng sẽ có Chánh án, các Phó Chánh án, Chánh tòa, các Phó Chánh tòa, Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, công chức khác và người lao động tương tự như các cấp Tòa án khác.
Ngoài việc bổ sung thêm một cấp Tòa án cho hệ thống Tòa án, Luật còn bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của TAND. Cụ thể, khi thực hiện nhiệm vụ xét xử vụ án hình sự, Tòa có quyền tự kiểm tra, xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự khi xét thấy cần thiết, bên cạnh việc trả hồ sơ yêu cầu Viện Kiểm sát điều tra bổ sung hay yêu cầu Viện Kiểm sát bổ sung tài liệu, chứng cứ.
Về nhiệm kỳ làm việc của Thẩm phán, Luật cũng đã có quy định mới. Theo đó, nhiệm kỳ đầu của các Thẩm phán là 05 năm; trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc được bổ nhiệm vào ngạch Thẩm phán khác thì nhiệm kỳ tiếp theo là 10 năm.
Có thêm chức danh Kiểm tra viên
Bên cạnh Luật Tổ chức TAND sửa đổi thì Luật Tổ chức VKSND sửa đổi cũng có nhiều nội dung mới đáng chú ý.  
Theo quy định này, từ ngày 01/02/2015, hệ thống VKSND sẽ bao gồm VKSND tối cao; VKSND cấp cao; VKSND dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; VKSND quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương; Viện kiểm sát quân sự các cấp.
Bên cạnh chức danh Kiểm sát viên, Luật Tổ chức VKSND sửa đổi đã bổ sung thêm chức danh Kiểm tra viên (ảnh minh họa từ Internet)
 Bên cạnh chức danh Kiểm sát viên, Luật Tổ chức VKSND sửa đổi đã bổ sung thêm chức danh Kiểm tra viên (ảnh minh họa từ Internet)
Bộ máy của VKSND cấp cao bao gồm: Ủy ban kiểm sát; Văn phòng; các Viện và tương đương, có trách nhiệm thực hành quyền công tố, kiểm soát hoạt động tư pháp đối với các vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của mình.
Đáng chú ý, theo Luật mới, VKSND cũng sẽ có thêm chức danh Kiểm tra viên. Chức danh này giúp Kiểm sát viên thực hiện quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo sự phân công của Viện trưởng VKSND.
Kiểm tra viên có các ngạch Kiểm tra viên; Kiểm tra viên chính và Kiểm tra viên cao cấp. Tiêu chuẩn bổ nhiệm, điều kiện nâng ngạch Kiểm tra viên do Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định theo đề nghị của Viện trưởng VKSND tối cao.
Đồng thời, Luật cũng khẳng định các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành các quyết định, yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị của VKSND; có quyền kiến nghị, khiếu nại, tố cáo các hành vi, quyết định trái pháp luật của VKSND.
 Khi có căn cứ cho rằng hành vi, quyết định của VKSND không có căn cứ, trái pháp luật thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Tòa án và Cơ quan thi hành án có quyền kiến nghị, yêu cầu VKSND xem xét lại.
 Nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân cản trở, can thiệp vào hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của VKSND; lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khác của VKSND.
Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/06/2015.

Đọc thêm