Siết quy định bảo đảm an toàn sau loạt vụ nổ lò hơi

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hơn 3 tháng qua, Chỉ tính riêng ở khu vực Đông Nam Bộ xảy ra 3 vụ nổ lò hơi nghiêm trọng, làm 8 người lao động thiệt mạng, hàng chục người bị thương, gây thiệt hại lớn về tài sản. Trước tình hình này, nhiều địa phương đã siết chặt việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn lao động.
Vụ nổ tại Bình Phước khiến 2 công nhân tử vong tại chỗ, một công nhân khác bị thương.
Vụ nổ tại Bình Phước khiến 2 công nhân tử vong tại chỗ, một công nhân khác bị thương.

Thiệt hại nghiêm trọng về người do nổ lò hơi

Mới đây, vào lúc 7h30 ngày 5/8, 2 thợ cơ khí trong lúc hàn đường ống vào thiết bị bơm, hút dầu điều của bồn chứa thì xảy ra cháy nổ tại Công ty TNHH LC Buffalo (TT Tân Phú, huyện Đồng Phú, Bình Phước) khiến 2 công nhân tử vong tại chỗ, 1 công nhân khác bị thương.

Cơ quan công an xác định nguyên nhân vụ tai nạn lao động thương tâm là do trong lúc hàn xì, bảo trì lò hơi thì lò phát nổ, lửa cháy lan sang các khu vực xung quanh khiến 2 anh tử vong tại chỗ và một công nhân khác bị thương.

Trước đó, khoảng 8h10 ngày 1/5, sự cố nổ lò hơi tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại gỗ Bình Minh Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) làm 6 người chết tại chỗ và 5 người bị thương. Bước đầu, Công an Đồng Nai xác định nguyên nhân dẫn đến vụ nổ là do nồi hơi và bình nén khí đã hết hạn kiểm định an toàn nhưng Công ty gỗ Bình Minh không tiến hành kiểm định lại theo đúng quy định mà vẫn đưa vào hoạt động, sản xuất.

Tại Bình Dương, lúc 14h20 ngày 6/7, khi các công nhân Công ty TNHH MTV Gỗ Hoàng Thông (huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) đang vệ sinh hệ thống hút bụi bên trong nhà máy thì bất ngờ phát ra tiếng nổ, hất văng nhiều người ra ngoài. Nghe tiếng nổ lớn, các công nhân làm việc gần đó đã chạy đến cứu hộ cứu nạn. Vụ nổ bồn chứa bụi làm 9 công nhân bị thương, trong đó 4 người bị nặng.

Giám sát hàng loạt doanh nghiệp

Các vụ tai nạn lao động, nổ lò hơi thương tâm liên tiếp xảy ra, khiến nhiều công nhân, người lao động đang làm việc tại các nhà máy không khỏi lo lắng.

Tại Bình Phước, ngày 7/8, sau vụ cháy nổ tại Công ty TNHH LC Buffalo (sản xuất dầu điều) ở khu phố Bàu Ké, thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký văn bản yêu cầu UBND huyện Đồng Phú, Công an tỉnh, Sở Lao động – Thương Binh và Xã hội tỉnh Bình Phước phối hợp với các sở, ngành liên quan khẩn trương thăm hỏi, động viên và hỗ trợ vật chất, tinh thần cho gia đình các nạn nhân. Đồng thời, lãnh đạo tỉnh Bình Phước yêu cầu các cơ quan liên quan cần điều tra, xác định nguyên nhân vụ cháy nổ, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan và xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định. Tăng cường hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, và an toàn phòng cháy chữa cháy tại nơi làm việc.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cũng quy trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy và chính quyền địa phương nếu để các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao hoạt động khi chưa đảm bảo điều kiện về an toàn phòng cháy chữa cháy, hoặc để xảy ra các vụ cháy, nổ nghiêm trọng do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm trong phạm vi quản lý.

Các công nhân bị bỏng nặng điều trị tại bệnh viện.

Các công nhân bị bỏng nặng điều trị tại bệnh viện.

Tại tỉnh Bình Dương, ông Trương Văn Phong, Phó trưởng Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bình Dương cho biết, để đảm bảo an toàn lao động, hạn chế tai nạn lao động, Ban đã có văn bản 1289/BQL-DNLĐ, đề nghị các doanh nghiệp trong khu công nghiệp chú trọng an toàn phòng chống cháy nổ và theo dõi liên tục các đơn vị trực thuộc.

Còn tại tỉnh Đồng Nai, sau sự cố nổ lò hơi tại huyện Vĩnh Cửu, Sở Lao động Thương binh – Xã hội (LĐTB-XH) tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với các đơn vị liên quan, thành lập đoàn kiểm tra giám sát 24 doanh nghiệp có sử dụng nhiều thiết bị, nhất là thiết bị áp lực. Nội dung kiểm tra, giám sát về tình hình quản lý, sử dụng các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động và công tác huấn luyện an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ).

Qua kiểm tra cho thấy, nhiều đơn vị thực hiện tương đối tốt về công tác quản lý, sử dụng các máy móc, thiết bị và huấn luyện ATVSLĐ như đã kiểm định, khai báo sử dụng lò hơi, bình chứa khí nén, xe nâng...

Bên cạnh việc làm tốt, không ít doanh nghiệp còn chưa thực hiện đầy đủ quy định về huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động (mang tính đối phó, chưa đủ người, đủ thời gian, thời lượng, chương trình), không khai báo thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Một số doanh nghiệp chưa thực hiện kiểm định thiết bị đúng quy trình (kiểm định thiết bị áp lực nhưng lại không thực hiện siêu âm, kiểm định nồi hơi nhưng nồi hơi vẫn hoạt động bình thường). Hoặc người lao động vận hành thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động nhưng lại chưa có chứng chỉ vận hành hoặc chưa qua đào tạo.

Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với các doanh nghiệp có hành vi vi phạm Luật ATVSLĐ. Đồng thời đề nghị doanh nghiệp thực hiện kiểm định kỹ thuật an toàn đối với hệ thống đường ống dẫn khí nén theo quy định; tổ chức huấn luyện, đào tạo cho người lao động vận hành thiết bị áp lực, chỉ phân công khi có chứng chỉ đào tạo…

Đọc thêm