Mục tiêu Chương trình công tác của Ban Chỉ đạo là thúc đẩy công tác khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam, hoàn thành cơ bản các mục tiêu trong Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010 - 2025; Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục cơ bản hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020.
Cụ thể, sẽ tổ chức xử lý bom, mìn, phấn đấu xử lý được 50.000 ha đất/năm để giảm tỷ lệ ô nhiễm bom mìn trên toàn quốc xuống dưới 15%, nhất là các tỉnh bị ô nhiễm nặng; xử lý triệt để 35% khối lượng đất nhiễm dioxin ở khu vực sân bay Biên Hòa; tăng cường năng lực làm chủ thiết kế, chế tạo thiết bị, công nghệ rà phá, xử lý bom, mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh.
Đồng thời, tổ chức rà soát 100% số người tham gia kháng chiến và con cháu của họ có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học/dioxin để lập hồ sơ xác định nạn nhân được hưởng chính sách của Nhà nước; tăng cường công tác tuyên truyền, hợp tác quốc tế, vận động tài trợ để thu hút tối đa các nguồn nhân lực, trang thiết bị, công nghệ phục vụ cho công tác khắc phục hậu quả bom, mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam.
Về nhiệm vụ cụ thể, Ban chỉ đạo sẽ chỉ đạo triển khai các dự án thử nghiệm công nghệ xử lý chất độc hóa học/dioxin nhằm tìm kiếm công nghệ hiện đại, hiệu quả và phù hợp ở Việt Nam, tiến tới làm chủ công nghệ xử lý chất độc hóa học/dioxin, chất thải công nghiệp nguy hại đối với môi trường; xây dựng và thực hiện dự án xử lý môi trường bị ô nhiễm chất độc hóa học/dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa từ nguồn vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Hoa Kỳ và các nguồn vốn hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.
Hỗ trợ địa phương thực hiện dự án hỗ trợ nạn nhân bom mìn tái hòa nhập cộng đồng; tăng cường năng lực cho địa phương trong công tác trợ giúp nạn nhân bom mìn; củng cố, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất và quy mô trợ giúp và phục hồi chức năng cho nạn nhân bom mìn tại bệnh viện hoặc trung tâm chỉnh hình và phục hồi chức năng; xây dựng hệ thống và quản lý thông tin về nạn nhân bom mìn và người khuyết tật; phát triển và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, cung cấp dụng cụ trợ giúp cho nạn nhân bom mìn, nhất là tuyến huyện và tuyến xã; cải thiện cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị y tế cho tuyến huyện, xã đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, phục hồi chức năng cho nạn nhân./.