Sẽ nâng mức phạt tối đa trong lĩnh vực giao thông đường bộ

(PLVN) -Việc xử phạt trong Luật Xử lý Vi phạm hành chính qua thực tiễn thi hành cho thấy mức phạt tiền tối đa trong một số lĩnh vực còn quá thấp, thiếu tính răn đe.  
Sẽ nâng mức phạt tối đa trong lĩnh vực giao thông đường bộ

Luật XLVPHC được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2013, trừ các quy định liên quan đến việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do Tòa án nhân dân xem xét, quyết định thì có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2014. Sau hơn 06 năm triển khai thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật XLVPHC đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập lớn. Đơn cử đối với công tác xử phạt vi phạm hành chính, khó khăn, vướng mắc chủ yếu là mức phạt tiền tối đa trong một số lĩnh vực còn quá thấp, thiếu tính răn đe.

Đơn cử, theo Luật hiện hành, chỉ phạt tiền đến 40.000.000 đồng đối với lĩnh vựcan ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã; giao thông đường bộ; giao dịch điện tử; bưu chính. Phạt tiền đến 75.000.000 đồng: quốc phòng, an ninh quốc gia; lao động; dạy nghề; giao thông đường sắt; giao thông đường thủy nội địa; bảo hiểm y tế; bảo hiểm xã hội.

Như vậy, so với Luật XLVPHC hiện hành, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung  theo hướng tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ và phòng, chống tệ nạn xã hội từ 40 triệu đồng lên 75 triệu đồng; cơ yếu, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia, giáo dục từ 50 triệu đồng lên 75 triệu đồng; điện lực từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ 100 triệu lên 200 triệu;  bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa của 06 lĩnh vực tín ngưỡng, đối ngoại (30 triệu đồng); cứu nạn, cứu hộ (50 triệu đồng), in và an toàn thông tin mạng (100 triệu đồng), sở hữu trí tuệ (250 triệu đồng) và sửa đổi tên của 07 lĩnh vực.

Cụ thể, có thể bị phạt tiền đến 75.000.000 đồng nếu vi phạm hành chính trong lĩnh vực cơ yếu; quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia; quốc phòng, an ninh quốc gia; lao động; giáo dục; giáo dục nghề nghiệp; giao thông đường bộ; giao thông đường sắt; giao thông đường thủy nội địa; bảo hiểm y tế; bảo hiểm xã hội; bảo hiểm thất nghiệp; phòng, chống tệ nạn xã hội. Phạt tiền đến 200.000.000 đồng: sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Phạt tiền đến 250.000.000 đồng: điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước, thủy lợi, sở hữu trí tuệ, báo chí.

Dự thảo Luật cũng bổ sung mức phạt tối đa cho một số lĩnh vực chưa được quy định như tín ngưỡng, đối ngoại, bảo hiểm thất nghiệp, in, an toàn thông tin mạng.

Thẩm tra dự án Luật này, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành việc bổ sung quy định về mức phạt tiền tối đa của một số lĩnh vực, sửa đổi tên của một số lĩnh vực như quy định của dự thảo Luật; nâng mức phạt tiền tối đa của một số lĩnh vực để bảo đảm tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của nhóm hành vi vi phạm trong lĩnh vực đó, tăng cường tính răn đe, phòng ngừa, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác quản lý nhà nước như đề cập trong Tờ trình và các tài liệu khác trong hồ sơ dự án Luật; tuy nhiên, đề nghị rà soát để tránh chồng chéo về phạm vi của các lĩnh vực. 

Bên cạnh đó, Ủy ban Pháp luật cho biết, có ý kiến cho rằng việc chỉ nâng mức tiền phạt tối đa của một số lĩnh vực như dự thảo Luật là chưa bảo đảm tính tổng thể trong mối tương quan với các lĩnh vực khác và thẩm quyền xử phạt của các chức danh trong lĩnh vực đó. Để bảo đảm hiệu quả, tăng cường tính răn đe, phòng ngừa thì cần thực hiện nghiêm nguyên tắc “mọi hành vi VPHC phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do VPHC gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật”, nghiên cứu quy định mức phạt phù hợp đối với từng hành vi vi phạm tại các Nghị định về xử phạt VPHC mà chưa cần thiết phải nâng mức phạt tối đa theo lĩnh vực như thực tế đã ban hành và triển khai thực hiện Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt trong thời gian qua. 

Ngoài ra, dự thảo luật cũng bổ sung các quy định liên quan đến thẩm quyền xử phạt của các chức danh: Sửa đổi tên gọi một số chức danh; bổ sung một số chức danh mới; xem xét, xác định lại thẩm quyền xử phạt của một số chức danh (đặc biệt là các chức danh thuộc lực lượng thanh tra chuyên ngành); sửa đổi quy định về thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính của một số chức danh theo hướng không bị giới hạn bởi thẩm quyền phạt tiền. 

Đọc thêm