'Sẽ nguy hiểm hơn khi bệnh nhân lao mắc COVID-19'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - "Khi một người mắc bệnh lao và COVID-19 cùng một lúc thì vi khuẩn lao và virus SARS-CoV-2 sẽ gây ra những tổn thương nặng nề hơn với người chỉ mắc một bệnh", bác sĩ nội trú Nguyễn Mạnh Thế, Khoa Lao hô hấp, Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết. 
Bác sĩ nội trú Nguyễn Mạnh Thế, Khoa Lao hô hấp, Bệnh viện Phổi Trung ương
Bác sĩ nội trú Nguyễn Mạnh Thế, Khoa Lao hô hấp, Bệnh viện Phổi Trung ương

Bệnh nhân lao mắc COVID có nguy cơ suy hô hấp cao hơn

Theo Bác sĩ Thế, về điều trị bệnh lao khi mắc COVID, cần lưu ý đến vấn đề suy hô hấp của bệnh nhân bởi nguy cơ suy hô hấp ở bệnh nhân lao khi mắc COVID cao hơn rất nhiều đối với bệnh nhân lao thông thường.

Cùng với đó, nhu cầu sử dụng oxy của bệnh nhân mắc COVID bình thường rất cao. Nhưng với bệnh nhân mắc cả hai bệnh cùng một lúc, nhu cầu sử dụng oxy còn cao hơn nữa.

"Hơn nữa, việc sử dụng thuốc lao trên bệnh nhân mắc COVID nguy cơ dẫn đến suy đa tạng, suy gan, suy thận cao hơn rất nhiều so với bệnh nhân lao thông thường. Về phác đồ sử dụng thuốc lao ở bệnh nhân mắc lao và COVID sẽ không thay đổi, nhưng cần lưu ý đến quá trình sử dụng và tương tác thuốc, người bệnh có nguy cơ dễ dẫn đến tác dụng phụ", bác sĩ Thế nói thêm.

Bác sĩ nội trú Nguyễn Mạnh Thế cũng chia sẻ: "Vấn đề thứ ba là về sử dụng thuốc ức chế miễn dịch ở bệnh nhân mắc COVID. Những bệnh nhân mắc COVID có đáp ứng miễn dịch quá mức, mạnh mẽ hơn so với người bình thường. Theo phác đồ chữa bệnh, Bộ Y tế có cho phép dùng corticoid ở một số nhóm bệnh nhân nhất định. Tuy nhiên, cần lưu ý corticoid có tác dụng phụ là gây bùng phát bệnh lao và thúc đẩy bệnh lao ở những người chưa mắc bệnh".

Tăng cường sức khỏe trong dịch bệnh

Trước diễn biến dịch bệnh phức tạp, Ths.BS Nguyễn Thị Phương Anh - Trưởng khoa Thăm dò & Phục hồi chức năng, Bệnh viện Phổi Trung ương khuyến cáo, người dân cần tăng cường sức đề kháng có đầy đủ sức khỏe để chống chọi với dịch bệnh.

"Với những người khỏe mạnh, dù trong thời gian giãn cách hàng ngày vẫn nên tập thể dục, hoạt động thể chất để tăng cường sức khỏe cho cơ thể. Tập thở ít nhất là 15 phút mỗi ngày để tăng sức khỏe của cơ quan hô hấp. Đồng thời việc cũng này giúp thông khí ở phổi, giúp cho phổi khỏe mạnh hơn", Ths.BS Phương Anh cho biết.

ThS.BS Nguyễn Thị Phương Anh, Trưởng khoa Thăm dò và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Phổi trung ương.

ThS.BS Nguyễn Thị Phương Anh, Trưởng khoa Thăm dò và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Phổi trung ương.

Đặc biệt, với những người có bệnh lý mãn tính, những người từng hút thuốc lá, thuốc lào hay có bệnh về hô hấp thì theo bác sĩ Phương Anh việc tập luyện lại càng quan trọng, bao gồm các kĩ thuật tập thở như thở cơ hoành, thở mím môi, tập luyện các kĩ thuật giúp cho việc tống thải đờm ra ngoài dễ dàng.

Người dân cần sống trong môi trường lành mạnh, hạn chế tiếp xúc với khói thuốc, tập luyện hàng ngày kết hợp với dinh dưỡng hợp lý để đảm bảo sức khỏe trong mùa dịch.

Theo Trưởng khoa Thăm dò & Phục hồi chức năng, Bệnh viện Phổi Trung ương, với các trường hợp F0 đang theo dõi, điều trị tại nhà, người bệnh cần thường xuyên theo dõi sức khỏe của mình. Ngoài ra bệnh nhân cần tăng cường dinh dưỡng, tập luyện ngay từ đầu để cải thiện sức khỏe, tinh thần, thể chất để nhanh chóng vượt qua giai đoạn nhiễm COVID và bệnh không tiến triển nặng hơn. Bệnh nhân không nên quá lo lắng và phải giữ cho tinh thần luôn thoải mái, lúc đó cơ thể mới có sức kháng cự với bệnh tật.

"Các phương pháp tập luyện bao gồm kĩ thuật tập thở và kĩ thuật tập vận động. Những trường hợp F0 điều trị tại nhà được khuyến cáo nên tập thở ít nhất 15 phút 1 ngày. Người khỏe mạnh vận động bằng các động tác như chống đẩy, chạy tại chỗ. Người cao tuổi, phụ nữ có thể lựa chọn các bài tập hàng ngày, yoga… để tăng cường sự mềm dẻo của cơ thể", bác sĩ Phương Anh nhắn nhủ.

Đọc thêm