Siêu công trình gắn biển 1000 năm bây giờ ra sao?

Đi dọc Con đường gốm sứ, chúng tôi có một cảm nhận chung đó là sự nhem nhuốc, thiếu bàn tay chăm sóc của con người. Ngay dưới gầm chân cầu vượt lên cầu Chương Dương, những bức tranh muôn màu hiện chỉ còn một máu màu đen kịt của khói và bụi đất.

Kỳ 3: Đường "gốm sứ nghìn năm" kêu cứu

[links()]Sáng 5/10/2010, 5 ngày trước Đại lễ, bên cây cầu Long Biên lịch sử đã diễn ra lễ khánh thành và gắn biển công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội cho Con đường gốm sứ ven sông Hồng. Nhân dịp này, Tổ chức Kỷ lục Guinness Thế giới chính thức tuyên bố và trao bằng công nhận Con đường gốm sứ của Hà Nội đã lập kỷ lục mới là bức tranh ghép gốm sứ lớn nhất thế giới. Thế nhưng giờ đây, kỷ lục gia này đang kêu cứu.

Kiệt tác bong tróc nhiều họa tiết

Đi dọc theo Con đường gốm sứ, chúng tôi thấy một số vết rạn nứt chạy dọc các bức tranh, vết ngắn thì vài chục cm, vết dài kéo đến hàng mét. Ngoài ra ở một số điểm còn có hiện tượng bong tróc từng mảng họa tiết, khiến kiệt tác như đang lãnh những vết thương.  Đặc biệt, có những đoạn cả bức tranh gần như muốn tuột khỏi tường đê cũ. Nguyên nhân sự xuống cấp này có thể là do thi công ẩu, vật liệu dở hoặc không loại trừ việc có người cậy phá.

Siêu công trình gắn biển 1000 năm bây giờ ra sao? ảnh 1
Vết nứt trên con đường gốm sứ.

Tại đoạn cách cầu Chương Dương 300 mét về phía bến xe Lương Yên, có một số điểm vỡ trên bức tranh gốm sứ khiến các họa tiết hoa văn trên bức tranh thiếu nhi không còn nguyên vẹn. Còn tại điểm đối diện bến xe Long Biên có một đoạn dài khoảng 40 mét trên bức tranh bị rạn nứt, các họa tiết trên bức tranh rộp lên, chỉ một tác động nhỏ cũng có thể khiến cả một đoạn dài trên bức tranh rơi ra. Nếu chỉ chạy xe qua đường và để ý thì có thể không nhận rõ điều này, nhưng khi dừng lại và chú ý quan sát, du khách sẽ không khỏi xót xa khi bức tranh đang bị xuống cấp.

Trên đường Yên Phụ, thậm chí còn có một đoạn trên bức tranh bị bóc vỡ để hở ra phần bê tông cũ ở bên trong. Ngay gần đó là những vết rạn nứt lớn và bong tróc các họa tiết. “Con đường Yên Phụ này hàng ngày có hàng nghìn chiếc xe ô tô tải đi qua, những chiếc xe trên khi chạy qua làm rung chuyển cả con đường, bức tranh gốm sứ cũng không tránh nổi tình trạng trên nên bị rạn nứt và bong ra thành từng mảng”, anh Nguyễn Chí Hải, một người dân làm nghề xe ôm cho hay.

Cũng có rất nhiều điểm mà theo quan sát của chúng tôi nguyên nhân dẫn đến sự rạn nứt là do bức tường bê tông đã bị xuống cấp từ trước, không còn đủ “sức khỏe” để gánh vỏ gốm bên ngoài.

Thiếu bàn tay chăm sóc của con người

Đi dọc Con đường gốm sứ, chúng tôi có một cảm nhận chung đó là sự nhem nhuốc, thiếu bàn tay chăm sóc của con người. Ngay dưới gầm chân cầu vượt lên cầu Chương Dương, những bức tranh muôn màu thì nay chỉ còn nhìn thấy một máu màu đen kịt của khói và bụi đất.

“Mấy ngày trước do thời tiết quá lạnh nên một số người hành nghề xe ôm gần đó đã đốt lửa ngay dưới chân cầu để sưởi. Khói từ những đống lửa sưởi đã bám vào bức tường khiến nó có màu đen như bây giờ”- anh Tuấn, một người dân gần đó nói.

Có thể thấy, để bảo quản được vẻ đẹp ban đầu của bức tranh gốm kỷ lục là cả một vấn đề nan giải, khi mà hàng ngày, vẫn có không ít người vô ý thức. Chỉ cần đi bộ qua khu vực gần bến xe Long Biên, sẽ có rất nhiều những hình ảnh xấu đập vào mặt bạn, đó là cảnh những người đàn ông thản nhiên "tè" vào mặt bức tranh gốm sứ. Tại một số điểm, do mật độ “tưới” diễn ra thường xuyên, bức tranh trở nên loang lổ, hoen ố. “Hàng ngày, có hàng trăm ông vô tư đứng tiểu tiện vào các bức tranh gốm sứ. Trước kia, các bức tranh sáng và đẹp lắm. Sau một thời gian bị xả nước tiểu vào, nó không hoen ố như bây giờ mới là lạ” – bà Hòa, một người dân gần bến xe Long Biên xác nhận.

Bên cạnh đó, nhiều nơi trên con đường kỷ lục còn bị biến thành điểm tập kết rác thải dân sinh. Một số đoạn bị người dân “xâm lấn” làm nơi bán hàng.  Nếu tình trạng này cứ tiếp diễn, có thể nói không lâu nữa, du khách và người dân Hà Nội sẽ không còn nhận ra bức tranh gốm nữa. Để không quá muộn, từ ngay bây giờ thành phố cần có kế hoạch trông coi, bảo dưỡng. Ngoài trách nhiệm của cơ quan công quyền, ý kiến sau đây của một em học sinh rất đáng được ghi nhận: Nên chăng Đoàn Thanh niên thành phố phát động một phong trào lao động công ích, định kỳ tổng vệ sinh, dọn dẹp, lau chùi và sửa sang Con đường gốm sứ - để quà tặng dành cho Thủ đô nghìn năm tuổi mãi giữ được vẻ đẹp ban đầu.

Thiên Minh

Đọc thêm