Sinh viên Gen Z và câu chuyện lý tưởng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Từ những chia sẻ của “người trong cuộc”, thấy rằng những lý tưởng, khát khao tu dưỡng và cống hiến vẫn luôn sục sôi trong trái tim và tâm hồn mỗi bạn trẻ sinh viên gen Z.
Sinh viên Việt Nam bản lĩnh trí tuệ, không rời xa lý tưởng. (Ảnh minh họa: T.Ư Đoàn)
Sinh viên Việt Nam bản lĩnh trí tuệ, không rời xa lý tưởng. (Ảnh minh họa: T.Ư Đoàn)

Bạn trẻ mong sớm được vào Đảng

Với chủ đề “Sinh viên tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị”, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam (SVVN) Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh Phan Thùy Linh cho rằng, tác động của các thế lực thù địch với nhiều thủ đoạn tinh vi và thường xuyên hơn thông qua các nền tảng mạng xã hội, dẫn tới một bộ phận nhỏ bạn trẻ thiếu bản lĩnh chính trị dễ bị lôi kéo, kích động, nhận thức sai lầm về đường lối của Đảng, Nhà nước xã hội chủ nghĩa. Bởi vậy, Phan Thùy Linh bày tỏ mong muốn sớm có những giải pháp phát triển đoàn viên, đảng viên nói chung và đối với học sinh, sinh viên ở các trường trung học phổ thông, đại học, cao đẳng nói riêng. Từ đó, đề xuất cấp có thẩm quyền quan tâm đến một số nội dung nhằm tăng cường xây dựng đội ngũ đảng viên trẻ, có trình độ, phẩm chất tốt, dồi dào về thể lực, trong sáng về đạo đức, góp phần tạo nguồn cán bộ kế cận.

Nguyễn Tuấn Đạt, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch thì chia sẻ, sinh viên ngày nay hầu hết đều sử dụng mạng xã hội. Nhưng các ứng dụng mạng xã hội cũng là một “mảnh đất”, công cụ mà các thế lực thù địch có thể sử dụng để xuyên tạc thông tin và kích động chống phá hệ thống chính trị. Vì vậy, theo Đạt, cần nhìn nhận mạng xã hội không chỉ là một thách thức mà còn là một cơ hội để tiếp cận sinh viên, truyền đạt thông tin chính trị đúng đắn và khơi gợi tinh thần yêu nước của các bạn.

Nguyễn Tuấn Đạt cho rằng, “cần mạnh dạn xác định chỉ tiêu: 100% Ban Thư ký Hội Sinh viên các trường đại học, cao đẳng, học viện là đảng viên hoặc sẽ gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời gian là sinh viên. Với xuất thân là những thủ lĩnh sinh viên xuất sắc của các trường, tôi tin tưởng rằng việc này sẽ tạo ra một đội ngũ Ban Thư ký Hội Sinh viên vững vàng chính trị nhưng đầy sáng tạo, chất lượng và tạo cơ hội để các bạn trở thành các cán bộ nguồn tại các đơn vị làm việc sau khi tốt nghiệp”.

Chủ tịch Hội SVVN Trường Đại học Sài Gòn Trần Thanh Mẫn bày tỏ quan điểm, việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị là trách nhiệm của mỗi cá nhân, đặc biệt là sinh viên - những người sẽ định hình tương lai của đất nước. Hiện nay, sinh viên đa phần thuộc thế hệ Gen Z (sinh từ những năm giữa - đến cuối thập niên 1990 đến những năm đầu thập niên 2010) và tiệm cận Gen Alpha (sinh từ những năm đầu thập niên 2010 đến những năm đầu - đến giữa thập niên 2020), chính vì vậy họ có thể mang đến những ý tưởng mới, sáng tạo và cách nhìn đa dạng, đa chiều về các vấn đề xã hội và chính trị. Nên việc khuyến khích và tạo điều kiện cho sinh viên thể hiện quan điểm của mình sẽ làm giàu thêm “bức tranh” chính trị và đem lại sự đa dạng trong các quyết định, chính sách xây dựng và phát triển đất nước trong tương lai.

“Để có thể thúc đẩy sự tham gia tích cực của sinh viên trong việc xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, chúng ta cần hình thành ý thức chính trị của các bạn sinh viên từ sớm thông qua việc triển khai thực hiện các giải pháp tăng cường hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các chương trình, hoạt động ngoại khóa, không gian để sinh viên thảo luận, học hỏi, thực hành kỹ năng lãnh đạo, quản lý…

Du học sinh gìn giữ bản sắc văn hóa, nguồn cội

Phạm Thị Vân Anh - Chủ tịch Hội SVVN tại Hà Lan chia sẻ, trong quá trình hoạt động, Hội SVVN tại Hà Lan đã tổ chức hoạt động quảng bá về ẩm thực, đồ handmade (do chính sinh viên làm). Cùng với đó là các hoạt động văn hóa, nghệ thuật Việt Nam trong các sự kiện của các trường đại học, lễ hội tại các đại sứ quán trên toàn thế giới tại nước bản địa. “Ngoài ra, chúng em có kế hoạch hợp tác tổ chức một số chương trình có nội dung quảng bá về văn hóa, nghệ thuật và con người Việt Nam với một số Hội Sinh viên quốc tế tại Hà Lan như Hội Sinh viên Trung Quốc, Indonesia”, Vân Anh cho biết.

Với cương Chủ tịch Hội SVVN tại Hà Lan, tuy nhiệm kỳ mới bắt đầu, nhưng Vân Anh xác định rõ vai trò của mình là đại diện, là tiếng nói và là cầu nối của toàn thể các bạn sinh viên Việt Nam đang theo học tại Hà Lan. Vân Anh cũng sẽ tiếp nhận và triển khai tốt các chủ trương, phong trào của Trung ương Hội SVVN để làm tốt công tác tuyên truyền, định hướng cho cộng đồng sinh viên.

Vân Anh cho rằng, sinh viên Việt Nam đã và đang thể hiện thông qua sự uyển chuyển, khéo léo trong hòa nhập, chia sẻ những giá trị dân tộc với bạn bè quốc tế. Bởi sinh viên Việt Nam tại nước ngoài có tinh thần học tập, tiếp thu rất tốt, đã khẳng định được vị thế của mình với bạn bè quốc tế qua nhiều mặt, đồng thời thúc đẩy giao lưu, tình bạn và đoàn kết và hữu nghị giữa sinh các nước, đặc biệt là đối với nước bản địa. Riêng Vân Anh, em có tình yêu rất lớn với văn hóa, ẩm thực và trang phục dân tộc. Vì vậy, khi học tập ở một đất nước xa lạ, Vân Anh nhận thấy được những giá trị độc đáo của dân tộc Việt Nam góp phần tạo nên bản sắc cá nhân. “Em rất thích mặc áo dài, thích giới thiệu về áo dài và văn hóa, ẩm thực Việt với bạn bè quốc tế. Khi có thời gian, em hay nấu món ăn Việt mang lên trường cho bạn người Hà Lan và quốc tế ăn thử”, Vân Anh kể.

Bạn trẻ hào hứng tham gia các hoạt động tại Festival Thanh niên Quốc tế lần thứ II, năm 2023. (Ảnh: BTC)

Bạn trẻ hào hứng tham gia các hoạt động tại Festival Thanh niên Quốc tế lần thứ II, năm 2023. (Ảnh: BTC)

Ngoài thành tích học tập khủng, năm 2018 - 2021, cô sáng lập và điều hành dự án Ấm, gây quỹ từ thiện thông qua tổ chức các hoạt động âm nhạc, nghệ thuật, bán đồ hand-made, ủng hộ lợi nhuận thường niên cho các bệnh nhân chạy thận và ung thư trẻ. Năm 2020 - 2021: Sáng lập và điều hành dự án Tôi Tập Đọc, tổ chức các lớp học tăng cường kỹ năng, tăng cường đam mê đọc sách cho các em nhỏ tự kỷ tại Trung tâm Sao Mai. Quyên góp hơn 200 đầu sách mới để thành lập thư viện di động cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Năm 2021 - 2022: Làm Tổng Thư ký Hội SVVN tại Hà Lan. Năm 2022 - 2023: Phó Chủ tịch Hội SVVN tại Hà Lan; Nhận giấy khen sinh viên có đóng góp đặc biệt cho công tác xây dựng và phát triển cộng đồng từ Đại sứ Ngô Hướng Nam. Năm 2023 đến nay: Chủ tịch Hội SVVN tại Hà Lan nhiệm kỳ 2023 - 2025; Ủy viên Ban Chấp hành Liên hiệp Hội Thanh niên Sinh viên châu Âu và là người trẻ nhất…

Với chủ đề “Sinh viên giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”, đặc biệt, nhấn mạnh các giải pháp trong công tác tuyên truyền, giáo dục về giá trị văn hóa, bản sắc và truyền thống dân tộc. Bạn Vũ Thị Bích Diệp, Chủ tịch Hội SVVN tại Italia đề xuất đẩy mạnh chương trình dạy tiếng Việt tại nước sở tại để sinh viên các nước có thể hiểu rõ hơn về đất nước, con người Việt Nam. Bên cạnh đó, các chương trình đã đưa các trò chơi dân gian lồng ghép vào các hoạt động của Hội SVVN tại Italia, tổ chức cuộc thi về lịch sử cho các bạn sinh viên Việt Nam đang học tại Italia nhằm giúp các bạn sinh viên dù đi đâu cũng luôn nhớ về lịch sử nước mình.

Tương tự, bạn Bạch Thị Phương Anh, Chủ tịch Hội SVVN tại Hàn Quốc cho biết: Để phát huy bản sắc dân tộc, các bạn trẻ Việt Nam tại Hàn Quốc đã dạy tiếng Việt cho người Hàn. Bên cạnh đó, tổ chức nhiều chương trình giao lưu văn hóa về hội chợ ẩm thực, nghệ thuật, triển lãm giới thiệu về đất nước Việt Nam.

“Ngoài ra, trong mỗi dịp lễ, Tết, chúng tôi đều tổ chức những chương trình dành cho du học sinh, trong đó có tặng quà như: Bánh chưng, giò, chả của Việt Nam cho các bạn sinh viên xa nhà. Từ những món quà này, các bạn sẽ thêm nhớ văn hóa và yêu quê hương Việt Nam”, Bạch Thị Phương Anh chia sẻ.

Có thể nói, sinh viên, nguồn trí thức tương lai đang ở thời thanh xuân tươi đẹp cho những hoài bão, khát vọng, lý tưởng. Nguồn cội luôn ở đó, bất biến trong tim mỗi con người với những vẻ đẹp bình dị và lấp lánh…

Phùng Hữu Nhân, đại diện Hội Sinh viên Việt Nam tại Vương quốc Anh cho rằng, vẫn còn hiện trạng sinh viên Việt Nam ở ngoài nước còn chưa có nhiều đóng góp trong công cuộc xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Vì vậy, số lượng các đảng viên là sinh viên Việt Nam ở nước ngoài còn hạn chế… Một phần lí do là vì các bạn có xu hướng phát triển theo hướng tư nhân hoặc định cư, làm việc tại nước ngoài…

Để khắc phục những hạn chế đó và tăng cường sự đóng góp của sinh viên Việt Nam ở nước ngoài vào công cuộc xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, thời gian tới Hội Sinh viên Việt Nam, những đảng viên là sinh viên, nghiên cứu sinh, giảng viên… ở nước ngoài cần tiếp tục là cầu nối giữa Đảng ủy với những sinh viên, học sinh ưu tú, cộng đồng sinh viên. Bên cạnh đó, cần mở rộng mạng lưới rộng khắp, qua đó không bỏ sót những trường hợp là học sinh, sinh viên ưu tú có thể đóng góp cho công cuộc xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của đất nước…

Đọc thêm