Kết quả điều tra bằng bẫy ảnh lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam của Hợp phần Bảo tồn Đa dạng sinh học thuộc Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) vào tháng 12/2023, do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, cho thấy, quần thể của nhiều loài động vật rừng quan trọng không được ghi nhận và có thể đã suy giảm do việc bẫy bắt vẫn phổ biến trên diện rộng. Vì vậy, việc tăng cường tuần tra, tháo gỡ bẫy tại VQG Vũ Quang có ý nghĩa rất quan trọng.
13 ngày trong một tháng “bám rừng” bảo vệ động vật hoang dã
Theo lãnh đạo VQG Vũ Quang Nguyễn Danh Kỳ, thời gian vừa qua, VQG Vũ Quang được dự án VFBC tài trợ rất nhiều chương trình hoạt động và hỗ trợ nâng cao năng lực các hoạt động từ cơ sở vật chất cho đến các trang thiết bị. Đặc biệt, dự án đã hỗ trợ cho Vườn thành lập hai tổ tuần tra rừng và tháo gỡ bẫy dựa vào cộng đồng (gọi tắt là CPT).
Để phát huy tối đa hiệu quả các chương trình, đến năm 2023, Vườn đã kiện toàn hai tổ thường xuyên giữ được thời gian 13 ngày trong một tháng ở trong rừng phục vụ việc tháo gỡ các bẫy còn sót lại trong rừng, đặc biệt là việc tăng cường các trọng điểm. Qua đó, hỗ trợ Vườn trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cũng như là công tác bảo vệ động vật hoang dã.
|
Cán bộ của VQG Vũ Quang Nguyễn Danh Kỳ thả cá thể động vật hoang dã về lại nơi chúng sinh sống. |
Nâng cao hơn nữa công tác bảo tồn, phát huy đa dạng sinh học, nâng cao giá trị của hệ sinh thái Vườn di sản ASEAN. Từ tháng 11/2022 đến tháng 3/2023, VQG Vũ Quang đã tiến hành lắp đặt 25 điểm bẫy ảnh, mỗi điểm gồm 2 máy cảm biến hồng ngoại.
Các điểm bẫy ảnh được dựa trên ô lưới bản đồ toàn bộ lâm phận do đơn vị quản lý, khoảng cách mỗi điểm là 2,5 km. Khi có cảm ứng nhiệt, cảm ứng chuyển động của các loại động vật hoang dã, quý hiếm thì các máy cảm biến này sẽ tự động chụp, hoặc quay lại hình ảnh trong phạm vi di chuyển.
Nhiều loài động vật quý hiếm được đã phát hiện thông qua bẫy ảnh
Việc lắp đặt bẫy ảnh nằm trong Hợp phần Bảo tồn Đa dạng sinh học thuộc Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF- Việt Nam) phối hợp với rừng Quốc gia Vũ Quang thực hiện. Từ đó phân tích xử lý, công bố đa dạng sinh học nhằm phục vụ hiệu quả cho công tác bảo tồn, phát triển trong thời gian tới. Thông qua hệ thống bẫy ảnh giám sát đa dạng sinh học này mà các cán bộ VQG Vũ Quang đã phát hiện nhiều hình ảnh nhiều động vật quý hiếm.
|
Các cán bộ thuộc đội CPT của VGQ Vũ Quang đang giải cứu cho cá thể rùa quý hiếm đang bị vướng mắc bẫy. |
Đặc biệt, hệ thống bẫy ảnh đã ghi trực tiếp hình ảnh cá thể voi châu Á tại VQG Vũ Quang.
|
Cá thể voi châu Á được bẫy ảnh ghi lại. |
Hoạt động tuần tra và tháo gỡ bẫy tại VQG Vũ Quang đạt nhiều kết quả tích cực
Hoạt động giám sát thông qua bẫy ảnh tại VQG Vũ Quang được triển khai từ tháng 11/2023, với 3 nhóm thực hiện. Đến nay, đơn vị đã hoàn thành đặt và thu 85 điểm đã được xác định (đạt 100% kế hoạch).
Kết quả bước đầu ghi nhận được một số loài động vật quan trọng cho công tác bảo tồn tại khu vực. Ngoài ra, thông qua hoạt động tuần tra, VQG Vũ Quang cũng đã thu được 518 bẫy các loại, phát hiện và phá hủy 8 lán trại trái phép.
|
Gắn bẫy ảnh trong rừng Vũ Quang. Đây là máy ảnh cảm biến nhiệt, khi các loài động vật máu nóng đi qua, máy sẽ tự chụp lại. |
Thời gian qua, thông qua các hoạt động tuyên truyền pháp luật về bảo vệ rừng, bảo tồn các loài vật quý hiếm, VQG Vũ Quang đã giúp nhiều đối tượng như: cộng đồng dân cư vùng đệm, các em học sinh, sinh viên… hiểu rõ hơn ý nghĩa tầm quan trọng của công tác cứu hộ, bảo vệ và phát triển động vật hoang dã.
|
Vẻ đẹp hùng vĩ của rừng nguyên sinh VQG Vũ Quang. |
VQG Vũ Quang được thành lập theo quyết định số 102/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ ngày 30/7/2002, được công nhận là "Vườn Di sản ASEAN" năm 2018, nằm trên địa bàn các huyện Vũ Quang, Hương Khê và Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh), hiện quản lý, bảo vệ 57.029,84ha rừng và đất lâm nghiệp.
Đây là một trong những trung tâm đa dạng sinh học bậc nhất Việt Nam, nơi lưu giữ nhiều nguồn gene rất giá trị cho công tác bảo tồn. Trong đó, có nhiều loài động, thực vật nguy cấp, quý hiếm, có tên trong danh mục sách đỏ IUCN và sách đỏ Việt Nam, cần được ưu tiên bảo tồn, bảo vệ nghiêm ngặt.