“Siêu công trình gắn biển 1000 năm” bây giờ ra sao?

Được đưa vào sử dụng từ tháng 6/2009, đến nay mặt cầu Thanh Trì  đã xuống cấp nghiêm trọng, có những vệt lún sâu hơn 10cm và kéo dài cả cây số …

[links()]

Kỳ 2: Con lươn "tác oai" mặt cầu Thanh Trì

Được đưa vào sử dụng từ tháng 6/2009, đến nay mặt cầu Thanh Trì  đã xuống cấp nghiêm trọng, có những vệt lún sâu hơn 10cm và kéo dài cả cây số …

Băm bổ mặt cầu

Chiều 22/3, có mặt trên cầu Thanh Trì - cây cầu lớn nhất trong dự án 7 cây cầu của Hà Nội bắc qua sông Hồng, chúng tôi không khỏi xót xa trước hàng loạt vệt lún, “con lươn”, “con chạch”, “sống trâu”, lồi lõm, gồ ghề, băm bổ mặt cầu.

Lớp thảm bê tông bị biến dạng kéo dài hàng km trên cả 2 làn đường từ phía quốc lộ 5 về Thanh Trì và ngược lại, đặc biệt nghiêm trọng trên khoảng 300m đường đoạn thuộc phường Cự Khối (quận Long Biên) và phường Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai). Mỗi một xe tải đi qua, cả khu vực rung lên, rồi đàn hồi hạ xuống.

“Siêu công trình gắn biển 1000 năm” bây giờ ra sao? ảnh 1

Qua ghi nhận của phóng viên, phần làn đường theo hướng từ Gia Lâm về Hà Nội những vệt lún xuất hiện nối tiếp nhau và chia mặt đường thành 2 rãnh lớn với độ sâu lên đến 10cm, bề ngang của vết lún rộng khoảng 1m. Còn làn đường ngược lại theo hướng từ Hà Nội đi Gia Lâm cũng có hiện tượng lún, xô mặt đường. Càng tiến về chính giữa mặt cầu, những vệt lún xuất hiện càng rõ. Vệt lún hoằm xuống tạo thành những con mương thoát nước lớn nằm song song với những dải “sống trâu” trên mặt cầu.Anh Tuân, một lái xe chạy thường xuyên qua cầu Thanh Trì cho hay: “Mình lái xe tải Lạng Sơn - Hà Nội được gần 5 tháng rồi. Lần đầu tiên chạy xe qua cầu, khi đi đến đây, đột nhiên tôi thấy xe rung lắc mạnh, cứ ngỡ xe bị làm sao nên phải xuống để kiểm tra. Hóa ra mặt cầu tại đây nhấp nhô kinh khủng nên khi xe trèo lên những gờ của vệt lún thì xe đã bị chao đảo”.

Một số người dân hàng ngày bán hàng ổi ở đầu cầu Thanh Trì cho biết, mặt cầu Thanh Trì đã có hiện tượng sụt lún từ cuối năm 2009, ngay khi cầu mới được đưa vào khai thác. Sau đó, Ban Quản lý Dự án Thăng Long đã cho nhà thầu tiến hành sửa chữa, nhưng cho đến nay, các vệt lún lại bắt đầu xuất hiện trở lại với tình trạng sâu hơn và kéo dài hơn so với lần lún đầu.

“Bẫy” người đi đường

Ngoài ra, hiện nay tại các điểm tiếp xúc giữa các nhịp cầu, nhiều tấm đệm cao su nhằm tạo sự đàn hồi cũng đang bị bật ra khỏi vị trí. Tại những điểm hư hỏng trên, được công ty quản lý cầu đã khống chế tạm thời bằng việc phủ lên trên đó những tấm sắt vuông lớn. Nhưng những tấm sắt này do chịu áp lực lớn của xe có trọng tải cao đã trôi đi và để lộ ra những khu vực liên kết.

Qua ghi nhận của chúng tôi, có những con “con trạch” khổng lồ nằm “thản nhiên”  trên mặt cầu, chiều rộng từ 30cm đến 40cm, có độ vênh so với mặt mặt đường ít nhất cũng phải từ 5cm đến 7cm và kéo dài cả cây số. Đây thực sự là những cái bẫy đối với người điều khiển phương tiện giao thông khi qua cầu. Đặc biệt, những người điều khiển mô tô, xe gắn máy rất dễ gặp sự cố mất thăng bằng dẫn đến tai nạn.

Thậm chí tại hai bên mép của vệt lún, lớp trải nhựa đã xô lại, gồ lên thành những ụ lớn, đậm màu hơn khu vực mặt cầu xung quanh khiến các phương tiện di chuyển trên mặt cầu vô cùng khó khăn. Những vết lõm sâu vô tình trở thành dải phân cách. Nếu như những chiếc xe ô tô 4 chỗ gầm thấp đi lệch làn thì những chiếc gờ nhô lên sẽ chạm tới gầm xe.

Chị Nguyễn Thị Oanh (xã Đông Dư, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội), bán ổi bên cầu cho biết:“Do mặt cầu bị lún sâu tạo thành những con mương  thoát nước, bên cạnh đó là những dải “con lươn” nhô cao hơn mặt đường. Có rất nhiều xe máy đi do không để ý nên chệch bánh xuống những điểm lún rồi lao lên những con lươn và mất lái. Nhiều vụ xe máy ngã trên cầu này rồi, đường cao tốc nên có ai đi chậm mà để ý được, bị bất ngờ là tại nạn”.

Thiên Minh

Kỳ sau: Con đường gốm sứ “kêu cứu” 

Đọc thêm