“Mỏ vàng” hứa hẹn
Theo cam kết, Liên minh châu Âu (EU) sẽ cắt giảm thuế quan đối với các mặt hàng nông sản về 0% lần lượt năm đầu tiên và sau 10 năm sẽ giảm 74,6% và 97,3% với một số dòng thuế nông nghiệp cam kết. Do đó, nhiều mặt hàng của Việt Nam sẽ được giảm thuế về 0% như các sản phẩm từ hạt… EU cũng cam kết xóa bỏ thuế đối với mặt hàng rau củ quả khi EVFTA có hiệu lực. Đối với thuỷ sản, khoảng 50% số dòng thuế sẽ được xoá bỏ ngay khi bắt đầu thực thi EVFTA, 50% dòng thuế còn lại cũng sẽ được xoá bỏ trong lộ trình 5-7 năm.
Với 508 triệu dân và tổng sản phẩm nội địa (GDP) khoảng 18.000 tỷ USD, với lộ trình cắt giảm thuế quan lý tưởng, EVFTA được hứa hẹn là “mỏ vàng” với DN Việt Nam. Tuy nhiên, theo đại diện Bộ Công Thương, cơ hội “hái vàng” này đặt ra không ít thách thức và nhiều cam kết, đặc biệt khi Việt Nam đang là nền kinh tế có trình độ phát triển thấp nhất so với các nước trong khu vực đã ký Hiệp định thương mại với EU.
Do đó, để hiệp định được phê chuẩn và có hiệu lực thực thi thì Việt Nam phải chứng minh được việc có khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn cao của EVFTA. Trong đó quan trọng nhất là các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững; kiểm dịch động thực vật. Đại diện Bộ Công Thương cho biết, trong EVFTA, EU cam kết sẽ mở cửa thị trường cho nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam nhưng cũng cần Việt Nam hợp tác chặt chẽ với EU để đảm bảo hàng Việt Nam sang EU đáp ứng được các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện hai bên đang tích cực thảo luận để thống nhất được cơ chế hợp tác kỹ thuật trước khi hiệp định được chính thức phê chuẩn.
Thị trường EU là một trong những thị trường có đòi hỏi cao nhất trên thế giới. Việc bước qua được các rào cản thuế quan không có nghĩa là hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam sẽ được thị trường EU chấp nhận. Bởi EU có nhiều quy định không chỉ liên quan đến tiêu chuẩn sản phẩm mà cả đối với quy trình sản xuất ra sản phẩm đó (ví dụ không được dùng hải sản được đánh bắt bất hợp pháp hay không được dùng gỗ khai thác từ rừng tự nhiên mà chưa được phép). “Đây là lĩnh vực cũng cần có tiến bộ trước khi hiệp định được phê chuẩn” - đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Ngoài ra, các đòi hỏi về lao động, môi trường của EU cũng thuộc hàng cao nhất thế giới. Chính vì vậy, doanh nghiệp (DN) cũng như các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam phải không ngừng vươn lên thì mới có thể vượt qua được các thách thức, khai thác được các cơ hội do EVFTA đem lại” - Bộ Công Thương lưu ý.
Được biết, hiện Bộ Công Thương đang chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng bộ hồ sơ trình Quốc hội xem xét phê chuẩn EVFTA để sớm đưa hiệp định này vào đời sống. Việc trình phê chuẩn hiệp định đầu tư (EVIPA) sẽ do Bộ KH&ĐT tiến hành.
Doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu thông tin
Đại diện Bộ Công Thương cho biết, trong quá trình đàm phán, Đoàn đàm phán đã tích cực cung cấp đầy đủ thông tin cũng như tham vấn ý kiến của các hiệp hội DN với mong muốn kết quả đàm phán phải đáp ứng được tốt nhất lợi ích của DN. Trong quá trình này, một số hiệp hội như dệt may, da giày, thủy sản và nhiều DN khác đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt và đóng góp nhiều ý kiến quan trọng.
Tuy nhiên, để khai thác được tối đa lợi ích mà HĐ này mang lại, các DN của Việt Nam, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ, cần chủ động nghiên cứu thông tin để có sự chuẩn bị tích cực, từ nghiên cứu cơ hội, thách thức của thị trường EU đến các giải pháp như nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; tăng hiệu suất…
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã từng cho rằng, trong thời đại hiện nay, nguồn tài nguyên thông tin luôn sẵn có trên internet nên việc có tận dụng được EVFTA hay không cũng sẽ phụ thuộc vào sự chủ động nắm thông tin của DN.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết, Bộ sẽ xây dựng chương trình hành động tổng thể, toàn diện, tập trung vào công tác cung cấp thông tin cho các cơ quan liên quan, DN và người dân, giúp mọi thành phần của nền kinh tế nắm bắt các nội dung, cam kết trách nhiệm và đặc biệt là tập trung làm rõ các cơ hội, thách thức trong Hiệp định EVFTA.
Ngoài ra, Bộ này cũng sẽ xây dựng kế hoạch tổ chức thực thi, luật hóa EVFTA cho phù hợp các cam kết đã ký và xây dựng các cơ chế, mô hình liên kết để quản lý nhà nước gắn với DN, người dân nhằm tạo thuận lợi cho quá trình thực thi, điều chỉnh chính sách, đảm bảo mang lại hiệu quả cho nền kinh tế.