Liên quan đến vấn đề đồng tiền ảo Bitcoin được nhiều cử tri và đại biểu quan tâm đặt câu hỏi, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Lê Minh Hưng cho biết, hiện trên thế giới có một số nước cấm tuyệt đối các giao dịch Bitcoin, có một số nước không thừa nhận Bitcoin là phương tiện thanh toán - dù không cấm nhưng họ khuyến cáo những vấn đề của Bitcoin, rất ít nước như Nhật Bản cho phép Bitcoin là phương tiện thanh toán.
“Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp từ góc độ quản lý tiền tệ, cơ sở pháp lý để quản lý Bitcoin. Trong xu thế của thế giới chúng ta cần có khuôn khổ pháp lý phù hợp để quản lý tài sản ảo hàng hóa”, Thống đốc Lê Minh Hưng nói.
Nêu lên vấn đề đang được Nhà nước quan tâm mà chưa tìm ra cách giải bài toán huy động tiền nhàn rỗi trong dân, ĐB Lê Công Nhường (Bình Định), đặt câu hỏi “Vậy Chính phủ có chính sách, giải pháp gì để huy động lượng vàng và tiền trong dân để đầu tư hạ tầng cho đất nước. Thống đốc có cam kết bảo đảm tiền gửi của người dân khi các tổ chức tín dụng phá sản”. Đáp lời, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, Chính phủ và các bộ, ngành cần kiên định mục tiêu điều hành ổn định kinh tế vĩ mô, tạo dựng lòng tin của doanh nghiệp... trên cơ sở đó sẽ khiến nguồn vốn không bỏ vào tài chính như vàng, ngoại tệ. Việc này cần có thời điểm và lộ trình để chuyển hóa nguồn lực.
Về vấn đề đảm bảo tiền gửi của người dân, Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định, quan điểm của Đảng, Nhà nước trong bất kỳ trường hợp nào khi xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém thì mục tiêu là phải đảm bảo an ninh, đảm bảo trật tự xã hội đảm bảo an toàn tiền gửi. Hệ thống ngân hàng phải giữ được lòng tin cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. Chính vì vậy trong Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) Chính phủ đã đề xuất rất cụ thể về vấn đề này.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân: Trả lời một số nội dung chưa có giải pháp mới
Phát biểu kết luận nội dung chất vấn trong ngày đầu tiên, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhận xét phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, các ĐB đặt câu hỏi thẳng thắng, cụ thể, có số liệu dẫn chứng. Bộ trưởng và Phó Thủ tướng trả lời làm rõ các vấn đề mà ĐB chất vấn cũng như hướng khắc phục của ngành trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc trả lời một số nội dung vẫn chưa có giải pháp mới, chưa có giải pháp mang tính đột phá, nhất là liên quan đến vấn đề quản lý nợ công, công tác quản lý thuế, quản lý hóa đơn mua bán hàng hóa… Chủ tịch QH đề nghị Chính phủ, Bộ Tài Chính và các bộ, ngành liên quan ghi nhận ý kiến ĐB và có các giải pháp hiệu quả, cụ thể các vấn đề mà các ĐB đã nêu.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ: Chính phủ nói “không” với tăng trần nợ công
Báo cáo thêm với QH, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho hay, trong điều kiện dư địa chính sách tài khóa và tiền tệ còn chật hẹp, kinh tế thế giới khu vực còn nhiều khó khăn, nhiều thành viên của Chính phủ, kể cả một số ĐBQH và nhiều chuyên gia khuyến cáo Chính phủ nên nghiên cứu để trình Trung ương, trình QH xin nới trần nợ công để có vốn cho đầu tư phát triển và đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao khi đất nước chúng ta đang nghèo và nhu cầu cho phát triển rất lớn, đảm bảo các vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội và xóa đói giảm nghèo.
Tuy nhiên, Chính phủ và Thủ tướng đã tính toán rất kỹ và thấy rằng, trần nợ công chỉ là một yếu tố, quan trọng là khả năng trả nợ. “Tổng trả nợ của chúng ta, kể cả trả nợ trực tiếp từ ngân sách và phần vay để đảo nợ đã quá 25% so với tổng thu ngân sách hàng năm. Vì vậy, Chính phủ nói không với việc xin tăng trần nợ công”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh. Thay vào đó, ông cho biết, Chính phủ và Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì Đề án cơ cấu lại thu, chi ngân sách, đảm bảo bền vững an toàn nợ công để trình Bộ Chính trị.