“Siết lại” ứng xử trên mạng của nghệ sĩ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những năm gần đây, trên mạng xã hội, có không ít các nghệ sĩ có những phát ngôn theo kiểu văn hóa “chợ búa” hay những phát ngôn không kiểm chứng, quảng cáo các sản phẩm thuốc, mỹ phẩm “thổi phồng” công dụng… Những người này không chỉ vi phạm quy tắc ứng xử trên mạng, mà nguy hiểm hơn, bởi sự nổi tiếng của mình, họ đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho cộng đồng, góp phần tạo nên những suy nghĩ, hành xử lệch lạc, gây bất bình trong xã hội.
Tranh minh họa của Khều
Tranh minh họa của Khều

Những “rác” trên mạng xã hội

Tận dụng sự nổi tiếng của mình, những năm gần đây, không ít các nghệ sĩ, sao Việt đã xuất hiện dày đặc trên Facebook, YouTube, Twitter, Instagram để quảng cáo các sản phẩm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng… mà không bị bất kỳ sự kiểm duyệt nào và các sản phẩm đó cũng không được kiểm chứng về chất lượng của các cơ quan chức năng.

Một số nghệ sĩ có tiếng được nhiều doanh nghiệp “ưu ái” mời quảng cáo sản phẩm. Để tăng độ tin cậy, nhiều nghệ sĩ còn tương tác, sử dụng sản phẩm khi livestream. Điều đáng nói, không ít trường hợp nghệ sĩ đã thổi phồng quá lố công dụng, hoặc lãi cao dẫn đến vi phạm quy định của pháp luật. Quảng cáo là một trong những hoạt động ngoài chuyên môn của văn nghệ sĩ. Nhiều thương hiệu gắn liền với tên tuổi nghệ sĩ và tạo ra hiệu ứng đặc biệt. Tuy nhiên, từ khi có mạng xã hội, nhiều nghệ sĩ đã lạm dụng danh tiếng của mình, thậm chí quá coi trọng lợi ích mà bất chấp tất cả để quảng cáo những mặt hàng kém chất lượng, hàng gian, hàng giả. Hành động này đã tiếp tay cho thói làm ăn gian dối, cho tội ác, gây nhiễu loạn nền kinh tế và phá hoại trật tự xã hội. Việc nghệ sĩ dùng tên tuổi, sức hút truyền thông để quảng cáo cho sản phẩm là điều không sai nhưng việc quảng cáo sản phẩm kém chất lượng, không đúng với lời nói, quảng cáo đa cấp, tiền ảo gây cho người tiêu dùng tiền mất, tật mang khiến dư luận bức xúc.

Ngoài “thổi phồng” các sản phẩm, có nghệ sĩ, “sao” còn “xả” vào công chúng những lời khiếm nhã. Không ít lần khán giả bắt gặp cựu người mẫu nói tục, chửi thề trên trang cá nhân. Cô không chỉ đối đáp với antifan (người ghét bỏ) mà còn mắng mỏ cả người hâm mộ và khách hàng của mình. Sự việc cựu người mẫu này đe dọa nghệ sĩ lớn tuổi bằng những từ ngữ tục tĩu là đỉnh điểm khiến công chúng bất bình, ngán ngẩm về cách cư xử của cô nàng này.

Một ca sĩ khiến cho khán giả ngán ngẩm bởi phát ngôn khiếm nhã. Cô ca sĩ tuyên bố: “Ai đụng vào tôi, tôi chửi. Tôi cần gì hát với hò”. Nữ người mẫu khác cũng bị công chúng chán ngán khi “đá” thêm vài câu từ tục tĩu trong clip hậu trường chụp ảnh, clip tập nhảy sexy…

Một nam ca sĩ từng bị cộng đồng mạng phẫn nộ khi nói chuyện bằng tiếng Việt với một người đàn ông nước ngoài tại hội chợ ở Budapest, Hungaria. Đáng chú ý, trong câu chuyện này, Duy Mạnh liên tục "giới thiệu" về con gái Việt bằng những câu: "Thích gái Việt Nam không?"; "Rất ngon. Gái Việt Nam rất dâm, sexy"...

Những người này không chỉ vi phạm quy tắc ứng xử trên mạng, mà nguy hiểm hơn, bởi sự nổi tiếng của mình, họ đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho cộng đồng, góp phần tạo nên những suy nghĩ, hành xử lệch lạc trong xã hội bởi những “fan” hâm mộ bị tác động xấu bởi họ.

Cẩn trọng “con dao hai lưỡi"

Tọa đàm "Thực trạng văn hóa ứng xử trên không gian mạng của nghệ sĩ và giới trẻ - Likeday" diễn ra ngày 19/4/2023 do Trung tâm Tổ chức biểu diễn nghệ thuật và sự kiện văn hóa của Nhà hát Lớn Hà Nội thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Công ty truyền thông Việt Nam Like và LeBros tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội với mong muốn lan toả thông điệp tới mọi tầng lớp người dân đặc biệt là giới trẻ Việt Nam cùng nhau chung tay xây dựng văn hóa ứng xử đẹp, thanh lịch trên không gian mạng xã hội, để góp phần văn hóa ứng xử đẹp của xã hội.

Phát biểu tại buổi tọa đàm "Thực trạng văn hóa ứng xử trên không gian mạng của nghệ sĩ và giới trẻ", ông Trần Hướng Dương, Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết, nghệ sỹ là danh xưng đáng trân trọng, người nghệ sỹ phải có ý thức giữ gìn hình ảnh của mình, tuân thủ quy định pháp luật và Bộ quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.

Quang cảnh buổi tọa đàm "Thực trạng văn hóa ứng xử trên không gian mạng của nghệ sĩ và giới trẻ" (ảnh Bảo Châu).

Quang cảnh buổi tọa đàm "Thực trạng văn hóa ứng xử trên không gian mạng của nghệ sĩ và giới trẻ" (ảnh Bảo Châu).

Giáo sư-Tiến sỹ Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam thì nhấn mạnh,không gian mạng là con dao hai lưỡi và người nghệ sỹ khi tham gia mạng xã hội nên có ý thức tự giác cao về sự tác động của mình. "Theo khảo sát được Microsoft công bố mới đây, Việt Nam nằm trong Top 5 quốc gia có chỉ số mức độ văn minh thấp nhất trên không gian mạng, chỉ sau Nga, Columbia, Peru và Nam Phi. Nếu không có hành động quyết liệt để nâng cao văn hóa ứng xử của những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội thì sẽ tác động rất lớn đến thế hệ tương lai của đất nước", GS.TS Từ Thị Loan bày tỏ.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Hàn Trang, nữ diễn viên tham gia phim "Lối về miền hoa" cho rằng nghệ sỹ nên dùng mạng xã hội để lan tỏa những điều tích cực và khi nghệ sỹ phạm lỗi thì khán giả - những người phán xét công tâm nhất - sẽ là "quay lưng".

Không ít nghệ sĩ thoải mái phát ngôn, hành xử lệch lạc, nhưng khi bị phản ứng chỉ biết im lặng hoặc xin lỗi qua loa, không chịu trách nhiệm. Có nghệ sĩ dẫu xin lỗi, thậm chí dùng đến cả nước mắt, nhưng cái họ nhận lại vẫn là sự nghi ngờ, quay lưng của khán giả. Hình ảnh của họ đã bị hoen ố, không còn đẹp đẽ trong mắt khán giả nữa. Bởi sai phạm của nghệ sĩ đã đến mức khó mà công chúng thông cảm được.

Đạo diễn Phạm Hoàng Nam lại đưa giải pháp xây dựng văn hóa ứng xử trên mạng xã hội, đó là mọi người hãy sống thật nhiều hơn để bớt dần cái ảo. Theo anh, ai cũng lo sống đẹp với nhau ngoài đời chắc sẽ bớt thời gian chửi bới, phán xét trên mạng xã hội, không like, không xem những cái xấu trên mạng thì ắt cái xấu ấy tự mất đất sống.

Theo các chuyên gia văn hóa, tâm lý, phát ngôn hay bút sa trên mạng xã hội đối với cộng đồng đã là một ứng xử thước đo văn minh, văn hóa. Và với người của công chúng thì ứng xử ngôn từ càng phải thận trọng và cẩn thận từng chữ từng lời. “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy”, một lời nói ra thì xem như không có gì có thể lấy lại được. Nhất là thời 4.0 này, mạng xã hội với tốc độ lan truyền nhanh như chớp, thì càng phải “uốn lưỡi” không chỉ 7 lần.

Các nghệ sĩ nên hạn chế bày tỏ status thể hiện thái quá những cảm xúc cao độ, nhất là trạng thái khó chịu, ganh ghét, giận dữ dẫn đến phát ngôn thóa mạ, vu khống, chửi bới, hăm dọa, đòi thanh toán, hành xử giang hồ... Các nghệ sĩ hãy là người có suy nghĩ tích cực, là tấm gương đẹp về cách sống, ứng xử có văn hóa, vì khán giả, vì cộng đồng hơn vì bản thân mình, xứng đáng là người của công chúng, người nghệ sĩ chân chính đúng nghĩa.

Ông Lê Quốc Vinh, Tổng giám đốc LeBros, nói về ứng xử trên mạng cho rằng về ứng xử của nghệ sĩ, họ có thể bị hạn chế phát sóng, cấm sóng nếu có ứng xử sai lệch. "Tốt nhất là mỗi người nên có những lưới lọc mà triết gia Socrates đặt ra. Lưới lọc thứ nhất là sự thật, anh có chắc điều mình nói là sự thật không. Lưới lọc thứ hai là sự tử tế, anh có chắc điều anh nói ra với tôi sẽ tốt cho tôi không. Lưới lọc thứ ba là có hữu dụng cho ai không, hay nói ra chẳng để làm gì. Câu chuyện này cũng giúp chúng ta biết cách chọn cái gì để nghe, chọn cái gì để nói", ông Vinh nói.

Đọc thêm