Sin Suối Hồ - Từ bản ma túy trở thành bản du lịch

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Nằm dưới ngay chân núi Sơn Bạc Mây, huyện Phong Thổ, Lai Châu có một bản người H’Mông độc đáo với 5 không: không uống rượu, không khói thuốc, không cờ bạc, không chích hút ma túy và không đổ rác bừa bãi… Từ bản ma túy, Sin Suối Hồ trở thành bản du lịch cộng đồng thu hút khách du lịch nhất.
Các sơn nữ với điệu múa dân tộc H’ Mông.
Các sơn nữ với điệu múa dân tộc H’ Mông.

Đắm say với “Suối Có Vàng”

Bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ nằm ở độ cao gần 1.500m so với mực nước biển, cách thành phố Lai Châu hơn 30km. Sin Suối Hồ trong tiếng Mông dịch là “Suối Có Vàng” - những dòng suối trong trẻo, mát lành cùng cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, khí hậu mát mẻ quanh năm. Đến đây, du khách thả hồn giữa thung lũng đẹp như bức tranh tạc giữa núi rừng. Trên rẻo cao, bản Sin Suối Hồ được tô điểm bằng ruộng bậc thang xanh mướt, thác Trái tim đổ xuống vang vọng giữa khu rừng già, tạo cảnh kỳ vĩ, hoang sơ không kém phần thơ mộng.

Vượt qua con đường đồi núi uốn lượn, mây mờ giăng phủ, du khách bỗng lạc vào bản Sin Suối Hồ với những cô sơn nữ đẹp mộc mạc, chất phác, nụ cười tỏa nắng nâng ống tre đựng nước thảo quả pha với mật ong thơm dịu mời khách phương xa thưởng thức.

Sin Suối Hồ cũng là một bản H’Mông hiếm có với du lịch cộng đồng được quy hoạch tổng thể, khang trang, sạch đẹp; lối kiến trúc riêng, độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc. Du khách ai nấy đều ngạc nhiên trước khung cảnh bản làng trên miền núi cao heo hút lại ngăn nắp, xinh xắn. Hai bên đường vào những cây hoa địa lan, vườn đào nở rộ cuối xuân như chào đón du khách.

Sơn nữ xinh đẹp Hảng Thị Qua đưa du khách tham quan những chiếc cổng độc đáo “có một không hai”. Những chiếc cổng nhà dân được trang trí bằng hình nông cụ. Có nhà đẽo cột cổng gỗ bằng lưỡi liềm, có nhà đẽo cột mô phỏng theo chiếc búa, chiếc rìu…

Sơn nữ Hảng Thị Qua đang dẫn du khách đi thăm bản Sin Suối Hồ.

Sơn nữ Hảng Thị Qua đang dẫn du khách đi thăm bản Sin Suối Hồ.

Đặc biệt, Sin Suối Hồ vẫn giữ nguyên được bản sắc văn hoá cùng phong tục, nếp sống thuần hậu, mộc mạc, tự nhiên của người H’Mông. Đó là chợ phiên dù nhỏ nhưng vẫn đầy màu sắc và nhộn nhịp với những sản vật núi rừng. Những em bé trong bản mắt tròn vo theo mẹ bán nông sản, thảo dược, thổ cẩm tại chợ phiên tổ chức vào thứ bảy hàng tuần.

Bản du lịch cộng đồng người H’Mông còn nguyên sơ nhưng các dịch vụ cơ bản như lưu trú khá thuận tiện với những đồ dùng thân thiện với thiên nhiên. Du khách có thể lựa chọn lưu trú tại nhà cộng đồng hoặc trải nghiệm với phòng nghỉ độc đáo đặt trên cây thường được gọi là các tổ chim. Một quán café treo leo giữa triền núi làm khách mê “chek-in” say lòng khi nhâm nhi tách trà, café nóng ngắm ánh bình minh, hoàng hôn mê hồn đỉnh núi.

Bản “5 không” giữa đại ngàn

Mỗi năm, Sin Suối Hồ thu hút chục nghìn lượt du khách trong và ngoài nước. Từ năm 2016, Sin Suối Hồ được bầu chọn là “Điểm du lịch thu hút du khách nhất”. Năm 2019 bản Sin Suối Hồ đã vinh dự được Hiệp hội Du lịch Việt Nam tặng Bằng khen “Làng du lịch cộng đồng tiêu biểu năm 2019” vì có thành tích xuất sắc trong xây dựng, tổ chức và phát triển du lịch cộng đồng.

Chàng trai, cô gái H’ Mông đón du khách bằng nụ cười và cốc tre nước thảo quả pha mật ong.

Chàng trai, cô gái H’ Mông đón du khách bằng nụ cười và cốc tre nước thảo quả pha mật ong.

Không phải ngẫu nhiên, người dân “Suối Có Vàng” đạt được nhiều thành tích, “thay da, đổi thịt” như vậy. Ông Vàng A Chỉnh, Trưởng bản Sin Suối Hồ cho biết, bản văn hóa Sin Suối Hồ có lịch sử khoảng 300 năm. “Trước kia ở đây chỉ khoảng trên 100 hộ người H’Mông chuyên trồng thuốc phiện để buôn bán và tiêu thụ. Hậu quả là hơn 90% dân bản trở thành con nghiện. Sin Suối Hồ từng là “điểm nóng” ma túy.

Nhiều năm liền, Sin Suối Hồ oằn mình vật vã với nghiện ngập, đói nghèo, bệnh tật và tội phạm, được xếp vào diện bản làng nghèo nhất, nhiều tệ nạn nhất tỉnh Lai Châu” - ông Hảng A Xà - một người uy tín trong làng kể lại. Mặc dù nhiều biện pháp hỗ trợ thoát nghèo, thoát nghiện nhưng người dân Sin Suối Hồ vẫn cứ mãi loay hoay trong tăm tối, tuyệt vọng. Ở bản thường xảy ra trộm cắp và tệ nạn xã hội. Tưởng chừng bản làng này sẽ bị tuyệt chủng, người nghiện không bao giờ cai được, bản không còn tương lai nữa.

Sin Suối Hồ đã phải trải qua một sự chuyển mình đau đớn từ đáy vực trở thành bản du lịch cộng đồng xinh đẹp, văn minh không hề dễ dàng. Ông Vàng A Chỉnh nhớ lại những lần thuyết phục bà con dân bản cùng làm mô hình du lịch cộng đồng, ai ai trong bản cũng quả quyết sẽ không bao giờ làm được. Họ bàn lùi, thậm chí còn tỏ thái độ thách thức với những lời nói khó nghe.

Bắt đầu từ năm 1995-2005, ông Chỉnh và ông Xà là những người tiên phong vận động người dân cai nghiện. Người dân đã đẽo khúc gỗ thành tượng người đàn ông mặc trang phục H’Mông nằm gục khi say thuốc phiện đặt ngay cổng lối vào bản như một lời cảnh báo sự nguy hiểm của ma túy.

Đến năm 2014, bản Sin Suối Hồ thành công, không còn ai ở bản nghiện hút. Cai nghiện được rồi, làm thế nào để dân mình thoát khỏi cái nghèo đói bủa vây bao nhiêu đời nay? Bà con ở bản Sin Suối Hồ với 100% đồng bào dân tộc H’Mông xưa nay chỉ quanh quẩn bên nương ngô, ruộng lúa.

Nhớ lại những ngày đầu tiên bắt tay vào vận động bà con cùng phát triển mô hình du lịch cộng đồng, Trưởng bản Chỉnh tâm sự khó khăn nhất là thay đổi tư duy của đồng bào H’Mông ở vùng này. Khi vận động bà con làm con đường, một số hộ dân phản đối: “Chúng tao đi đường đất mấy đời người không chết, tự dưng đi làm đường bê tông để làm gì? Ai muốn làm thì làm, chúng tao không làm”. Rồi thì: “Làm du lịch cộng đồng khó lắm, bao đời nay, chúng tao chỉ biết trồng ruộng lên nương, thả con lợn ở rừng để ăn, có biết chữ đâu, chúng tao chịu thôi, kệ chúng mày”; “Ăn chẳng no cái bụng, giờ vẽ ra du lịch với trồng lan”…

“Mưa dầm thấm lâu”, sau bao tháng ngày kiên trì, Trưởng bản và ông Hảng A Xà dần thay đổi tư duy người dân bản. Trước hết, những người uy tín trong bản phải bắt tay vào tu sửa nếp nhà mình cho sạch sẽ, tươm tất. Tu sửa nhà xong, họ hô hào trai tráng trong bản làng cùng chung tay sửa sang lại tất cả khu vực đất đai, nhà cửa của bản, sửa hết từ cổng chào cho đến đường bản. Còn các thôn nữ trồng các loại cây hoa, tô đẹp con đường, làm những thùng rác gỗ ngộ nghĩnh. Người uy tín trong bản bắt đầu vận động các gia đình làm dịch vụ homestay đón khách du lịch, nhà không có điều kiện thì nuôi lợn, nuôi gà, nuôi lợn, trồng rau cung cấp thực phẩm. Mỗi nhà mỗi người mỗi việc, cả bản cùng chung tay làm.

Được Nhà nước hỗ trợ xi măng, ông Chỉnh cùng với Ban Quản lý bản vận động bà con góp công sức, vật liệu làm đường bê tông trục bản. Đường nội bản được đổ bê tông, đi lại thuận tiện, bà con trong bản ai cũng vui mừng, phấn khởi. Ông Chỉnh tiếp tục vận động người dân trong bản đóng góp, ai có tiền góp tiền, ai không có tiền thì góp sức đổ bê tông các tuyến đường nhánh...

“Trước đây bản nghèo lắm, đến cái ăn, cái mặc còn không đủ, nuôi con lợn, con gà, có thóc lúa cũng không bán được. Nhưng từ ngày phát triển du lịch, đường vào bản luôn sạch sẽ, du khách tới thăm và mua nông sản khiến đời sống bà con thay đổi rất nhiều” - ông Hảng A Xà phấn khởi.

Một người dân bản phát triển kinh tế gia đình khi làm homestay và trồng lan.

Một người dân bản phát triển kinh tế gia đình khi làm homestay và trồng lan.

Khởi đầu chỉ có 2 gia đình làm homestay, nhờ sự giúp đỡ huyện Phong Thổ và tỉnh Lai Châu hướng dẫn bà con cách làm, tổ chức các dịch vụ đón khách giới thiệu về văn hóa, về các điểm tham quan cũng như giới thiệu cho khách các món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc H’Mông. Đến nay, cả bản có trên 10 hộ làm homestay. Mỗi homestay có cổng chào, biển báo bằng gỗ với dòng chữ tết bằng dây thừng hoặc dây mây ghi số điện thoại, các dịch vụ, tên chủ nhà… Số gia đình còn lại tăng gia sản xuất nuôi lợn, gà, chăn dê, thả cá, trồng rau… để phục vụ khách du lịch. Các chàng trai, sơn nữ ở bản được đi học nấu ăn, học ngoại ngữ, học trang trí buồng phòng, học hướng dẫn du khách khá bài bản.

Những homestay thân thiện với môi trường sắp xếp rất gọn gàng, sạch sẽ, mang lại cảm giác ấm áp, yên bình cho du khách. Du khách được cùng ăn, cùng ở với chủ nhà đầy thân thiện, du khách thêm hiểu về cuộc sống, con người và giá trị truyền thống dân tộc.

Cùng với đó, ẩm thực của người H’Mông cũng rất độc đáo: bánh dày, thịt treo gác bếp, lợn cắp nách, mèn mén, gà đen... Phụ nữ của bản vẫn giữ được truyền thống văn hóa tự dệt vải, may trang phục cho chính mình và làm quà tặng du khách. Buổi tối, các cô gái, chàng trai cùng nhảy múa bên đống lửa, hát những bài hát người H’Mông cùng trò chơi dân gian giã bánh dày với sự tham gia hứng khởi của các du khách. Bản Sin Suối Hồ để lại ấn tượng trong lòng du khách nhờ cộng đồng người dân đoàn kết, thân thiện, hiếu khách, sống văn minh.

Ngoài làm du lịch, bản Sin Suối Hồ còn phát triển giống địa lan địa phương. Không ít hộ vừa làm homestay vừa trồng địa lan, phong lan, hoa đào và các loại cây ăn quả như mận, đào, táo mèo, chăn nuôi gà, lợn, dê, thả cả… thu về 200 - 300 triệu đồng/năm.

Chia tay bản Sin Suối Hồ, du khách vấn vương những tiếng khèn dập dìu của chàng trai H’Mông, đôi môi tươi mướt như cánh lan rừng khoe sắc của sơn nữ và tiếng thác Trái tim cuồn cuộn chảy dòng nước tinh khiết, dịu ngọt giữa mây ngàn bồng bềnh Tây Bắc.