'Siết chặt' vòng vây với hàng giả trên không gian mạng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh, chống hàng giả trên thương mại điện tử là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, cấp thiết trong bối cảnh hiện nay, nhất là trong dịp cuối năm khi mua sắm của người tiêu dùng vào giai đoạn cao điểm.
Hội nghị tổ chức vào ngày 22/12
Hội nghị tổ chức vào ngày 22/12

Ngày 22/11/2023, tại Quảng Nam, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức Hội thảo “Nâng cao năng lực phòng, chống và xử lý vi phạm trong Thương mại điện tử Việt Nam” cho hơn 200 cán bộ công chức QLTT tại 16 tỉnh thành phố của khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Đây là chương trình tiếp theo trong chuỗi hoạt động của Tổng cục QLTT nhằm nâng cao năng lực phòng, chống và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử Việt Nam mà QLTT là lực lượng tiên phong, nòng cốt được thực hiện tại cả 3 miền Bắc – Trung – Nam.

Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh cho biết, hiện nay, hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, không bày bán tràn lan như trước đây, mà sau khi hàng hóa qua biên giới, các đối tượng tập kết tại kho hàng nơi hẻo lánh, ít người qua lại hoặc để tại nhà riêng, sau đó, các đối tượng lợi dụng việc kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử (TMĐT), để kinh doanh hàng hóa vi phạm, gây khó khăn cho công tác nắm bắt, kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng.

Điển hình vào đầu tháng 11/2023, tại Gia Lai, lực lượng QLTT đã phối hợp kiểm tra hộ kinh doanh Trương Ngọc Quyên thường xuyên livestream bán hàng giả, chốt hàng trăm đến hàng nghìn đơn/ngày. Để kiểm tra cơ sở này, lực lượng đã mất hàng ngàn giờ theo dõi các đối tượng livestream bán hàng. Thời điểm kiểm tra, la liệt hàng hiệu giá từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng được đối tượng đổ đống, ngổn ngang từ khu vực phía ngoài cổng đến kho chứa trữ sâu bên hông khu vực nhà ở.

Vì vậy, Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh khẳng định, chống hàng giả trên TMĐT là vấn đề vô cùng quan trọng, cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Nhiệm vụ này sẽ được toàn lực lượng QLTT đẩy mạnh trong vòng 3 đến 5 năm tới. Đây không chỉ là nhiệm vụ của riêng Bộ Công Thương mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội, trên hết là của lực lượng QLTT.

Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh cũng đánh giá, TMĐT phát triển bùng nổ đã và đang tạo ra thách thức cho các lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa. Đặc biệt, thời gian gần đây, mạng xã hội Tiktok bùng nổ mạnh mẽ. Người dân từ tận Hà Giang vẫn hằng ngày livestream bán hàng đi cả nước và ngược lại. Chưa kể, đây là mạng xã hội xuyên biên giới, cho nên, các hành vi vi phạm đã vượt ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Trên thực tế, vẫn còn tâm lý “ngại” xử lý đối với các vụ vi phạm TMĐT ngay tại lực lượng cơ sở, bởi mất thời gian và dễ bị khiếu kiện vì người bán có thể xóa bỏ, thay đổi nội dung, chứng cứ một cách nhanh chóng.

Đáng chú ý, đặc trưng riêng của TMĐT là có bên thứ ba, là các công ty chuyển phát, khác hẳn với thương mại truyền thống là “tiền trao cháo múc” nên theo quy định, xe chuyển phát đã kẹp chì không được mở niêm phong. Thế nên dù có xác định được phương tiện chở hàng cấm, hàng lậu, hàng giả cũng khó xử lý ngay. Nhiều vụ việc lực lượng QLTT buộc phải theo xe chuyển phát đến sân bưu cục mới ập vào kiểm tra. "99% các công ty chuyển phát giờ đây đang sống bằng vận chuyển, mua bán online, chỉ 1% thư tín. Mà có 60% doanh nghiệp bán hàng là ở nước ngoài, vận chuyển cũng từ nước ngoài luôn nên rất khó xử lý" - ông Trần Hữu Linh nói.

Cũng theo ông Linh, chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm trên không gian mạng là nhiệm vụ khó khăn nên lực lượng QLTT không thể "đơn thương độc mã" xử lý mà cần sự chung tay của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống quản lý không gian mạng, hệ thống giám sát, cảnh báo nguy cơ, rủi ro cho chuyển đổi số xuyên suốt, thống nhất từ Trung ương tới QLTT các địa phương để kịp thời xử lý các sự cố, các vụ việc vi phạm. Mặt khác, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người để phục vụ nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống hàng giả trên TMĐT. Ngoài ra, đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc thanh, kiểm tra, kiểm soát hoạt động lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Đọc thêm