Sẽ đơn giản hàng loạt tiêu chuẩn hành nghề bổ trợ tư pháp

(PLO) - Thực hiện ý kiến tư vấn trong quá trình rà soát điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp đang tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc từng đề xuất cắt giảm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân hành nghề. Ngày 11/5, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo việc cắt giảm các điều kiện đầu tư, kinh doanh trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ.
Thứ trưởng Trần Tiến Dũng chủ trì cuộc họp
Thứ trưởng Trần Tiến Dũng chủ trì cuộc họp

Phân 3 nhóm điều kiện để cắt giảm

Theo rà soát của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp có 98 điều kiện kinh doanh thuộc 7 lĩnh vực bổ trợ tư pháp, gồm: hành nghề luật sư; hành nghề công chứng; hành nghề đấu giá tài sản; hành nghề quản tài viên; hoạt động dịch vụ của tổ chức trọng tài thương mại; hành nghề thừa phát lại; hành nghề giám định tư pháp. Tuy nhiên, Cục Bổ trợ tư pháp phản ánh, trong số này có 14 thủ tục hành chính, chứ không phải là điều kiện kinh doanh.

Trên cơ sở 84 điều kiện kinh doanh còn lại, Cục Bổ trợ tư pháp đã đề xuất cắt giảm nhiều điều kiện. Chẳng hạn, theo dự kiến, trong 8 điều kiện để có chứng chỉ hành nghề luật sư đề xuất bỏ 3 điều kiện là trung thành với Tổ quốc; có sức khỏe bảo đảm hành nghề luật sư; đồng thời giảm điều kiện “tuân thủ Hiến pháp và pháp luật” theo hướng quy định rõ ràng thành “chấp hành tốt Hiến pháp và pháp luật”, đi liền với việc cần sửa đổi Điều 10, Điều 17 và Điều 18 Luật Luật sư. Hay điều kiện thành lập văn phòng giám định tư pháp đề xuất giảm số năm đã qua thực tế công tác theo ngành học đối với giám định viên tư pháp trong lĩnh vực đề nghị thành lập từ 5 năm xuống còn 3 năm thì cần sửa Điều 16 Luật Giám định tư pháp…

Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Nguyễn Thị Mai báo cáo thêm, trong quá trình rà soát, đơn vị đã chia các điều kiện thành 3 nhóm gồm điều kiện, tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức; điều kiện, tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ; điều kiện, tiêu chuẩn về sức khỏe. Trong đó, điều kiện về sức khỏe là lĩnh vực cắt bỏ nhiều nhất; điều kiện về đạo đức thì đề xuất bỏ những điều kiện chung chung, không định lượng được, riêng điều kiện về chuyên môn là không thể cắt được như hành nghề luật sư đòi hỏi phải có bằng cử nhân luật.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng ghi nhận những nỗ lực của Cục Bổ trợ tư pháp. Bên cạnh đó, Thứ trưởng đề nghị Cục tiếp tục rà soát để xác định đâu thực sự là điều kiện kinh doanh, đâu là thủ tục hành chính trong các lĩnh vực bổ trợ tư pháp. Đối với các điều kiện kinh doanh, theo Thứ trưởng, chỉ nghiên cứu cắt bỏ những điều kiện không hợp lý, trường hợp không cắt được thì tính toán giảm ra sao.

Không có trụ sở làm việc, văn phòng luật sư có thể là văn phòng “ma”?

Đề xuất cắt giảm điều kiện kinh doanh thuộc 7 lĩnh vực bổ trợ tư pháp của Bộ Tư pháp đã thể hiện quyết tâm chung tay xây dựng Chính phủ kiến tạo, phục vụ. Tuy nhiên, ở góc độ các điều kiện hành nghề tư pháp, đã có ý kiến lo ngại nếu cứ chỉ “chăm chăm” cắt giảm các điều kiện sẽ không đảm bảo chất lượng, trong khi các nghề tư pháp liên quan mật thiết đến với quyền và nghĩa vụ của công dân, số phận pháp lý của một con người. 

Có chuyên gia pháp lý phân tích, kinh nghiệm các nước cho thấy các nghề tư pháp đều có những tiêu chuẩn, điều kiện chặt chẽ. Đơn cử như trong lĩnh vực hành nghề luật sư, giấy phép hành nghề luật sư của Việt Nam có giá trị lên tới 5 năm, còn ở nhiều nước thì giấy phép này chỉ có giá trị trong vòng 1 năm như giải pháp “siết” chất lượng hành nghề luật sư. Hơn nữa, ngay từ khi đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), những cam kết của Việt Nam đối với dịch vụ pháp lý không phải “mở cửa” hoàn toàn, do đó, nếu “mở cửa” như ý kiến tư vấn thì có nên không là bài toán rất cần cân nhắc.

Cũng qua quá trình rà soát, trong số 2 điều kiện thành lập tổ chức hành nghề luật sư gồm: “Có ít nhất 2 năm hành nghề liên tục làm việc theo hợp đồng lao động cho tổ chức hành nghề luật sư hoặc hành nghề với tư cách cá nhân theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức theo quy định của Luật Luật sư” và “Có trụ sở làm việc” thì đã có ý kiến tư vấn đề nghị bỏ điều kiện “Có trụ sở làm việc”. Trước đề xuất này, một số chuyên gia bày tỏ sự lo ngại sẽ phát sinh tình trạng văn phòng luật sư là văn phòng “ma”, khi có vấn đề xảy ra tìm đến văn phòng này sẽ không tồn tại, tương tự doanh nghiệp “ma” vốn gây bức xúc dư luận. Bởi thế, không nên đề xuất cắt mà chỉ giảm điều kiện này theo hướng sửa thành “có địa chỉ giao dịch”.

Đọc thêm