Hôm qua (8/5), Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII bước sang ngày làm việc thứ 2. Buổi sáng, Trung ương làm việc tại Hội trường thảo luận về “Đề án tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” (Đề án). Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc điều hành phiên thảo luận.
Bố trí cán bộ phải có sự tương đồng
Liên quan đến vấn đề bố trí Bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương, đa số ý kiến thảo luận tại hội nghị đều thể hiện sự đồng tình cao với mục tiêu được xác định trong Đề án. Tuy nhiên, cần thực hiện có lộ trình, có tính đến yếu tố đặc thù của một số địa phương, yếu tố vùng, miền, yếu tố văn hóa... Việc bố trí cán bộ phải có sự tương đồng, tránh bố trí cán bộ từ vùng biển lên miền núi và ngược lại -cán bộ từ miền núi xuống vùng biển. Bên cạnh đó, cần cơ chế, chính sách rõ ràng đối với cán bộ luân chuyển để họ yên tâm công tác...
Phân tích sâu hơn, có ý kiến nêu vấn đề, Bí thư cấp ủy không phải là người địa phương thì có phải bầu không và nếu bầu thì bầu như thế nào? Khi bố trí Bí thư cấp ủy cần chú ý cả Chủ tịch UBND cùng cấp bởi đây là một cặp rất quan trọng, cần có sự thống nhất trong chỉ đạo, điều hành sau này. Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, chủ trương này chính là một phương pháp để kiểm soát quyền lực tốt hơn, bởi vì Bí thư cấp ủy không phải là người địa phương sẽ ít mối quan hệ gia đình, dòng tộc tại địa phương đó, như vậy sẽ hạn chế thấp nhất chuyện ưu tiên con em họ vào những vị trí đẹp trong bộ máy chính quyền cơ sở.
Đồng quan điểm, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ Đỗ Văn Chiến nhận xét, người địa phương thường có mối quan hệ tình cảm họ hàng, anh em, đồng nghiệp… nên nhiều khi khó xử, dễ bị rơi vào tình trạng nể nang, né tránh, khó giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật. Và để ngăn chặn tận gốc quyền lực ở địa phương thì “ngay bây giờ phải đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ bí thư... Nếu được nữa thì chủ tịch cũng không phải là người địa phương” - ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên Huế đề xuất, đồng thời kiến nghị, nếu chủ trương được thông qua thì cần triển khai nhất quán ngay từ đầu để tránh tình trạng có địa phương làm, địa phương không.
Vấn đề đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ cũng được các đại biểu tập trung phân tích. Theo ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cần có kế hoạch đào tạo dài hơi cho đội ngũ cán bộ chiến lược ngay từ trong hệ thống giáo dục chứ không đợi sau khi được bổ nhiệm, quy hoạch cán bộ mới cho đi học tập, bồi dưỡng tại các trường chính trị. Đối với nội dung tăng dần tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số, các ý kiến đều nhất trí với mục tiêu tăng dần tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số trong cơ cấu lãnh đạo chủ chốt các cấp, các ngành; đồng thời phải sớm có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp cán bộ, bảo đảm cơ cấu hợp lý, nâng cao chất lượng. “Một tập thể có nam, có nữ, có già, có trẻ, có người Kinh, có người dân tộc, thì sẽ tạo được tính đa dạng và đồng thuận rất cao”- ông Đỗ Văn Chiến nhận định và thể hiện niềm tin tưởng, Nghị quyết được ban hành sẽ tạo động lực mới cho cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ trẻ phấn đấu.
Đánh giá cán bộ phải chú trọng cả thành tích
Thảo luận tại hội nghị, các ý kiến nhất trí cao với việc ban hành một nghị quyết mới về công tác cán bộ, đồng thời đóng góp tập trung vào những vấn đề Tổng Bí thư gợi mở trong phiên khai mạc, đi sâu phân tích, làm rõ những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo; những nhiệm vụ, giải pháp lớn, có tính đột phá, khả thi cao để sớm khắc phục triệt để những hạn chế đã nêu, xây dựng cho được một đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Nhiều ý kiến cũng đề cập đến việc làm thế nào để khắc phục cho được tình trạng “chạy chức, chạy quyền”, “thân quen, cánh hẩu”, quy trình thì đúng nhưng bố trí con người cụ thể lại sai, “nghị quyết rất đúng, rất trúng nhưng việc thực hiện hiệu quả lại thấp”. Bởi vậy, theo các đại biểu, quan trọng hơn cả vẫn là công tác tổ chức thực hiện để quyết liệt đưa Nghị quyết vào cuộc sống, vì đây là khâu yếu nhất từ trước đến nay.
Để chống “chạy chức, chạy quyền”, ý kiến đại biểu cho rằng, cần có chế tài giám sát người đứng đầu. Người đứng đầu phải gương mẫu, kiên quyết không để người khác chạy mình. “Tôi đề nghị Trung ương cần nghiên cứu và có biện pháp, chế tài để chúng ta có thế ngăn chặn được… Đây chính là mấu chốt và dẫn đến câu chuyện là tại sao chúng ta có quy chế đầy đủ, quy trình thì đúng nhưng người thì sai. Nó xuất phát từ chỗ này. Tôi cho rằng nếu chúng ta làm được điều này thì sẽ giảm thiểu rất lớn nạn chạy chức, chạy quyền” - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Trần Đơn nêu ý kiến.
Nhấn mạnh đến cơ chế kiểm soát quyền lực, nhưng ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) cho rằng cần có cơ chế khích lệ và động viên cán bộ. Cụ thể là cần có chế độ, chính sách về nhà ở, đào tạo, có lộ trình thăng tiến minh bạch. Muốn cải cách công tác cán bộ thì đầu tiên phải đặt mục tiêu và mạnh dạn giao việc, giao quyền cho cán bộ, khơi dậy năng lực và khát vọng cống hiến, phụng sự, hy sinh. Cán bộ phải có cả đức và tài, đức là điều kiện cần, tài là điều kiện đủ. Đánh giá cán bộ phải chú trọng cả thành tích, không chỉ có quá trình công tác, đồng thời phải tạo được môi trường cạnh tranh trong đào tạo cán bộ, có so sánh, đánh giá, chấp nhận thất bại.
Chiều cùng ngày, Trung ương làm việc tại tổ thảo luận về Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.