Sẽ tăng mức đóng bảo hiểm y tế lên 6%

(PLVN) - Đó là một trong những thông tin đáng chú ý tại Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi mà Bộ Y tế đang lấy ý kiến.
Bộ Y tế đề xuất tăng mức đóng BHYT lên 6% lương cơ sở
Bộ Y tế đề xuất tăng mức đóng BHYT lên 6% lương cơ sở

Gần 90% dân số đã tham gia bảo hiểm y tế

Đánh giá về kết quả đạt được sau 5 năm thực hiện Luật BHYT, ông Phan Văn Toàn - Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) cho biết, số người tham gia BHYT ở nước ta đã không ngừng tăng lên nhanh chóng, hiện tỷ lệ bao phủ đã đạt 90% dân số. Từ năm 2015 đến năm 2019, toàn quốc tăng khoảng 15 triệu người tham gia BHYT.

Không chỉ về số lượng, chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) BHYT cũng ngày càng được cải thiện. Nhiều loại thuốc mới, kỹ thuật, dịch vụ y tế hiện đại khi đưa vào Việt Nam đều nhanh chóng được quỹ BHYT chi trả, tạo điều kiện cho người bệnh tiếp cận thuận lợi, bảo đảm nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia. Chính sách BHYT đã góp phần giảm chi trực tiếp từ tiền túi hộ gia đình cho dịch vụ y tế (năm 2018 giảm xuống còn 37%), góp phần tạo nên sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe, nhất là với nhóm người nghèo, cận nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi.

Cụ thể, đến nay, toàn quốc ước có khoảng 85,2 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT là 89,8% dân số. Năm 2019, toàn quốc ước có khoảng 85,2 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT là 89,8% dân số. Kết quả này đã vượt chỉ tiêu Thủ tướng giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg là 1,7% và chỉ tiêu đã được Quốc hội giao cho Chính phủ (bảo đảm đến năm 2015 đạt ít nhất 75% dân số tham gia BHYT và đến năm 2020 đạt ít nhất 80% dân số tham gia BHYT).

Theo TS. Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đây là một trong những thành công đáng kể, hướng đến mục tiêu chăm sóc sức khỏe nhân dân, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân.

“Cách đây khoảng 5 - 10 năm, tỷ lệ tham gia BHYT rất khác nhau giữa các địa phương. Nhưng đến nay rất mừng tỷ lệ này bao phủ khá đồng đều trên toàn quốc, tức là diện bao phủ rất lớn” – ông Bùi Sỹ Lợi nói.

Tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện chính sách bảo hiểm y tế

Có thể thấy những kết quả, thành tựu trong thực hiện Luật BHYT 5 năm qua là rất lớn, tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng nhận định, thực tiễn quá trình thực hiện Luật BHYT vẫn còn một số tồn tại, bất cập trong quy định và trong tổ chức thực hiện Luật. 

Cụ thể, các văn bản hướng dẫn còn thiếu cụ thể, thiếu đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác, gây ra những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước cũng như tổ chức thực thi pháp luật. Công tác tổ chức thực hiện vẫn còn hạn chế do năng lực, cơ sở vật chất, đội ngũ nhân viên chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn phát sinh. 

“Vì vậy, ngày 22/5/2018, Bộ Y tế ban hành Kế hoạch số 453/KH-BYT xây dựng dự án Luật BHYT sửa đổi để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật BHYT sửa đổi phù hợp với tình hình mới. Tháng 12/2018, Bộ Y tế đã thành lập Ban soạn thảo để xây dựng Dự án Luật BHYT sửa đổi” - Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn thông tin.

Được biết, Dự thảo Luật BHYT sửa đổi hiện được Bộ Y tế xây dựng có 12 chương, 61 điều. Theo ông Phan Văn Toàn - Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế), một trong những điểm đáng chú ý trong Dự thảo Luật BHYT sửa đổi lần này là mức đóng BHYT hàng tháng được đề nghị điều chỉnh tăng bằng 6% (hiện mức đóng là 4,5%), trong đó người sử dụng lao động đóng 2/3 và người lao động đóng 1/3. 

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật BHYT sửa đổi cũng yêu cầu tất cả thành viên thuộc hộ gia đình phải tham gia cùng một thời điểm thay vì có thể tham gia từng cá nhân như hiện nay. Mức đóng BHYT của thành viên thứ hai trong gia đình sẽ bằng 80% (hiện nay chỉ là 70%). Như vậy, cùng với các đợt tăng lương cơ sở đều đặn, mức đóng BHYT thời gian tới sẽ tiếp tục tăng. Hiện nay, lương cơ sở đang là 1.490.000 đồng, với mức đóng 4,5%, tương đương mức đóng BHYT là 804.000 đồng/năm. Nếu tăng lên 6%, mức đóng sẽ lên gần 1.100.000 đồng.

Bổ sung vào nội dung này, ông Nguyễn Minh Tùng - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu - đề xuất bỏ tất cả các mức đồng chi trả của BHYT là 80%, 95% hay 100% như hiện nay. Thay vào đó, BHYT chỉ nên tồn tại một mức chi trả duy nhất là 100% cho tất cả các đối tượng và nâng mức phí đóng lên 20% lương cơ sở. Nếu tính 20% của mức lương cơ sở như đề xuất của ông Nguyễn Minh Tùng, mức phí BHYT của một người phải đóng tương đương 3.576.000 đồng/năm.

“Chỉ nên có một mức chi BHYT duy nhất cho người dân và cứ đi bệnh viện là được bảo hiểm thanh toán hết thì người dân mới có lòng tin và các cơ sở y tế mới an tâm chữa bệnh sao cho hiệu quả, không còn phải lo BHYT thanh toán hay không”, ông Nguyễn Minh Tùng nêu ý kiến.

Về phía ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH), Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn ghi nhận các ý kiến trao đổi, đóng góp vào Dự thảo Luật, đồng thời đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp thu để đánh giá, chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo Luật nhằm nhận được sự đồng thuận của các bên liên quan. 

Theo Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn, việc xây dựng, sửa đổi Luật BHYT cần đảm bảo các nguyên lý chung, phù hợp với thông lệ, tính đến các đối tượng, điều kiện đặc thù nhưng cũng cần hướng tới bước đột phá, tìm ra những nguyên lý để kết hợp BHYT với nhiều loại hình khác để nâng cao tính linh hoạt, bao phủ, phục vụ người tham gia ngày càng tốt hơn.

Đọc thêm