"VKS thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp"

Một trong những điểm mới quan trọng của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này là đã quy định cụ thể 3 nhánh quyền lực: lập pháp (Quốc hội), hành pháp (Chính phủ) và tư pháp (Tòa án). Điều mà các đại biểu Quốc hội băn khoăn là Viện Kiểm sát nằm ở đâu trong 3 nhánh quyền lực này khi Dự thảo lại xếp TAND và VKSND vào cùng một Chương VIII?. Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình trao đổi về vấn đề này.

Quốc hội hôm nay thảo luận về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. So với các bản Hiến pháp trước, một trong những điểm mới quan trọng của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này là đã quy định cụ thể 3 nhánh quyền lực: lập pháp (Quốc hội), hành pháp (Chính phủ) và tư pháp (Tòa án).

Điều mà các đại biểu Quốc hội băn khoăn là Viện Kiểm sát nằm ở đâu trong 3 nhánh quyền lực này khi Dự thảo lại xếp TAND và VKSND vào cùng một Chương VIII. Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình trao đổi về vấn đề này.

Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình: (ảnh)
Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình

Thưa ông, hiện có tới 3 loại ý kiến khác nhau về chức năng, nhiệm vụ của Viện Kiểm sát nhân dân. Với tư cách là người đứng đầu ngành Kiểm sát, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Về chức năng nhiệm vụ của VKS thì cho đến giờ này Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã khẳng định là có 2 chức năng  chính là thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Đây cũng là chức năng  đã được ghi nhận trong bản hiến pháp trước. Khi tổng kết quá trình thực hiện nhiệm vụ của ngành Kiểm sát phục vụ sửa đổi Hiến pháp 1992, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cũng như Quốc hội đều đánh giá ngành Kiểm sát đã thực hiện tốt hai chức năng này. Cho nên, việc tiếp tục duy trì 2 chức năng này của Viện Kiểm sát là điều đã được khẳng định.

Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận, xuất phát từ thực tiễn của đất nước, cũng như tham khảo nhiều quốc gia khác nhau, ý kiến của các đại biểu Quốc hội đang nêu ra rất nhiều gợi mở. Ví dụ như trong lĩnh vực kiểm sát việc xử phạt vi phạm hành chính, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng đây là một khoảng trống. Các cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành chính trên thực tế không bị kiểm sát trong khi việc xử phạt vi phạm hành chính này ít nhiều  liên quan đến quyền hợp pháp của doanh nghiệp, của công dân.

Ví dụ như xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, môi trường.... do không có sự kiểm sát nên cũng dẫn đến một số các hệ lụy. Có khi cùng một hành vi nhưng việc xử phạt lại không đồng nhất, có nơi phạt, nơi không. Rồi dự kiến ban đầu có thể là phạt rất cao, nhưng sau đó lại phạt rất thấp, thậm chí có thể không phạt.  Hoặc ngược lại. Điều đó làm cho việc thực thi không được thực hiện một cách nghiêm túc.

Cũng có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung quy định Viện kiểm sát có chức năng kiểm sát việc tuân thủ pháp luật. Điều thứ 3 mà đại biểu Quốc hội cũng nói đến là điều tra về tham nhũng. Xuất phát từ hiệu quả chưa đáp ứng nhu cầu nên nhiều đại biểu cũng muốn có cơ quan điều tra độc lập về tham nhũng, có nhiều cơ quan điều tra về tham nhũng để trong những trường hợp cần  thiết thì giao cho các cơ quan khác nhau để đảm bảo hiệu quả cao hơn...

- Đây là lần đầu tiên Dự thảo sửa đổi Hiến pháp nêu rõ 3 quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp nhưng lại xếp Viện Kiểm sát vào cùng chương với Tòa án (Tư pháp) khiến nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn. Theo ông thì Viện Kiểm sát nằm ở nhánh quyền lực nào?

- Đây là một vấn đề vừa có ý nghĩa thực tế vừa có ý nghĩa học thuật, bản thân giới học thuật trên thế giới cũng còn có quan điểm khác nhau. Có người thì cho rằng đây là cơ quan có hoạt động tư pháp, cũng có người cho rằng đây là cơ quan hành pháp vì liên quan đến hoạt động điều tra truy tố tội phạm. Tuy nhiên, rất nhiều ý kiến của Hiệp hội công tố và kiểm sát thế giới và các nhà khoa học cho rằng đây là một cơ quan thực hiện quyền kiểm tra, giám sát bên cạnh quan điểm truyền thống về lập pháp, hành pháp, tư pháp... Tôi muốn nói đây là vấn đề đang còn nhiều ý kiến tranh luận.

- Trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, theo ông, Viện Kiểm sát nên nằm ở nhánh quyền lực nào?

- Đối với Việt Nam thì xưa nay Viện Kiểm sát vẫn là một cơ quan thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp.

- Xin trân trọng cảm ơn ông.

Điều 112 Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp 1992:

1. Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp.

2. Viện kiểm sát nhân dân gồm Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các Viện kiểm sát khác do luật định.

3. Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.

Hồng Thúy (thực hiện)

Đọc thêm