Sẽ không còn mất thời gian dừng xe ở trạm thu phí

(PLO) - Bộ GTVT quyết định sẽ lựa chọn công nghệ tốt nhất hiện nay trên thế giới để "vừa đi tắt, đón đầu công nghệ thu phí không dừng, để làm sao khi đưa vào sử dụng không bị lạc hậu với các nước trên thế giới", đồng thời tiếp cận được công nghệ tốt nhất hiện nay trên thế giới đang sử dụng.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Ngày 10/3, Bộ GTVT đã tổ chức Họp báo “Công bố công nghệ thu phí không dừng (ETC) và kiểm soát tải trọng xe trên QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên” thuộc Dự án thu phí không dừng kết hợp kiểm soát tải trọng xe tại các dự án mở rộng QL1 đoạn Thanh Hóa - Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên theo hình thức hợp đồng BOT.
Việc này nhằm đánh giá công nghệ thu phí không dừng tại các trạm thu phí thử nghiệm trước khi tiến tới áp dụng trên toàn bộ hệ thống đường bộ của cả nước.
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, hiện nay trên các tuyến quốc lộ có rất nhiều trạm thu phí, việc sử dụng công nghệ thu phí một dừng như hiện nay gây ắc tắc giao thông cũng như đưa ra lượng người thu phí lớn, ảnh hưởng tổng kinh doanh của các đơn vị, do chi phí quá lớn.
Qua tìm hiểu các nước trên thế giới thực hiện công nghệ thu phí không dừng, Bộ GTVT quyết định sẽ lựa chọn công nghệ tốt nhất hiện nay trên thế giới để "chúng ta vừa đi tắt, đón đầu công nghệ thu phí không dừng, để làm sao khi đưa vào sử dụng không bị lạc hậu với các nước trên thế giới, đồng thời tiếp cận được công nghệ tốt nhất hiện nay trên thế giới đang sử dụng".
Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đã tham khảo rất nhiều các chuyên gia đầu ngành cũng như tham khảo nhiều tài liệu của các nước trên thế giới thì hiện nay công nghệ thu phí không dừng của các nước Tây Âu cũng như của Mỹ tương đối tốt.
Hiện tại, Bộ GTVT chỉ đạo thực hiện thí điểm tại 3 trạm (trạm Hoàng Mai, trạm Km604+700 QL1 và trạm Km1813+650 đường Hồ Chí Minh) để rút kinh nghiệm, trước khi áp dụng đại trà tại 35 trạm thu phí trên QL1 đoạn từ Thanh Hóa đến Cần Thơ và QL14 - đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên. 
Trong giai đoạn tiếp theo, Bộ sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng lần lượt áp dụng công nghệ thu phí này cho tất cả các tuyến đường bộ trên toàn quốc, bao gồm cả hệ thống đường cao tốc.
Công nghệ thu phí không dừng được thí điểm áp dụng tại 3 trạm thu phí nói trên là công nghệ nhận dạng tần số sóng vô tuyến (RFID) tiêu chuẩn ISO/IEC 18000-6C do Hoa Kỳ phát triển, đang được áp dụng rộng rãi trên thế giới. 
Công nghệ này có ưu điểm so với các công nghệ khác như: chi phí đầu tư thấp, thao tác đơn giản, tốc độ nhận diện phương tiện nhanh, kết quả thu phí chính xác lên tới 99,99%, dễ được chủ phương tiện giao thông chấp thuận (do thẻ RFID được cấp miễn phí),…
Chính vì vậy, công nghệ thu phí không dừng không những phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của nước ta mà còn là biện pháp hiệu quả để giải quyết bài toán hiện đại hóa hệ thống giao thông đường bộ ở Việt Nam.
Bên cạnh hệ thống thu phí không dừng sử dụng công nghệ RFID, Bộ GTVT cũng yêu cầu nghiên cứu để áp dụng công nghệ cân động thay thế cho hệ thống cân tĩnh đang sử dụng trong việc kiểm soát tải trọng xe. 
Thế giới hiện có 04 công nghệ cân động phổ biến gồm: cảm biến thạch anh, Piezo-elcectric, Bending plate và Loadcell. Trong đó, công nghệ cảm biến thạch anh được đánh giá phù hợp với nhiều loại hình thái thời tiết, tốc độ xe có thể dao động từ 1Km/h đến 230Km/h, độ chính xác cao lên tới 98% đang được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới.
Việc áp dụng công nghệ thu phí không dừng và kiểm soát tải trọng xe trên QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên thuộc "Dự án thu phí không dừng kết hợp kiểm soát tải trọng xe" tại các dự án mở rộng QL1 đoạn Thanh Hóa - Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên theo hình thức hợp đồng BOT nhằm đảm bảo yêu cầu cung cấp dịch vụ thu phí hiện đại, minh bạch, tránh tiêu cực, thất thoát và hướng tới sự hài lòng cao nhất cho người tham gia giao thông.
Cả hai hệ thống này đều được tích hợp đồng bộ với nhau và được kiểm soát bởi một trung tâm điều hành do Bộ GTVT quản lý. Hơn nữa, việc sử dụng hệ thống cân động còn góp phần tiết kiệm ngân sách (do giảm lực lượng cán bộ hoạt động thường xuyên bất kể ngày đêm tại các trạm cân) và mang lại hiệu quả cao hơn trong quá trình kiểm soát tải trọng xe.
Việc công nghệ thu phí điện tử và kiểm soát tải trọng xe được đưa vào sử dụng cho các tuyến đường bộ sẽ phát huy được các lợi ích về kinh tế - xã hội cho nhà đầu tư, các chủ phương tiện và các cơ quan quản lý đường bộ. Cụ thể, nhà đầu tư tránh được thất thoát, tiêu cực và tiết kiệm được rất nhiều khoản chi phí cho các công tác in vé. 
Ngoài ra, các chủ phương tiện tiết kiệm được nhiên liệu, thời gian lưu thông vì không phải dừng lại để trả tiền. Còn các cơ quan quản lý đường bộ không chỉ giảm được chi phí sửa chữa cầu đường mà còn tiết kiệm chi phí cho các trạm cân lưu động và nhân lực cho các trạm thu phí thủ công. 
Bên cạnh đó, công nghệ này cũng góp phần làm giảm thiểu khí thải độc hại, tăng tuổi thọ động cơ phương tiện và giúp cho các cơ quan chức năng quản lý hiệu quả các phương tiện./.

Đọc thêm