Hơn nữa, tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) đã kêu gọi những phần tử ủng hộ tiến hành các cuộc tấn công trả thù nhằm vào các quốc gia trong liên minh chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu. Với nhiều ấn phẩm tuyên truyền thánh chiến bằng tiếng Bahasa tại khu vực, Đông Nam Á đang ngày càng trở nên quan trọng trong chiến lược mở rộng ảnh hưởng của IS.
Hai mối đe dọa
Những thất bại về quân sự mà IS phải đối mặt tại khu vực Trung Đông có thể không phải là dấu hiệu sụp đổ của tổ chức này trong việc thành lập một “Vương quốc Hồi giáo” mà là chuyển sang hình thành một tổ chức bí mật khác. Đáng ngại hơn, IS đã thúc đẩy các cuộc tấn công khủng bố tại các khu vực phi quân sự (như tại châu Âu, Australia và Đông Nam Á) thông qua các “con sói đơn độc” và các tổ chức thánh chiến ủng hộ IS. Bên cạnh đó, còn có các mối đe dọa về ý thức hệ và những hành động cực đoan từ các tay súng thánh chiến trở về từ chiến trường Syria và Iraq.
Một số diễn biến trong năm 2016 đã phần nào xác định hai “mối đe dọa tự nhiên” của khủng bố mà Singapore sẽ phải đối mặt trong năm 2017.
Thứ nhất, sự cực đoan hóa trên mạng Internet sẽ tiếp tục là yếu tố chính dẫn tới chủ nghĩa cực đoan trong một xã hội được số hóa cao với các luật lệ cứng rắn chống chủ nghĩa khủng bố. Các cá nhân cực đoan bị bắt giữ theo luật an ninh nội địa Singapore (ISA) cho thấy các phần tử này luôn bị ảnh hưởng bởi tư tưởng cực đoan của IS trên internet và mạng xã hội. Hành động của các cá nhân cực đoan và những người thúc đẩy vũ trang thánh chiến cũng như làm cực đoan hóa người khác sẽ là một phần của mối đe dọa mà Singapore phải đối mặt.
Thứ hai, các âm mưu tấn công do các cá nhân cấp tiến người nước ngoài hoặc có liên hệ với IS, các tổ chức vũ trang tại khu vực bị ngăn chặn cho thấy sự phát triển của chủ nghĩa khủng bố toàn cầu đã đe dọa đến Singapore, điển hình là âm mưu tấn công vào Vịnh Marina (Singapore) của các phần tử người Indonesia có liên hệ với IS. Việc 40 công nhân Bangladesh cực đoan bị bắt giữ theo luật ISA hồi tháng 11/2015 và tháng 3/2016 do có các hoạt động liên quan đến chủ nghĩa khủng bố như ủng hộ IS và có kế hoạch tấn công tại quê nhà cũng cho thấy mối đe dọa gián tiếp xuyên biên giới ở bên trong và bên ngoài khu vực Đông Nam Á.
Chống lại các mối đe dọa
Singapore đã tăng cường chiến lược chống khủng bố (CT) thông qua cách tiếp cận nhiều mặt. Khả năng bảo vệ và phản ứng được Singapore tăng cường thông qua các biện pháp vật lý và luật pháp như việc thành lập đội phản ứng khẩn cấp, sáng kiến lắp đặt các camera giám sát và ngăn chặn tài chính của chủ nghĩa khủng bố. Bên cạnh đó là việc khuyến khích cộng đồng dân cư cùng chung tay với chính phủ trong cuộc chiến chống khủng bố với việc phát động phong trào “Singapore an toàn” và triển khai phần mềm cảnh báo an ninh trên thiết bị di động. Việc làm này đã thúc đẩy và tăng cường nhận thức của người dân về các vấn đề an ninh quốc gia.
Để ngăn chặn sự lan truyền tư tưởng cực đoan, các nhà lãnh đạo cộng đồng Hồi giáo tại Singapore đã tăng cường hướng dẫn, truyền dạy các tư tưởng tôn giáo chính thống cho cộng đồng Hồi giáo Singapore tới cả các học sinh và giáo viên. Bên cạnh đó, Singapore cũng theo đuổi sự hợp tác sâu rộng với cộng đồng quốc tế, với các nước láng giềng thông qua việc chia sẻ thông tin sinh trắc học của các đối tượng, phần tử khủng bố và các cá nhân bị kết tội khủng bố.
Tìm biện pháp phù hợp
Trong bối cảnh chủ nghĩa khủng bố đang lan rộng toàn cầu, Singapore sẽ phải tiếp tục cải thiện và điều chỉnh các biện pháp chống khủng bố cho phù hợp với những thách thức và tình hình mới. Sự thất bại trong việc thành lập “Vương quốc Hồi giáo” có thể sẽ khiến các tay súng nước ngoài, bao gồm cả các tay súng đến từ Đông Nam Á trở về quê hương và tiếp tục tiến hành các hoạt động thánh chiến cũng như mở rộng mạng lưới.
Hiện tại, IS đã thừa nhận và chấp nhận sự trung thành của một nhóm các tay súng thánh chiến người Malaysia và Philippines tự nhận là tổ chức “Nhà nước Hồi giáo Philippines” tại miền Nam Philippines. Sự trở về của các tay súng thánh chiến cũng có thể được khuyến khích bởi một số vấn đề bất ổn tại một số nước như vấn đề người Hồi giáo thiểu số Rohingya ở Myanmar. Những rủi ro này có thể diễn ra trong vài năm tới với những tác động chưa thể nhìn thấy được.
Mạng xã hội có thể tạo điều kiện cho các mối nguy hại này khi tiếp tục là môi trường thuận lợi cho việc tuyên truyền tư tưởng cực đoan, đặt ra những thách thức cho các lực lượng thi hành pháp luật và tình báo trong nỗ lực ngăn chặn các hoạt động khủng bố. Các nhà lãnh đạo tôn giáo cần giữ vai trò chủ đạo trong việc chủ động bác bỏ tư tưởng cực đoan của IS trên không gian mạng.
Mặc dù triển vọng các cuộc tấn công mạng do các phần tử khủng bố tiến hành trong tương lai gần có thể chưa chắc chắn, song những thông tin không có kiểm chứng về các mối đe dọa khủng bố lan truyền trên mạng sẽ gây tâm lý hoang mang, nghi ngờ trong xã hội, tạo ra mối bất ổn đúng theo cách thức mà các cuộc tấn công khủng bố đã gây ra...