Sẽ 'thoát' nhập siêu trong 2 tháng cuối năm?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Trước khi kết thúc tháng 10, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam vẫn nhập siêu khoảng 2 tỷ USD (trong khi cùng kỳ năm trước xuất siêu khoảng 16-17 tỷ USD). Tuy nhiên, dấu hiệu có thể cân bằng cán cân thương mại đã xuất hiện ngay khi vừa bước vào 2 tháng cuối năm.
Nhiều tín hiệu cho thấy giá trị xuất khẩu 2 tháng cuối năm sẽ tăng mạnh. (Ảnh minh họa)
Nhiều tín hiệu cho thấy giá trị xuất khẩu 2 tháng cuối năm sẽ tăng mạnh. (Ảnh minh họa)

Tháng 10 xuất siêu hơn 1 tỷ USD

Sau 5 tháng liên tiếp nhập siêu, Việt Nam đã có tháng xuất siêu thứ hai và trị giá xuất siêu tăng đáng kể so với tháng xuất siêu trước đó. Cụ thể, theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê (TCTK), ước tính tháng 10/2021, kim ngạch xuất khẩu (XK) hàng hóa đạt 27,3 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 26,2 tỷ USD.

Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 10 ước tính xuất siêu 1,1 tỷ USD (tháng 9 xuất siêu chỉ đạt khoảng 500 triệu USD). Tính chung 10 tháng năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu 1,45 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 19,63 tỷ USD).

Cũng theo số liệu của TCTK, sản xuất công nghiệp trong tháng 10 khởi sắc khi dịch COVID-19 dần được kiểm soát, các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, hoạt động sản xuất kinh doanh từng bước được khôi phục trong trạng thái bình thường mới. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10/2021 ước tính tăng 6,9% so với tháng trước. Tính chung 10 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, trong chu kỳ sản xuất, doanh nghiệp (DN) thường tập trung ký kết hợp đồng vào cuối năm trước hoặc đầu năm mới. Khoảng quý I-II là thời gian tăng nhập nguyên liệu. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến nhập siêu liên tục trong nhiều tháng.

Cùng với đó, dịch COVID-19 đã tác động mạnh mẽ đến nhiều địa phương chiếm tỷ trọng XK chủ lực của Việt Nam càng khiến cho con số nhập siêu tăng do các địa phương này không thể XK hàng hóa trong khoảng 3-4 tháng cao điểm chống dịch.

Tuy nhiên, đến giai đoạn khoảng tháng 9, hầu hết DN đã giảm nhập khẩu tư liệu sản xuất và tập trung sản xuất để hoàn thành các đơn hàng, cộng vào đó các địa phương đang nới dần chống dịch để sản xuất nên việc xuất siêu quay trở lại trong 2 tháng 9-10 vừa là một phần tất yếu của quy luật kinh doanh vừa là do tình hình sản xuất đã có thể trở lại theo trạng thái bình thường mới.

Những tín hiệu lạc quan

Hầu hết DN sản xuất các tỉnh phía Nam - nơi tập trung tỷ trọng XK chủ lực đã trở lại hoạt động với công suất khác nhau nhưng đều có tín hiệu tốt. Theo Tổ công tác đặc biệt phía Nam (Bộ Công Thương), tỉnh Kiên Giang (nơi tập trung nhiều nhà máy sản xuất da giày) đang trở lại trạng thái bình thường mới với điều kiện khá thuận lợi khi tỉnh này chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt, tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2021 từ 0,5% trở lên.

Trong khi đó tỉnh Tiền Giang cũng đang có những động thái “nới” sản xuất khi chấp nhận phương án “3 tại chỗ” cho khoảng gần 50% DN trong các khu công nghiệp (KCN). Ngoài ra, hơn một nửa số lượng DN ngoài KCN, cụm công nghiệp cũng đã bắt đầu hoạt động trở lại.

Mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã có văn bản yêu cầu tỉnh Tiền Giang khẩn trương xem xét các yêu cầu được quay trở lại sản xuất theo trạng thái bình thường mới của cộng đồng DN đầu tư nước ngoài tại tỉnh này nên chắc chắn hoạt động sản xuất của Tiền Giang sẽ sớm đạt kết quả tốt hơn.

Số liệu của TP Hồ Chí Minh cũng cho thấy, sau một tháng TP mở cửa, phục hồi nền kinh tế, đã có hơn 1.300 công ty, nhà máy trong các khu chế xuất, KCN của thành phố đã mở cửa trở lại (đạt hơn 92%) số lượng lao động trở lại làm việc đạt khoảng 70%.

Thông tin từ Ban Quản lý các KCN Bình Dương cũng cho biết, đến ngày 28/10, trên 96% DN trong các KCN của tỉnh tiến hành khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, nhiều công ty có tỷ lệ lao động quay lại làm việc đạt gần 100% và sản xuất khôi phục lại hoàn toàn.

Tại Đồng Nai, trên 92% DN trong các KCN của tỉnh đã khôi phục sản xuất, trong đó có nhiều nhà máy hoạt động hết công suất. Nhiều DN cũng đang liên tục bổ sung lao động để đưa các dây chuyền sản xuất vào hoạt động. Đồng thời, DN cũng tổ chức cho lao động đi, về hằng ngày, bỏ thực hiện theo phương án “3 tại chỗ”.

Đại diện Bộ Công Thương khẳng định, việc khá đông DN quay trở lại sản xuất, thậm chí sản xuất gần 100% công suất chính là tín hiệu cho thấy giá trị XK 2 tháng cuối năm sẽ gia tăng mạnh. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng kim ngạch XK 10 tháng năm 2021 ở mức cao, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2020 - năm Việt Nam đạt xuất siêu kỷ lục thì tốc độ này chỉ đạt 4,1%. Do đó, khi các DN, đặc biệt là các DN phía Nam phục hồi, lấy lại được đà tăng trưởng, cán cân thương mại năm 2021 nhiều khả năng sẽ duy trì ở mức cân bằng, thậm chí có thể xuất siêu.

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm