Sẽ triển khai hóa đơn điện tử để giám sát thị trường bán lẻ

(PLO) - Mới đây có thông tin, Tổng cục thuế sẽ tiến hành triển khai đề ánHóa đơn điện tử (HĐĐT) để nắm bắt khối lượng bán hàng của các siêu thị. Đây cũng là ý kiến của chuyên gia kinh tế thương mại Vũ Vinh Phú trong nỗ lực yêu cầu minh bạch thuế của các siêu thị, nhằm tránh thất thoát thuế của nhà nước.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thu nhập kếch sù do không công khai thuế…

Ông Phú cũng cho biết, ở một số nước láng giềng Việt Nam, việc siêu thị bán một cái bút là lập tức thông tin đó “chạy” về cơ quan thuế, còn ở nước ta vẫn đứng yên trong phần mềm bán hàng của siêu thị. Cả ngày bán hàng hóa bao nhiêu cũng chỉ kế toán siêu thị biết. Trong khi các nước quản lý doanh thu bán hàng bằng kỹ thuật, công khai, còn ở Việt Nam có khi bán 5 sản phẩm chỉ nộp thuế 1 sản phẩm.

Thực tế, trong những ngày quan sát thị trường bán lẻ ở vài siêu thị lớn ở thủ đô đủ để chúng tôi nhận thấy, số lượng hàng hóa bán lẻ của các siêu thị là một con số khổng lồ. Những thống kê về tổng mức bán lẻ hàng hóa được công bố gần đây, như tổng mức bán lẻ hàng hóa năm 2015 là hơn 3,1 triệu tỷ đồng; năm 2016 đạt hơn 3,5 triệu tỷ đồng mới chỉ là con số do các DN siêu thị tự kê khai. “Con số thật của tổng mức bán lẻ hàng hóa này chắc hẳn phải lớn hơn rất nhiều” - chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú khẳng định.

Vị chuyên gia này cũngbày tỏ, thị trường quốc tế được biết đến như một thị trường minh bạch với các khoản thuế công khai từ cách đây khoảng 20 năm. Cụ thể, từ những năm 80, đất nước Nga, đất nước Hàn Quốc đã công khai minh bạch thuế ở thị trường bán lẻ từng đồng một. Theo ông Phú, hầu hết các siêu thị đều có máy tính kết nối về sở thuế, bán được mặt hàng nào là sở thuế nắm được và cộng tiền thuế ngay.

Với kinh nghiệm của một chuyên gia lăn lộn trong thị trường bán lẻ từ thập niên 90 của thế kỷ trước, ông Phú kể lại, nhân viên IT của ông đã từng hỏi ông về việc “giảm doanh số bán hàng lúc cuối ngày” để bớt thu nhập chịu thuế nhưng bị ông từ chối thẳng thừng. Do đó, theo ông, việc kết nối máy tính từ các siêu thị đến các phòng thuế, chi cục thuế là việc cần phải làm ngay để tránh thất thu lượng thuế quá lớn từ các hệ thống bán lẻ này. 

Hiện cả nước có 700 siêu thị, trong đó có khoảng 100 siêu thị FDI nhưng số lượng hàng hóa bán ra tại một điểm của siêu thị FDI gấp đến 7-8 lần các siêu thị nội, do các siêu thị này có nhiều lợi thế cạnh tranh, giá lại rẻ hơn nhiều so với giá của siêu thị nội. “Việc kết nối phần mềm máy tính với các siêu thị trước hết tránh việc các ông chủ nước ngoài làm ăn lớn, lãi nhiều nhưng liên tục báo lỗ, khiến ngân sách nhà nước thất thoát một khoản thuế quá lớn” - ông Phú bày tỏ. 

Hiện nay, doanh thu nộp ngân sách của các trung tâm thương mại, tổ chức và các cá thể kinh doanh tại các địa phương hầu hết vẫn trong “vòng bí mật”, chưa được các địa phương công khai. “Điều này dẫn tới những siêu thị nghiêm túc sẽ bị thiệt thòi, trong khi những đơn vị nào trốn thuế chắc chắn sẽ có lợi nhuận kếch sù một cách bất hợp pháp” - ông Vũ Vinh Phú đặt vấn đề.

Sẽ triển khai hệ thống kết nối phần mềm với siêu thị

Theo một chuyên viên tài chính kế toán, việc người tiêu dùng không yêu cầu xuất hóa đơn sẽ dẫn đến 2 hệ lụy: nhà nước bị ăn chặn thuế VAT (do các siêu thị thu hộ và buộc phải nộp về cho nhà nước) và khoản thu thuế từ thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) sẽ bị giảm đáng kể. Vị chuyên viên này cho biết, theo luật, tất cả các hóa đơn bán lẻ mà người tiêu dùng không xuất hóa đơn VAT thì cuối ngày siêu thị cũng sẽ phải xuất VAT để phù hợp với khối lượng mua đầu vào. 

Vì “Nếu họ không xuất hóa đơn VAT thì hàng hóa của họ sẽ chất đầy trong kho, không thể tiếp tục nhập hàng hoặc họ sẽ phải nghĩ ra một kế sách nào đấy để tiêu hủy lượng hàng tồn kho do không có hóa đơn VAT bán ra”. Tuy nhiên, bất cấp chính là ở chỗ, do không bị kiểm soát nên hệ thống sổ sách kế toán siêu thị sẽ… làm lại để làm sao lãi ít thôi; để làm sao số lượng tiền nhập vào và số lượng tiền bán ra không chênh lệch nhau nhiều, để công ty không phải nộp thuế TNDN. 

Theo quy định,TNDN được tính dựa trên doanh thu bán ra trừ đi các chi phí đầu vào. Nếu doanh thu bán ra gần bằng hoặc lớn hơn không đáng kể so với chi phí đầu vào thì số tiền thuế TNDN sẽ phải đóng không đáng kể. Vấn đề kiểm soát TNDN đã được xem xét đề cập từ khoảng 10 năm nay nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa có cách nào để kiểm soát, ngoại trừ trông chờ vào sự công bố của các DN.

Trước những phân tích này, có thể thấy, trước mắt, muốn kiểm soát được lượng hàng hóa bán ra trong các hệ thống bán lẻ thì cần phải có kết nối phần mềm bán hàng giữa các siêu thị và cục thuế để kiểm soát doanh thu” - ông Phú khẳng định. 

Và có vẻ như việc giám sát hệ thống bán lẻ sắp được thực thi khi đại diện Tổng cục Thuế cho biết, theo lộ trình triển khai đề án HĐĐT đã được Bộ Tài chính phê duyệt thì trong thời gian tới sẽ thực hiện kết nối trực tiếp phần mềm bán hàng của các cơ sở kinh doanh với cơ quan thuế. 

Theo đề án này, trong giai đoạn 1 (2017-2018), trên cơ sở kết quả triển khai thí điểm đối với 200 DN tại TP Hà Nội và TP.HCM, sẽ tiếp tục mở rộng thí điểm tại hai địa bàn này và 8 tỉnh thành phố khác, với số lượng dự kiến khoảng 12.000 DN. 

Giai đoạn 2 (từ năm 2018-2020), Tổng cục Thuế sẽ triển khai mở rộng toàn bộ người nộp thuế bao gồm các DN và cá nhân kinh doanh theo hướng thu thập dữ liệu HĐĐT của các DN tự triển khai HĐĐT, thu nhập dữ liệu từ máy tính tiền, phần mềm bán hàng của nhà hàng, siêu thị, khách sạn... 

Đọc thêm